Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá - Kỳ 3: Sống bám đá, chết trên đá

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
25/07/2022 14:47 GMT+7

Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Ít ai biết: Ở Hà Giang , cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược đã diễn ra trước đó nửa tháng (2.2.1979) và trong năm 1979, đã có gần 100 cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang hy sinh.

Kiên cường Săm Pun

Ngay từ cuối 1978, chỉ huy đồn BP Săm Pun (nay là đồn BP Xín Cái) đã liên tục báo cáo cấp trên về việc lực lượng vũ trang Trung Quốc tập trung binh lực, áp sát biên giới, chuẩn bị tấn công địa bàn Mèo Vạc.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chủng (Chính trị viên phó đồn BP Xín Cái) đặt hoa rừng trước bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn xã Xín Cái (H.Mèo Vạc, Hà Giang)

MAI THANH HẢI

Rạng sáng 2.2.1979, phía Trung Quốc dùng 1 tiểu đoàn bộ binh tấn công vào doanh trại đồn BP Săm Pun (lúc này đóng ở đồn Pháp cũ, xóm Giàng Cái, xã Thượng Phùng, H.Mèo Vạc) và lâm trường Săm Pun.

BĐBP Hà Giang truy kích lính Trung Quốc xâm lược biên giới, năm 1984.

TƯ LIỆU

Do biết trước, bộ đội đồn và tự vệ lâm trường đã triển khai đánh trả quyết liệt, diệt 27 tên, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới. Trong trận này, ta thu được 1 khẩu AK báng gập và là “của hiếm” nên thượng úy - chính trị viên Hoàng Văn Tựt nhận sử dụng, nhất quyết không nộp về tỉnh.

Cán bộ chiến sĩ BĐBP Hà Giang dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 1982.

TƯ LIỆU

6 giờ 30 ngày 17.2.1979, pháo binh Trung Quốc cấp tập nã đạn vào doanh trại đồn BP Săm Pun và khoảng 1 tiếng sau, bộ binh bao vây toàn bộ khu vực Đồn đóng quân. Sau nửa ngày chiến đấu, 3 chiến sĩ (Hà Đức Lai, Nguyễn Văn Bình, Ma Văn Tùng) bị thương nặng và hy sinh. Khi đạn dược gần cạn, bộ đội phải rút về xóm Tống Quáng Chải. Lính Trung Quốc chiếm đồn, dùng chăn bông củi khô đốt hầm trú ẩn, hòng làm chết ngạt lực lượng cố thủ bên trong. Chính trị viên Hoàng Văn Tựt đã chỉ huy y sĩ Nguyễn Văn Hanh, nhân viên cơ yếu Lèng Ngọc Thuyết và chiến sĩ liên lạc Nguyễn Đức Toàn, làm các phương pháp cản khói và đêm xuống, rút xuống chân đồi. “Tôi lạc giữa đội hình địch, do mang khẩu AK báng gáp nên chúng tưởng là chỉ huy, cứ để yên cho mình đi”, thượng tá Hoàng Văn Tựt (83 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại H.Bắc Quang, Hà Giang) kể.

Thượng tá Hoàng Văn Tựt (thứ 2 từ phải sang trái) kể lại quá trình chiến đấu, bảo vệ biên giới của bộ đội đồn BP Săm Pun. Hình chụp tháng 3.2022.

MAI THANH HẢI

Cuối tháng 2.1979, phía Trung Quốc định chiếm cổng trời Xín Cái để khống chế toàn khu vực. Bộ chỉ huy tiền phương lệnh cho đồn BP Săm Pun cùng tiểu đoàn 1 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) cắt núi từ Đồng Văn sang chốt giữ cổng trời. Sáng 4.3.1979, lính sơn cước Trung Quốc tấn công trận địa. Sau hơn 1 ngày giằng co, trung úy Lương Văn Minh và chiến sĩ Phan Văn Thuấn hy sinh và ta phải rút khỏi điểm cao.

Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm (thứ 3 từ phải sang trái), Phó tư lệnh về chính trị BĐBP (nay là Chính ủy BĐBP) thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền biên giới, nhân chuyến công tác tại H.Mèo Vạc (Hà Giang), tháng 9.1997.

TƯ LIỆU

Mấy ngày sau đó, bộ đội ta phản công lấy lại được cổng trời Xín Cái. “Giằng co, mất đi lấy lại mấy lần trong tháng 3.1979. Gần chục anh em hy sinh trên đấy”, ông Hoàng văn Tựt liệt kê: Ngày 11.3.1979, Trung Quốc cho 2 tiểu đoàn bộ binh đánh cổng trời, ta đánh lui 6 đợt tiến công của địch và phải rút, sau khi thương vong nặng, trong đó có có đồn phó trinh sát Lý Đức Minh, chiến sĩ Phan Văn Chánh. Ngày 18.3.1979, bộ đội đồn cùng quân chủ lực chiếm lại chốt và đến lúc ấy, mọi người mới tìm thấy thi hài của gần chục anh em đã hy sinh từ cuối tháng 2.1979. Ngày 9.3.1979, đồn trưởng Bùi Văn Pha dẫn 1 trung đội đi chi viện cho đồn Lũng Làn, trên đường đi thì bị vướng mìn địch và anh Pha hy sinh.

10 năm trong công sự

Nằm cách thị trấn Mèo hơn 50 km, giáp với H.Bảo Lâm (Cao Bằng), nên đồn BP Lũng Làn (nay đổi tên là đồn BP Sơn Vĩ) được xem là xa xôi, khó khăn nhất Hà Giang. Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đưa 1 trung đoàn bộ binh tấn công đồn BP Lũng Làn và 1 tiểu đoàn đánh chiếm điểm cao 1379 - Phìn Lò, nhưng bị đánh trả quyết liệt, phải bỏ chạy. Ngày 5.3.1979, trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược có số lượng đông gấp 10 lần, nhiều bộ đội bị thương vong, trong đó đồn trưởng Lộc Viễn Tài và đồn phó Nguyễn Hồng Cẩm đã anh dũng hy sinh.

Nữ đoàn viên thanh niên trong đoàn công tác của tỉnh Hà Giang lên chốt của đồn BP Săm Pun động viên thăm hỏi và khâu áo cho bộ đội.

TƯ LIỆU

Tại địa bàn đồn BP Nghĩa Thuận, bộ binh Trung Quốc điên cuồng tấn công các trận địa mốc 4, mốc 5 trong các ngày 17.2 và 11.3.1979 nhằm tiến sâu vào khu vực H.Quản Bạ. Bộ đội đồn BP Nghĩa Thuận cùng các lực lượng chặn đánh quyết liệt và hy sinh 9 cán bộ chiến sĩ.

Ngày 6.3.1979, cả trung đoàn lính Trung Quốc xâm nhập khu dân cư xã Bản Máy (H.Hoàng Su Phì), giết hại 74 người dân và tấn công đồn BP Bản Máy. Lực lượng BĐBP đồn Bản Máy và đại đội 5 đã kiên cường bảo vệ đồn, các điểm cao chiến thuật và đánh trả quân Trung Quốc.

Thắp hương tưởng nhớ cán bộ chiến sĩ hy sinh trên địa bàn biên giới Hà Giang.

MAI THANH HẢI

Trong cuộc tấn công xâm lược tháng 2 - 3.1979 của Trung Quốc vào Hà Giang, các địa bàn Lũng Cú, Đồng Văn, Bạch Đích… chưa bị tấn công đánh chiếm, hoặc chỉ bị đánh vào tiền duyên.

“Ngày 20.3.1979, phía Trung Quốc rút quân khỏi các địa bàn mà họ đánh chiếm ở biên giới Hà Giang. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì quân chủ lực nằm sát biên giới, liên tục gây căng thẳng. Đặc biệt, phía Trung Quốc thường xuyên pháo kích vào các mục tiêu trọng yếu và các đồn, tổ chức lực lượng gài mìn, phục kích, tập kích, bắt cóc cán bộ chiến sĩ ta”, đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang cho biết vậy và kể: “Từ năm 1979 - 1989, BĐBP các đồn chủ yếu ăn ở sinh hoạt trong hầm hào công sự”…

Đánh phỉ Mỏ Phàng

Cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế - nơi các đối tượng phỉ Mỏ Phàng nhiều lần âm mưu đánh mìn phá hoại, nhưng đều bị BĐBP Hà Giang đập tan.

MAI THANH HẢI

Sau tháng 2.1979, Trung Quốc khống chế xóm Mỏ Phàng (X.Thượng Phùng, H. Mèo Vạc), làm căn cứ phỉ do Nhè Lùng, Lý Sé Mua chỉ huy. Lính phỉ Mỏ Phàng được Trung Quốc huấn luyện, thường tổ chức gài mìn, bắt cóc bộ đội, tập kích các mục tiêu quan trọng, như: năm 1980, gài mìn làm cháy 1 xe ô tô chở khách trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng; 1981, đánh mìn vào 1 xe quân sự khiến 4 bộ đội hy sinh; năm 1985, đặt mìn trên đường Mèo Vạc - Hà Giang hòng sát hại các đại biểu của H.Mèo Vạc về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh; gài mìn định phá cầu Tràng Hương…

Cán bộ chiến sĩ đồn BP Săm Pun bảo vệ đường biên mốc giới, năm 1998.

TƯ LIỆU

Tháng 8.1982, đồn BP Săm Pun và lực lượng trinh sát của tỉnh, Bộ đã lập chuyên án đánh phỉ Mỏ Phàng. Cùng với các biện pháp nghiệp vụ, ta đã tuyên truyền vận động, thuyết phục và đến năm 1988, tổ chức hơn 100 tên phỉ ở Mỏ Phàng hoàn toàn tan rã. Trong gần 10 năm chống phỉ ở Mỏ Phàng, hàng chục cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã anh dũng hy sinh, trong đó chủ yếu là lực lượng BĐBP.

Đêm 15.9.1988, khoảng 1 trung đội thám báo Trung Quốc xâm nhập địa bàn Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ) để phục kích tổ công tác BP Phìn Ủng (Đồn BP Nghĩa Thuận). Mờ sáng hôm ấy, 2 anh em Giàng Vần Say và Giàng Vần Mìn (người dân xóm Phìn Ủng, X.Nghĩa Thuận) đi tìm ngựa lạc, vô tình vào khu vực địch đang triển khai đội hình và bị lính Trung Quốc bắt sống. Nhân lúc địch sơ ý, người em Giàng Vần Mìn đã cởi dây trói, chạy về cấp báo tổ công tác BP. Ngay lập tức, trung úy - tổ trưởng Lưu Đức Hùng (nay là đại tá, chính ủy BĐBP Hà Giang) đã chỉ huy bộ đội triển khai đánh trả, tiêu diệt 10 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác.

Đại tá Lưu Đức Hùng (trái), Chính ủy BĐBP Hà Giang thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi anh Giàng Vần Mìn

ĐỘC LẬP

Đây là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược quy mô lớn ở khu vực biên giới Hà Giang (1979 - 1989). Sau này, BĐBP đã nhiều lần tìm kiếm tung tích anh Giàng Vần Say nhưng không thấy. Riêng người em Giàng Vần Mìn, được bộ đội giúp đỡ hết mức trong làm ăn kinh tế. Đặc biệt, đại tá Lưu Đức Hùng thường xuyên hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, chăm lo học hành cho các con anh Mìn"… (còn tiếp)

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá

Kỳ 2: Trung kiên trước đòn thù

Kỳ 1: Những liệt sĩ đầu tiên của BĐBP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.