Giữ chân nhân viên ngành y

08/11/2023 04:14 GMT+7

Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng chảy máu nguồn nhân lực y tế, có thể sẽ gây ra những di chứng nặng nề về nhiều phương diện y tế, kinh tế và xã hội.

Chắc chắn trong lịch sử phát triển của ngành y tế VN, tôi cũng như mọi người, chưa bao giờ chứng kiến làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế trong các đơn vị công lập nhiều như hiện nay.

Theo thông tin hằng ngày trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác, có khá nhiều bệnh viện và cơ sở y tế công lập tuyến cơ sở như: trạm y tế, bệnh viện tuyến quận, huyện... ồ ạt chảy máu nguồn nhân lực sau những tháng ngày chảy máu rỉ rả. Hôm nay vài nhân viên nghỉ việc, ngày mai vài người khác, đến khi kiểm tra lại thì đã có cả trăm người khăn gói âm thầm ra đi.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý, lãnh đạo phải hiểu rằng trước đây là chảy máu chất xám đối với những người giỏi và có chọn lọc. Nay thì nặng nề hơn, kể cả người giỏi lẫn bình thường đều ra đi, nên gọi là chảy máu nguồn nhân lực thì chính xác hơn. Điều đó dẫn đến nguy cơ ngành y tế công lập không có nhân lực hoạt động.

Đã có nhiều kế sách để ngăn chặn nạn chảy máu nguồn nhân lực y tế dựa trên sự phàn nàn và sự thật là thu nhập quá thấp. Việc này ai cũng biết, "có thực mới vực được đạo", ông bà xưa đã từng nói. Nhưng lấy cái gì để trả công cho các y, bác sĩ dù biết một đêm trực vất vả và đầy hiểm nguy mà chỉ có 25.000 đồng, mà sau gần 3 tháng mới trả được? Ngân sách chi cho y tế quá nhỏ và èo uột. Tất cả các biện pháp mà chúng ta đề nghị lâu nay như tăng tiền lương, tăng tiền ca trực, tăng tiền mổ, tiền khâu vết thương… là rất thỏa đáng, nhưng tiền đâu?

Chỉ có một cách, theo chúng tôi, những người làm chuyên môn và quản lý khá lâu trong ngành y tế, việc này đòi hỏi sự đồng thuận từ vi mô đến vĩ mô; tức từ Quốc hội đến Chính phủ là điều chỉnh ngân sách cho ngành y tế. Có thể xem xét giảm bớt tỷ lệ ngân sách ở một số ngành đã quá cao, chuyển cho ngành có ngân sách vốn rất thấp nhưng rất cần như y tế, giáo dục... Chỉ cần một phần nhỏ của ngân quỹ nhà nước là có tiền đề phát triển theo kiểu đầu tàu, mũi nhọn chứ không theo kiểu dàn hàng ngang như hiện nay.

Ngoài ra, còn hàng loạt việc phải làm, những "chuyện thường ngày ở huyện" mà chúng ta đã nói từ lâu. Xuyên suốt quá trình đó là lực lượng y tế công lập phải luôn truyền lửa nhiệt tình làm tấm gương cho các đơn vị y tế tư nhân noi theo, và nhất là không phân biệt y tế công - tư dù là trong tư tưởng và hành động hằng ngày. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.