Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
24/12/2023 07:04 GMT+7

Trên dữ liệu hình ảnh mốc giới của các diễn đàn du lịch khám phá, rất nhiều cột mốc ở tuyến biên giới Cao Bằng chưa được cập nhật hình ảnh, nhất là các mốc số chẵn đặc biệt như 600, 700, 800, 900…

Mốc 600 khó khăn nhất tỉnh

Từ Đồn biên phòng Xuân Trường (Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, đóng ở trung tâm xã Xuân Trường, H.Bảo Lạc), chúng tôi đi xe máy hơn 1 tiếng đồng hồ trên con đường chỉ dài 12 km vào điểm trường Cáp Cán, toàn đá hộc trơn nhẫy. Từ đây, xe máy thận trọng vượt qua con đường bê tông dặm nối các tảng đá lớn, chỉ vừa 1 xe đi và dốc có chỗ 50 - 60 độ, người ngồi sau phải nhảy xuống ghìm xe cho khỏi lộn nhào xuống vực sâu hun hút.

Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá- Ảnh 1.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Xuân Trường chào cột mốc 600

MAI THANH HẢI

Vào đến xóm Lũng Pù gửi xe máy, bắt đầu đi bộ lên mốc 600, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi vì căng thẳng. Một cán bộ biên phòng nhìn chúng tôi, hỏi lại: "Mốc này khó đi nhất tỉnh Cao Bằng đấy. Nếu đổi ý, đi các mốc dễ hơn vẫn kịp!". Thấy chúng tôi lắc đầu: "Ai cũng sợ khó thì càng phải đi", cán bộ này gật gù: "Tối mịt mới xuống núi là chắc"…

Mặc dù đã đi rất nhiều mốc giới ở các tuyến biên giới Tổ quốc, cũng phải thừa nhận là các đường mòn ở biên giới phía tây của tỉnh Cao Bằng (đặc biệt là tuyến Bảo Lạc) rất khó đi, do vượt qua các núi đá tai mèo sắc nhọn, cây cối cằn cỗi không sống nổi. Đi trên núi thì nắng bỏng rát, nhưng chui xuống thung lũng nhiều cây bụi thì lạnh tê tái.

Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá- Ảnh 2.

Quét dọn vệ sinh khu vực mốc 600

MAI THANH HẢI

Đường mòn lên mốc 600 không có dấu chân người, chỉ dựa vào trí nhớ của bộ đội. Thiếu úy Nông Hồng Thuận, Đội trưởng vũ trang, Đồn biên phòng Xuân Trường, kể: "Núi đá vực sâu, người dân không dám chăn thả trâu bò. Những người hãn hữu lên khu vực mốc thì lấy cây mũi mác (cổ bình, hồ lô trà) về phơi khô bán cho Trung Quốc chế biến dược liệu và lên… chặt cây, cưa xẻ gỗ lén lút".

Hành trình của chúng tôi, vượt qua 6 ngọn núi, 4 thung lũng, cuối cùng cũng đến được mốc giới số 600. Mốc số 600 là mốc đơn loại nhỏ làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 27.11.2008. Mốc này cao 1,2 m và đặt trên yên ngựa, ở vị trí có độ cao là 1.235,45 m.

Ở phía VN, đường đi lên rất khó khăn, vất vả. Bên phía Trung Quốc, sau hàng rào kẽm gai và khung sắt sơn xanh là con đường bê tông xây bậc cẩn thận, nối từ đường xe hơi lên tận mốc. Nhìn xuống phía dưới, vẫn thấy chốt của Trung Quốc nhưng vắng người, bởi lực lượng trực của họ đã rút từ giữa năm 2023, giao lại cho dân binh địa phương trông coi.

Sau khi làm các thủ tục kiểm tra khu vực mốc giới đường biên, chúng tôi phải kiếm củi đốt lửa sưởi ấm và ăn tạm bữa trưa mang sẵn từ sáng. "Đến mốc 600 chỉ có bộ đội biên phòng. Người dân rất ít lên và rất hiếm người biết đường. Lạc đường khu này rất khó tìm vì không có vật chuẩn và không sóng điện thoại", thiếu úy Thuận nói.

Mốc 800 căng thẳng

Từ TT.Trùng Khánh, chúng tôi theo đường tỉnh 213 ra hướng cửa khẩu Pò Peo, đến đoạn rẽ vào xóm Lũng Lầu (xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh), đã thấy trung tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ngọc Côn, đợi sẵn, đưa vào chốt quản lý bảo vệ biên giới, lên mốc 800.

Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá- Ảnh 3.

Chỉ huy Đồn biên phòng Ngọc Côn thực hiện nghi thức chào mốc 800

MAI THANH HẢI

Mốc giới số 800 là mốc đơn, loại trung làm bằng bê tông. Mốc cắm ngày 31.10.2006. Mốc được đặt trên sống núi có độ cao so với mặt biển là 776,09 m.

Thời gian đi bộ lên mốc chỉ khoảng 30 phút, nhưng đường mòn len lỏi trên cả núi đất và đá trơn nhẫy do mưa phùn mùa đông, thác nước ẩm ướt, khiến ai cũng chật vật tìm chỗ đặt chân cẩn thận cho khỏi ngã.

Lên đến mốc 800, trung tá Bình tỉ mẩn kiểm tra từng dấu hiệu cột mốc, bờ cây ngọn cỏ xung quanh và lắc đầu: "Càng gần tết, tình hình biên giới càng phức tạp. Ngoài an ninh trật tự, còn cả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Bên Trung Quốc đã làm hàng rào bảo vệ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất thường và quân số của đồn phải trải dọc đường biên. Ngay chỉ huy đồn, mỗi đêm cũng phải đi kiểm tra vài ba lần!"…

Trên đường từ mốc 800 về doanh trại, trung tá Bình dừng lại chốt, gọi cậu chiến sĩ lên xe đưa về tổ công tác Lũng Lầu cách đó khoảng 2 km, bảo: "Mùa đông, trên này mưa rét, bộ đội phải trực chốt, tuần tra 24/7 nên có khi ngại, chẳng muốn tắm gội. Cứ phải đón đưa anh em ra tắm gội đàng hoàng. Có khỏe mạnh mới giữ được biên giới".

Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá- Ảnh 4.

Mốc 900, tuyến biên giới VN - Trung Quốc

MAI THANH HẢI

Giữ cột mốc đặc biệt: Mốc số chẵn giữa miền núi đá- Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Long vệ sinh mốc 900

MAI THANH HẢI

Mốc giới số 700 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 3.6.2008. Mốc cao 1,19 m, đặt trên dốc núi ở độ cao 862,78 m.

Mốc giới số 900 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 2.4.2008. Mốc được đặt trên yên ngựa cạnh đường mòn ở độ cao 469,6 m.

Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát, quan sát bảo vệ biên giới. Tổ chức tuần tra đơn phương được 2.284 lần/24.134 lượt người tham gia (biên phòng: 10.252; dân quân - công an: 2.286; quần chúng nhân dân: 11.596), phát quang 477,682 km đường tuần tra; 1,324 km đường thông tầm nhìn biên giới; tuần tra song phương 8 lần/132 lượt cán bộ, chiến sĩ 2 bên tham gia tại khu vực đối diện (Đồn Trà Lĩnh, Ngọc Chung, Ngọc Côn, Đàm Thủy, Lý Vạn, Tà Lùng); các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra khép kín đoạn biên giới phụ trách 96 lần/640 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tổ chức nhận biết đường biên giới 16 lần/16 đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.