Giọt nước mắt phía sau những ‘cây ATM gạo’

Trần Cường
Trần Cường
17/04/2020 16:27 GMT+7

Có người lóc cóc trên chiếc xe đạp còn nguyên mớ phế liệu mới nhặt chưa ai mua, có bà cụ lếch thếch đi bộ cả quãng đường dài mệt lả đến nhận gạo. Túng quá, họ mới đến xin lấy bịch gạo…

Chiều 15.4, “ATM gạo” ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tạm dừng hoạt động, bà Đàm Thị Thịnh (76 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) siết lại quai nón che đi gương mặt thẫm mồ hôi, lếch thếch đi về.
Bà không hay biết tin tạm ngưng cấp phát gạo để ổn định lại trật tự sau khi có một số người chen lấn, xô đẩy tại “cây ATM gạo” này.

Một người khó khăn đi nhận gạo miễn phí từ "cây ATM gạo"

Ảnh Trần Cường

Không có ai đưa đón, nhà cách xa khoảng 5 km, ngó chừng đôi chân bà không chịu nổi, tôi ngỏ ý đưa bà về. Trong câu chuyện trên đường đi, bà Thịnh cho biết: "Tôi thấy hàng xóm nhận gạo về và mách sang đây xin.
Thấy tôi đi bộ giữa trưa nắng, một cậu thanh niên thương tình chở giúp đến tận điểm nhận gạo, nhưng khi đến nơi thì các chú ấy không phát gạo nữa, bảo đi về mai hẵng đến".

Những người khó khăn tìm đến "cây ATM gạo"

Ảnh Trần Cường

Bà Thịnh đang sống cùng cháu gái. Bố mất, mẹ bỏ đi, người cháu gái được bà Thịnh chăm bẵm từ ngày còn đỏ hỏn. Cháu bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm hai bà cháu nương tựa vào nhau.
Học xong cấp ba, cháu không thi đại học, xin đi làm bánh thuê. Người ta trả công 3 triệu đồng/tháng. Trước đây, khi tay chân còn khỏe, bà thường đi chợ bán mớ rau, nải chuối, nay bệnh khớp triền miên cộng với tuổi già, bà phải nghỉ chợ.
“Dịch bệnh người ta cấm không cho bán hàng, cháu nó nghỉ làm 2 tháng nay. Cháu không kiếm ra tiền, mà bà thì già rồi”, bà Thịnh bộc bạch.

Bà Thịnh không nhận được gạo do không biết tin tạm ngưng cấp phát gạo để ổn định lại trật tự sau khi có một số người chen lấn, xô đẩy tại “cây ATM gạo”

Ảnh Trần Cường

Tay run run ôm lấy túi gạo mới nhận, bà Nguyễn Thị Ngọ (66 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luống cuống che mưa, sợ gạo ướt mất.
Trong hàng dài người dân đến “ATM gạo” được dựng ở Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), người lóc cóc chiếc xe số cà tàng, người đạp chiếc xe còn nguyên mớ phế liệu mới nhặt chưa ai mua. Riêng bà Ngọ cuốc bộ quãng đường chừng 5 km từ Cổ Nhuế, đi được nửa đường người ta thương tình cho “quá giang” mới đến được “cây ATM gạo”.
“Tôi cũng có chiếc xe đạp, mà nó hỏng suốt, tiền sửa nhiều hơn tiền mua, bữa có người hỏi nên tôi bán được 55.000 đồng. Từ đó đến giờ đi đâu cũng cuốc bộ, may vừa nãy có anh thanh niên tốt bụng cho tôi đi nhờ đến đây”, bà Ngọ trải lòng.

Bà Ngọ trong cơn mưa chiều

Ảnh Trần Cường

Bà Ngọ chẳng có điện thoại, không nhớ số chứng minh thư, đến bàn tiếp tân bà bảo chỉ đọc tên với địa chỉ nhà có được không? Tình nguyện viên ghi xong thông tin, dìu bà đến nhận gạo nghĩa tình. Được 3 kg bà rối rít cảm ơn các anh các chị tình nguyện viên: “Chừng này đủ cho hai mẹ con”, bà rưng rưng.
Chồng mất, nay mình bà bươn chải giữa đời nuôi con trai bị tâm thần. Trước dịch bà còn chạy chợ bán mớ rau, đi rửa bát thuê, mỗi ngày kiếm thêm dăm ba chục. Từ ngày dịch bệnh, hai mẹ con rau cháo qua ngày trong căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng. Thứ đáng giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi màn hình lồi với chiếc nồi cơm điện được mọi người gom góp mua cho.
“Tôi đi bán chục mớ rau nhưng có ngày bán không hết. Có bữa mệt quá ngủ thiếp đi trên đường, có người đi chụp hình đăng tôi lên mạng, người ta thương đến mua cho”, bà Ngọ bộc bạch.
Nay rau bán cũng khó, bà được tổ trưởng tổ dân phố mách ở dưới quận Bắc Từ Liêm phát gạo, đường sá xa xôi, mưa nặng hạt mà bà nói vẫn ráng đi được.

Chiếc nồi đựng gạo của bà Ngọ

Ảnh Trần Cường

“Xưa bà đi thanh niên xung phong khỏe lắm đấy, đi bộ như này sá gì”, bà Ngọ hào hứng khoe. Bà nói, với 3 kg gạo này, hai mẹ con sẽ ăn được 3 ngày. Hết gạo, sẽ mượn chiếc xe đạp của hàng xóm để xin tiếp bịch gạo nữa, gắng qua đợt dịch khó khăn này.

“Lớp trẻ nhiều người tốt quá”

“Cây gạo” nhận diện khuôn mặt vừa mới đi vào hoạt động, chỉ trong một buổi sáng đã có đến hàng trăm người dân xếp hàng đến nhận gạo tại Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Vừa áp dụng công nghệ mới, vừa được chính quyền địa phương phân luồng, đảm bảo giãn cách theo quy định để gạo đến đúng tay người cần nhận. Người già yếu, tay đập chân run được phát thêm chiếc ghế con ngồi chờ đến lượt.

Bà Phượng rưng rưng khi nhận được gạo

Ảnh Trần Cường

Anh chị mất hết, không còn người thân, 81 tuổi, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sống một mình ở đất thủ đô, nhặt nhạnh phế liệu mưu sinh qua ngày. Bà chỉ nhặt lấy bìa các tông người ta bỏ đi hoặc chai nhựa ở phía ngoài, ngày nào được 20.000 đồng đối với bà là cả một ngày no.
“Nhờ trời thương, già cả nhưng tôi còn khỏe, cái chân cái cẳng nó không đau gì hết nên còn đi nhặt phế liệu được. Cái chai, cái nhựa, cái giấy rẻ lắm, họ mua 4.000 đồng/kg nhưng dịch thế này, người ta cũng nghỉ, chẳng ai mua cả, đi xa hơn một chút có chỗ thu mua thì họ nói không mua của người già. Tôi cứ đi nhặt thôi, gom lại đó đợi hết dịch họ mở cửa trở lại mới bán được”, bà Phượng trải lòng.

Xúc động trước lòng tốt của xã hội và lớp trẻ

Ảnh Trần Cường

Không bán được phế liệu, tiền trong người chẳng còn, bà tâm tình: mấy ngày qua chưa có “cây gạo” này, nhà còn cái gì ăn được thì ăn, ăn xong thì uống thêm nước cho no.
Thương bà Phượng tuổi cao sức yếu, nhiều người mách chỗ nọ chỗ kia có phát cơm từ thiện, hôm trước có bác xe ôm nhắn cho ở Phủ Doãn có cơm, thế là hai hôm nay bà được tình nguyện viên phát cơm ngon ăn qua ngày.

Dáng người mảnh khảnh, bà Phượng ôm chặt "nửa tháng no"

Ảnh Trần Cường

“Có hôm mấy bạn sinh viên tình nguyện đi qua thấy bà ngồi ở trước cửa nhà thì cho mấy gói mì, còn bảo hôm nào cháu mang cho bà cái bếp gas.
Lớp trẻ bây giờ nhiều người tốt lắm! Nay có số gạo này, dự tính sẽ ăn được trong 2 tuần tới, được  bát cơm nóng ăn mỗi ngày là có sức khỏe vượt qua mùa dịch khó khăn”, bà Phượng nói.
*(Cập nhật ngày 20.4.2020) Sau khi bài viết được đăng tải, bạn đọc có phản hồi về hoàn cảnh bà Đàm Thị Thịnh (76 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội). Báo Thanh Niên đã xác minh và thấy bà Thịnh không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của Hà Nội, nhưng có hoàn cảnh khá đặc biệt: chồng mất, 4 người con trai nghiện ma túy, trong đó 3 người đã mất, 1 người đang đi cai nghiện. Bà Thịnh phải một mình nuôi cháu nội từ bé, bản thân sức khỏe yếu, không có thu nhập thường xuyên ổn định. Bà Thịnh không thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn đến điểm nhận quà từ thiện mùa dịch bởi vì "hãy lấy một phần, nếu bạn khó khăn". Trân trọng cảm ơn những góp ý của bạn đọc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.