Giống là mấu chốt để Việt Nam tiến đến tự chủ nguồn nguyên liệu sữa

Thanh Xuân
Thanh Xuân
16/04/2024 10:30 GMT+7

Tại buổi tọa đàm 'Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa' do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16.4, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đưa ra giải pháp để tăng tính tự chủ nguyên liệu sữa cho Việt Nam, để phát triển bò sữa ở Gia Lai nên bắt đầu từ giống.

Đến năm 2025, sản lượng sữa 1,8 triệu tấn, đàn bò 700.000 con

Với 47 năm trong ngành di truyền học nông nghiệp, GS-TS Bùi Chí Bửu dẫn câu "Tất cả vinh quang đều đến từ sự dám bắt đầu" (của Eugene F Ware) khi nói về phát triển ngành bò sữa Việt Nam.

Việt Nam mới đáp ứng 42% nhu cầu sữa trong nước. Việt Nam chi khoảng 1 tỉ USD để nhập sữa trong giai đoạn 2018 - 2020. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỉ USD, tăng 12,56% so với năm 2020. Như vậy, kế hoạch phát triển trang trại bò sữa của NutiFood ở Mang Yang, Gia Lai là nguồn thông tin rất đáng khích lệ cho ngành sản xuất sữa bò Việt Nam. NutiFood đã công bố thành quả chất lượng nguồn sữa tươi cao vượt trội 3,5g đạm - 4 g béo/100 mL (tương đương với chất lượng sữa châu Âu). Hiện nay, các sản phẩm sữa tươi nguyên chất nội địa tại Việt Nam có hàm lượng đạm biến thiên từ 2,9g đến 3,2g, hàm lượng chất béo từ 3,2g đến 3,9g/100 mL sữa.

Mang Yang Gia Lai Viên ngọc thô chờ thành thiên đường bò sữa

Năm 2023, sản lượng sữa Việt Nam đạt 1,17 triệu tấn. Tổng đàn bò sữa là 370.000 con. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng sữa đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn. Năm 2030, sản lượng đạt 2,6 triệu tấn. Hiện nay, bình quân tiêu thụ sữa Việt Nam là 12 lít sữa tươi, sữa quy đổi ước chừng 28 - 30 lít/năm/người. Mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn bò sữa nước ta sẽ đạt từ 650.000 đến 700.000 con, trong đó khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại.

Giống là mấu chốt để Việt Nam tiến đến tự chủ nguồn nguyên liệu sữa- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

ĐỘC LẬP

Giống bò sữa quyết định

Giống bò sữa là yếu tố quyết định đầu tiên, để hướng đến mục tiêu trên. Trung bình sản lượng sữa Việt Nam là 4.600 kg/con/chu kỳ (305 ngày). Thế nhưng ở các nước tiên tiến, con số này là 6.000 kg/con/chu kỳ (305 ngày); Nhật và Israel, sản lượng đạt 9.000 - 11.000 kg/con/chu kỳ (305 ngày). Tại sao các nước đạt được sản lượng cao như vậy?

Kỹ thuật gieo tinh nhân tạo ở Việt Nam quá phổ biến, nông hộ làm được dẫn đến kém hiệu quả. Cả quãng đời con bò chỉ sinh được 4 - 6 con bê. Trong khi, các nước áp dụng phương pháp cấy phôi bò sữa cao sản cho năng suất rất cao. Một con bò cao sản có thể sinh 100 con bê. Đây là phương pháp cải thiện năng suất sữa trong toàn đàn nhanh nhất. Để đạt được điều này cần có 2 kỹ thuật tuy khó nhưng khả thi, đó là tách tinh trùng X và Y; thọc hút trứng bò cao sản.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, hướng nuôi cấy phôi bò sữa cao sản là bắt buộc. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel đầu tư rất mạnh trong nghiên cứu R&D, kỹ thuật cấy phôi bò sữa cao sản, cho năng suất sữa rất cao là minh chứng cho đầu tư R&D trong ngành chăn nuôi bò sữa.

Một con bò cao sản có thể sinh 100 con bê phải có chỉ số hiệu suất di truyền GTPI (genomic total performance index) đạt chuẩn. "Tôi rất mừng được biết GTPI ở Việt Nam đạt rất cao 2.600. Nó đánh giá tổng thể tiềm năng của bò về sữa, sinh sản, ngoại hình, khả năng chống đỡ bệnh và khả năng di truyền các tính trạng tốt cho thế hệ sau. Đây là chỉ tiêu rất hiếm, bình quân đàn bò sữa thế giới chỉ có 1% số bò đạt được chỉ số này", GS-TS Bùi Chí Bửu.

Chỉ số sàng lọc di truyền GSI (genomic selection index) cũng được xem xét rất cẩn trọng trong chăn nuôi bò thịt và bò sữa với công cụ hiện đại của NGS (trình tự thế hệ mới): Illumina® Bovine SNP50 BeadChip. Giá trị tin cậy GPTA của giống bò cái tơ Holstein được thử nghiệm biến động 0,49 - 0,66 so với giống bò không được sàng lọc di truyền là 0,23 - 0,28. Trên thế giới, trang trại bò sữa ở các nước tiên tiến áp dụng GWAS và giá trị GPB (genomic prediction of breeding: dự đoán hiệu quả cải tiến giống) trên quần thể giống bò Holsteins, với trợ giúp của công cụ Illumina Bovine 50 K BeadChip (Ismail et al. 2017). Ratwan et al. (2021) cũng ghi nhận kết quả tương tự trên giống bò Sahiwal với giá trị kinh tế tương đối (REV) của tính trạng năng suất sữa 305 ngày là 1; năng suất sữa mỗi ngày: 1; quãng thụ tinh lần đầu của bò đẻ (CFI): -6,62, tuổi thọ (LNG): 5,96. Chăn nuôi bò sữa hiện đại rất xem trọng nguồn vật liệu di truyền ban đầu (bò cao sản) để có phôi bò sữa cao sản đạt chất lượng tốt nhất, dẫn đến năng suất và chất lượng sữa mong muốn.

GS-TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh: "Giống ban đầu như một điểm tựa của đòn bẫy. Sự quan tâm không đầy đủ sẽ dẫn đến kết quả thảm hại, mà nhiều năm liền sau đó chúng ta phải khắc phục vô cùng vất vả. Đó là bài học trong nhiều năm qua của sản xuất bò sữa Việt Nam".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.