Giọt nước trong biển cả

09/10/2021 06:53 GMT+7

Ngày 15.3.1985, trả lời những câu hỏi của bà Sylvana Foa, phóng viên Hãng thông tấn Mỹ (UPI) - người đầu tiên phỏng vấn về đời hoạt động của mình, ông Lê Đức Thọ chia sẻ: “Thực ra đời hoạt động của tôi so với sự nghiệp của nhân dân tôi, sự nghiệp của cách mạng, thì có thể nói rằng nó là một giọt nước trong biển cả”.

Hoạt động gắn liền với đảng

Là một trong số ít người lãnh đạo còn sống sót dù đã phải trải qua hai lần bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, Hòa Bình từ năm 1930 - 1936 và 1939 - 1944…, ông tự nhận đời hoạt động của mình rất nhỏ bé so với sự nghiệp vĩ đại của hàng triệu người. “Về phần tôi, những hoạt động của tôi gắn liền với Đảng”, ông Thọ nói với nhà báo Sylvana Foa.

Giác ngộ cách mạng từ tuổi thanh niên khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926), được kết nạp vào Đông Dương cộng sản đảng năm 18 tuổi. Năm sau, tổ chức này hợp nhất và trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Đức Thọ trở thành đảng viên Đảng bộ tỉnh Nam Định.

Khoảng cuối năm 1948, một phái đoàn đại diện của Trung ương và Chính phủ gồm các ông Phạm Ngọc Thạch, Lê Đức Thọ và thiếu tướng Dương Quốc Chính vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (23.9.1945), có đại diện chính thức của Trung ương vào Nam bộ, đã khiến cho dư luận trong căn cứ kháng chiến sôi nổi bàn tán. Ông Ung Ngọc Ky, nguyên Thứ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kể lại:

“Tuy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là trưởng đoàn và tên tuổi luôn luôn được quý trọng ở Nam bộ nói chung, ở Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, song dư luận trong các giới kháng chiến lúc ấy vẫn xem Lê Đức Thọ là một nhân vật trung tâm, nhân vật quan trọng nhất của phái đoàn Trung ương vì người ta hiểu chính anh là người mang vào Nam bộ “ấn soái” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân vật mà cho đến lúc ấy được các giới kháng chiến và nhân dân Nam bộ vô cùng ngưỡng mộ và tuyệt đối tin tưởng, một niềm ngưỡng mộ và tin tưởng thiêng liêng như đối với các nhân vật huyền thoại trong sử sách”.

Cố vấn Lê Đức Thọ trao bút ký với Cố vấn Henry Kissinger (1973)

Những năm tháng ở Nam bộ từ cuối năm 1949 đến cuối năm 1954, ông Lê Đức Thọ làm Phó bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam bộ. Ông đã có công trong việc thống nhất hệ thống tổ chức của Đảng bộ Nam bộ (trước đó xảy ra mâu thuẫn giữa Xứ ủy Giải phóng và Xứ ủy Tiền phong), xây dựng hệ thống tổ chức Xứ ủy Nam bộ... như đánh giá của các nhà khoa học khi viết Lê Đức Thọ tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật).

Từ chối giải thưởng Nobel về hòa bình

Trong kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Cuộc đàm phán ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tại Paris (thủ đô nước Pháp) kéo dài hơn 4 năm, được giới sử học đánh giá là dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đối thủ trên bàn đàm phán của ông Lê Đức Thọ là Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ: ông Henry Kissinger - người được mệnh danh là “Giáo chủ của nền ngoại giao Mỹ”.

Sau khi phía Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, theo trả lời phỏng vấn của ông Lê Đức Thọ, có một nhà xuất bản nước ngoài gửi cho ông một bức điện đề nghị ông nhận lời viết hồi ký với thời hạn 5 năm. Nếu ông nhận lời, nhà xuất bản này sẽ gửi trước cho ông 10 vạn USD, song ông đã từ chối.

Ông Lê Đức Thọ tại Trung ương Cục miền Nam (1968)

Tư liệu

Kể chuyện với bà Sylvana Foa, ông Thọ cởi mở: “Tôi có nói chuyện với ông Kissinger. Tôi bảo chắc thế nào ông cũng viết hồi ký, còn tôi thì không viết, nhưng tôi nói với ông ấy một câu: Nếu ông viết hồi ký, thì ông đừng xuyên tạc sự thật. Bây giờ ông ấy đã viết hồi ký, tôi đã đọc phần nói về Việt Nam, ông ấy viết dài quá và đúng là ông ấy đã xuyên tạc nhiều. Nhưng mà tôi cũng dễ hiểu, nếu ông ta không xuyên tạc, thì ông ta đã không phải là ông Kissinger”.

Hội đàm giữa hai nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành trong một hoàn cảnh đặc biệt: hai nước có chiến tranh. Ông Lê Đức Thọ cho biết Việt Nam không phải chỉ biết tiến hành chiến tranh mà Việt Nam biết làm hòa bình. Trong cuộc hội đàm với ông Kissinger, khi Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973), cuối năm đó, hai nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Kissinger được trao Giải thưởng Nobel về hòa bình. Ông Thọ biết rằng đó là một giải thưởng hết sức lớn đối với thế giới và là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt Nam (từ trước tới nay - 2021) nhưng ông từ chối. Vì sao ông không nhận giải Nobel hòa bình?

Lý do được ông Lê Đức Thọ đưa ra là: “Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược đất nước chúng tôi 20 năm. Người chống Mỹ làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập, đưa lại hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi, chứ không phải Mỹ. Trong thư gửi Ủy ban Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào. Nhưng Ủy ban về giải thưởng Nobel vì hòa bình đã đặt ngang bằng giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người làm hòa bình, coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy, cho nên tôi không nhận giải thưởng Nobel”.

Thế nhưng, khi chiến tranh kết thúc (1975), trả lời câu hỏi của phóng viên UPI về giả thiết gặp Ngoại trưởng Kissinger, ông Lê Đức Thọ thẳng thắn bày tỏ: “Nếu bây giờ gặp lại ông ta, thì sẽ bàn về bình thường hóa quan hệ hai nước. Có lẽ cuộc gặp gỡ này sẽ không có gì căng thẳng như trước đây nữa. Nó cũng sẽ bình thường như khi ông ta gặp ông Chu Ân Lai, ông Brêgiơnép”.

Với Chính phủ Mỹ, ông Lê Đức Thọ cũng chia sẻ (1985): “Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc hai nước nên gặp nhau. Đó là điều khôn ngoan nhất đối với Mỹ. Vì rằng, không có lý do gì lại không thể gặp nhau vì chiến tranh đã chấm dứt hàng chục năm nay. Điều đó chỉ có lợi cho cả hai nước, cho cả hòa bình trong khu vực”.

Mười năm sau, mong muốn của ông mới thành sự thật.

“Còn ước mơ bây giờ, ước mơ hiện nay của chúng tôi, cũng là ước mơ cao nhất, mục tiêu cao nhất là làm sao ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân sau khi đất nước chúng tôi được giải phóng và độc lập, làm sao bảo vệ được vững vàng nền độc lập của chúng tôi, thì đó lại là một ước mơ của giai đoạn mới. Tôi cũng rất tin tưởng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong đất nước chúng tôi” (Ông Lê Đức Thọ trả lời phỏng vấn bà Sylvana Foa, phóng viên Hãng thông tấn Mỹ - UPI - ngày 15.3.1985).

Ông Lê Đức Thọ (10.10.1911 - 13.10.1990) tên thật là Phan Đình Khải, sinh tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, TP.Nam Định), tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà nho yêu nước. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông là một nhà lãnh đạo tài năng ở nhiều mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Được bầu vào Thường vụ BCH Trung ương Đảng từ năm 1944, ông Lê Đức Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1955 - 1986, hơn 20 năm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn BCH Trung ương Đảng từ năm 1986 đến khi qua đời. Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Sao vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.