Giữ ấm bàn chân mùa lạnh giúp tăng cường miễn dịch

Liên Châu
Liên Châu
03/01/2024 04:17 GMT+7

Những người bị lạnh bàn chân được phát hiện có phản ứng miễn dịch yếu hơn, khiến họ dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn.

Liên quan nhiều kinh mạch

Theo TS-BS Phan Minh Đức, Phó chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội: Giữ ấm đôi chân trong mùa đông quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Bàn chân lạnh có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây ra một số tình trạng sức khỏe. Mang giày dép phù hợp trong những tháng mùa đông, đặc biệt khi tham gia các hoạt động ngoài trời, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật và chấn thương.

Giữ ấm bàn chân mùa lạnh giúp tăng cường miễn dịch- Ảnh 1.

Giữ ấm đôi chân trong mùa đông quan trọng đối với sức khỏe tổng thể

Shutterstock

Theo y học cổ truyền, bàn chân là nơi tận cùng hoặc xuất phát của nhiều kinh mạch, trong đó có những đường kinh chính: kinh Can, Đởm, Vị (mu chân), kinh Tỳ, Bàng quang (2 mé bàn chân), kinh Thận xuất phát ở lòng bàn chân, với tác dụng trong điều trị nhiều bệnh lý tiêu hóa, cơ xương khớp, bí tiểu, đái dầm, mất ngủ…

Gan bàn chân bao gồm tất cả phần mềm nằm dưới xương và khớp của bàn chân. Có lớp da rất dày và chắc, dính liền với mô tế bào dưới da; lớp cân che phủ phần cơ và mạch gan chân. Có 4 lớp cơ, chỉ có 2 bó mạch thần kinh là nhánh động mạch cuối cùng của động mạch chày sau và thần kinh chày sau (động mạch gan chân trong và động mạch gan chân ngoài) nằm giữa những lớp cơ, nên vào mùa đông cần được giữ ấm, vận động nhẹ nhàng để mạch máu được tuần hoàn tốt hơn.

Xoa bóp dưỡng sinh

TS-BS Phan Minh Đức cho biết, theo hệ thống lý luận phản xạ học, bàn chân được xem như một bản đồ cơ thể thu nhỏ, trong đó mỗi vùng, cơ quan nội tạng có những điểm phản xạ riêng, thông qua xoa bóp các điểm này có thể điều chỉnh các rối loạn khắp cơ thể.

Thường xuyên xoa bóp bàn chân là một hình thức dưỡng sinh trong đông y, giúp làm mạch máu ở chân giãn ra, lượng máu lưu thông tăng, cải thiện trạng thái dinh dưỡng cục bộ, tăng tính đàn hồi cho mạch máu dưới da, có tác dụng chữa trị hữu hiệu các chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ do suy nhược thần kinh. Xoa xát nóng gan bàn chân hằng ngày vào mùa đông có thể giảm các triệu chứng tê bì, lạnh chân.

Các liệu pháp mát xa với tinh dầu, hoặc ngâm chân thảo dược giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn tại chỗ, tác dụng rõ rệt nhất đến các bệnh thoái hóa khớp bàn ngón chân, viêm gân gót, viêm cân gan chân, bệnh thần kinh ngoại biên…

Nhiều nghiên cứu cho thấy xoa bóp vùng gan chân giúp giảm lo âu, căng thẳng, giảm buồn nôn, kích thích ngon miệng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Sức khỏe hệ miễn dịch

Theo TS-BS Phan Minh Đức, bàn chân có tác động rất lớn đến việc chúng ta cảm thấy ấm áp như thế nào. Bàn chân cũng giống như bàn tay, có diện tích bề mặt lớn và nhiều tế bào máu. Ngoài ra, vì bàn chân nằm ở cuối các chi và không có nhiều cơ nên chúng có xu hướng hạ nhiệt nhanh hơn các bộ phận khác trên cơ thể. Bằng cách làm ấm bàn chân, chúng ta có thể nhanh chóng làm ấm phần còn lại của cơ thể, giúp chúng ta cảm thấy thoải mái khi ra ngoài trời lạnh.

Các nhà nghiên cứu gần đây đã liên kết bàn chân lạnh với các vấn đề về hệ thống miễn dịch. Những người bị lạnh bàn chân được phát hiện có phản ứng miễn dịch yếu hơn, khiến họ dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn. Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2005 cho thấy các đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao hơn 30% nếu chân họ bị lạnh từ 20 phút trở lên trong mùa cúm.

Về mối liên quan nói trên, BS Đức lý giải, khi bàn chân lạnh, các mạch máu ở bàn chân co lại, dẫn đến lưu lượng máu giảm, làm giảm khả năng cung cấp tế bào bạch cầu. Vì tế bào bạch cầu là cách chính của hệ thống miễn dịch đối phó với nhiễm trùng, nên khi hiệu suất của chúng giảm thì khả năng chống lại bệnh tật bị suy yếu.

Để tránh các vấn đề sức khỏe trong mùa lạnh, mọi người cần giữ ấm đôi chân với tất thoáng khí, đi giày vừa chân, chất liệu mềm vừa phải.

Giữ khô thoáng bàn chân, đặc biệt là kẽ chân.

Tránh để da khô, vì da khô dễ dẫn đến nứt nẻ và viêm trong thời tiết lạnh. Cần bôi kem dưỡng ẩm nếu da khô, nứt nẻ.

Với bệnh nhân đái tháo đường, phải vệ sinh, kiểm tra bàn chân hằng ngày. Giữ ấm, thoáng khí, vệ sinh bàn chân để phòng bệnh lý bàn chân đái tháo đường. Nếu muốn ngâm chân, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

TS-BS Phan Minh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.