Giữ Hải Tặc sau ngày thống nhất

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
13/12/2021 09:09 GMT+7

Hòn Đốc (hay còn gọi là Hòn Tre Lớn) là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc (còn gọi là quần đảo Hà Tiên), là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của xã Tiên Hải.

Người từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải (TP.Hà Tiên, Kiên Giang) hay hỏi chuyện cướp biển trên quần đảo Hải Tặc ngày xưa. Nhưng người dân ở đây chỉ biết về cuộc chiến đấu của bộ đội Hải quân và Quân khu 9 bảo vệ quần đảo Hải Tặc trước âm mưu xâm chiếm của Khmer Đỏ, ngay sau ngày 30.4.1975.

Vị trí tiền tiêu

Những ngày cuối năm 2021, mỗi ngày chỉ còn 1 chuyến tàu chở khách từ TP.Hà Tiên ra vào xã đảo Tiên Hải. Gần 2 tiếng tàu chạy, Tiên Hải hiện ra trước mặt với hàng cột khổng lồ, mới khánh thành, đưa điện lưới từ bờ ra đảo.

Hòn Đốc (hay còn gọi là Hòn Tre Lớn) là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc (còn gọi là quần đảo Hà Tiên), là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của xã Tiên Hải. Gọi là xã, nhưng Tiên Hải chỉ có 442 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu sinh sống chủ yếu ở Hòn Tre Lớn, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Thượng tá Nguyễn Tiến Sự (Đồn trưởng biên phòng Tiên Hải) cho biết: “Xã gồm 16 đảo nổi và 2 đảo chìm nằm trong quần đảo Hải Tặc, cách TP.Hà Tiên khoảng 20 km, cách đảo Phú Quốc 40 km và cách đảo gần nhất của Campuchia chỉ 4 km”.

Buổi sáng trên đảo Hòn Đốc, tháng 12.2021

MAI THANH HẢI

Do có vị trí quan trọng trong quan sát, phòng thủ và ngăn chặn sự xâm nhập vào vùng biển và đất liền Hà Tiên, trước năm 1975, hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) bố trí 1 đại đội và đặt đài ra đa trên đỉnh Hòn Đốc. Sau 1975, trạm ra đa này không sử dụng. Mãi tháng 11.2003, Quân chủng Hải quân mới triển khai thành lập trạm ra đa đối hải (phiên hiệu 625, thuộc Vùng 5 Hải quân) trên đỉnh Hòn Đốc, nhằm tăng cường cho hoạt động quan sát, quản lý vùng biển tiếp giáp với Campuchia.

Diệt tàu Khmer Đỏ

Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 171 Hải quân, kể: Đầu tháng 5.1975, trên vùng biển Tây Nam, lợi dụng lúc hải quân VNCH tháo chạy, quân giải phóng chưa kịp tiếp quản, chính quyền Khmer đưa quân sang chiếm đóng trái phép và giết hại dân ta trên các đảo Phú Quốc, Thổ Chu...

Từ ngày 23 - 27.5.1975, lực lượng tàu chiến đấu, vận tải hải quân, bộ binh của Vùng 5 Hải quân và Quân khu 9 đã tổ chức các đợt tấn công tiêu diệt lính Khmer Đỏ, thu hồi trọn vẹn các đảo trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Cuối tháng 10.1975, Bộ Quốc phòng thành lập Vùng 5 duyên hải (nay là Vùng 5 Hải quân). Ngay sau đó, Vùng 5 Hải quân đã triển khai lực lượng phòng thủ bảo vệ các đảo quan trọng. Ở Hòn Đốc, Cụm phòng thủ đảo được hình thành, sau đó được nâng cấp thành đại đội và tiểu đoàn Hòn Đốc.

“Hồi ấy trên đảo Hòn Đốc chỉ có vài chục hộ dân, sống vất vả đủ bề. Đã vậy, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ lính Khmer Đỏ từ bên Kep (Campuchia) phi tàu sang cướp phá, bắn giết. Ở đảo Keo Ngựa (cách Hòn Đốc gần 4 km), lính Khmer Đỏ đóng đồn, làm hầm hào công sự, chờ cơ hội tràn sang đánh chiếm. Giữa tháng 5.1975, bộ đội Hải quân ra đóng quân, chúng tôi mới yên tâm”, ông Nguyễn Văn Thành (65 tuổi, ở ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải) kể lại vậy, và nhớ rõ: “Đầu năm 1977, tàu Khmer Đỏ tăng cường vây bắt tàu xuồng đánh cá của ta. Pháo binh chúng bắt đầu bắn sang. Ngư dân ta phải rút về bờ để tránh thương vong”...

Tàu chiến đấu của Vùng 5 Hải quân tuần tra, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo Hòn Đốc, năm 1978

TƯ LIỆU VÙNG 5 HẢI QUÂN

Trung tá Nguyễn Viết Chức (67 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), nguyên trợ lý tác chiến của Hạm đội 171 Hải quân (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân), kể: Từ đầu 1977, tàu chiến Khmer Đỏ liên tục khiêu khích, xâm nhập vào khu vực biển phía bắc Phú Quốc. Pháo binh địch từ các hòn Keo Ngựa, Kiến Vàng, Tre Mắm tập trung bắn phá Hòn Đốc... Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng điều 1 phân đội tàu của Hạm đội 171 ra trực chiến tại vùng biển Hòn Đốc. Đêm 21.2.1978, tổ quan sát trên đảo Hòn Đốc phát hiện 3 thuyền vũ trang Khmer Đỏ xâm nhập vùng biển Việt Nam. Ban chỉ huy đảo Hòn Đốc lệnh cho biên đội 2 tàu PCF số hiệu 3875 và 101 (thuộc Hải đội 512, Hạm đội 171) tổ chức đánh địch.

Sau trận này, đầu tháng 3.1978, phân đội gồm 2 tàu chiến đấu 601 và 614 của Hải đội 811 (Hạm đội 171) cơ động từ TP.HCM ra Hòn Đốc, phối thuộc Vùng 5 Hải quân bảo vệ đảo. Đêm 1.4.1978, phân đội tàu đã phát hiện, bắn chìm 2 tàu chiến Khmer Đỏ xâm phạm vùng biển Hòn Đốc. Ngay sau đó, rạng sáng 8.4.1978, phân đội phát hiện 6 tàu chiến đấu Khmer Đỏ vượt qua vùng biển Hòn Đốc, âm mưu chiếm đánh bờ biển Hà Tiên. Mặc dù tàu địch nhiều gấp 3 lần, nhưng phân đội tàu của Hạm đội 171 đã bí mật tiếp cận, tấn công mãnh liệt, bắn chìm 2 chiếc, bắn hư hỏng nặng 2 chiếc, đập tan âm mưu của địch.

Đấu pháo

Cảng cá Tiên Hải (Hòn Đốc), tháng 12.2021

MAI THANH HẢI

“Thời điểm 1977 - 1978, Tiểu đoàn Hòn Đốc liên tục đánh trả pháo binh Khmer Đỏ”, đại tá Phạm Xuân Nựu, nguyên Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kể vậy, và nhớ lại: “Khi mới tiếp quản đảo, ta chỉ triển khai 1 trung đội pháo 85 mm. Giữa 1977, khi pháo lớn của địch bắn sang, chúng tôi phải dùng tàu đổ bộ chở pháo 105 mm ra và bộ đội dùng sức đưa lên, xây dựng công sự, trận địa để đánh trả. Ác liệt nhất là trong tháng 4 - 5.1978, pháo binh Hải quân trên đảo Hòn Đốc đã 9 lần phản pháo mãnh liệt: Đánh sập 2 lần chiếc cầu cảng ở hòn Keo Ngựa; bắn trúng trận địa DKZ ở hòn Kiến Vàng; tiêu diệt trận địa pháo ở hòn Tre Mắm và phá hủy nhiều công sự, trận địa của Khmer Đỏ trên các đảo, khiến chúng thiệt hại nặng nề. Từ tháng 6.1978, Khmer Đỏ không dám pháo kích sang Hòn Đốc...”.

Đầu tháng 1.1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi chế độ diệt chủng PolPot. Cuối tháng 4.1979, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Tây Nam, Vùng 5 Hải quân được giao nhiệm vụ giúp bạn bảo vệ vùng biển Campuchia. Lúc ấy, vùng biển Tây Nam mới tạm yên tiếng súng.

Hiện nay, trên đảo Hòn Đốc vẫn lưu giữ cột mốc chủ quyền do chính quyền VNCH dựng năm 1958, ghi rõ: “...Quần đảo Hải Tặc (ARCHIPEL DES PIGATE). Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ B”; kinh tuyến 104 độ 20’ D”.

Đầu năm 1979, nhiệm vụ bảo vệ Hòn Đốc được Vùng 5 Hải quân chuyển giao cho Quân khu 9, và ông Phan Thanh Quang (67 tuổi, hiện đang sống ở xã Tiên Hải) là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Trung đội Hòn Đốc (thuộc Ban Chỉ huy quân sự H.Kiên Lương, Kiên Giang) ra giữ đảo. Năm 1982, ông Quang xuất ngũ, ở lại Hòn Đốc. Cuối tháng 9.1983, khi nơi đây được đổi tên thành xã Tiên Hải và mấy chục hộ dân từ đất liền trở lại quần đảo Hải Tặc lập nghiệp, ông Quang là người đầu tiên đảm nhiệm cương vị Xã đội trưởng của Tiên Hải, sau đó là Chủ tịch UBND xã Tiên Hải trong gần 20 năm.

“Người dân rất muốn dựng bia ghi danh bộ đội hy sinh trong khi bảo vệ đảo. Nếu không có bộ đội, lính Khmer Đỏ đã tràn sang đảo từ lâu”, ông Quang nói vậy. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.