YouTuber Việt kể chuyện từng bị bắt nạt trên mạng

Phạm Hữu
Phạm Hữu
18/12/2019 10:21 GMT+7

Nhiều người trẻ cho biết sau khi trở thành một YouTuber được nhiều người biết đến thì việc bị bắt nạt, xúc phạm vô căn cứ của một bộ phận cộng đồng mạng là điều không tránh khỏi và diễn ra thường xuyên.

Liên tục bị mạt sát vô cớ

Thu Hường chủ kênh YouTube Babykopohome chia sẻ với chúng tôi khi tham dự chương trình Người sáng tạo thay đổi, bản thân là một giáo viên dạy trẻ nhỏ nên chị cũng muốn làm một cái gì đó vui vẻ trên mạng để chia sẻ với mọi người. Thế là Hường chọn nội dung, lập ra kênh YouTube về trẻ em, đồ chơi và giáo dục. Đối tượng thường xuyên xem video clip của Hường thuộc trẻ em hoặc người trẻ hay sử dụng internet.
Thời điểm đầu Hường đăng một số video của mình lên kênh và nhận được những hiệu ứng tích cực, lượt theo dõi tăng lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, đồng nghĩa với sự "nổi tiếng" là những phiền toái, những lời hăm dọa, bắt nạt đi kèm từ cộng đồng mạng.
Theo Hường điều cô bị ám ảnh nhất là tư duy đám đông từ mạng xã hội. Họ thường có cách nhìn theo hướng số đông, cực đoan.
Chưa dừng lại ở không gian mạng, ở đời thật những “antifan” liên tục khủng bố điện thoại lúc nửa đêm, bị làm “video phốt” nói xấu, bình luận chửi bới trên kênh của mình. Tất cả với Hường chỉ là chống cự một cách yếu ớt. Vì là phụ nữ, lúc đó Hường cảm thấy thất vọng về bản thân, không biết mình đã làm gì sai cho thế hệ trẻ. Cô bị “trầm” lại một khoảng thời gian dài và phải dừng mọi hoạt động trên YouTube.

Nhiều YouTube cùng thảo luận, kể chuyện về những vấn đề mình gặp phải trên không gian mạng

Phạm Hữu

Thời gian sau Hường đúc kết lại, những bạn trẻ làm vậy vì muốn khẳng định mình bằng cách hạ thấp người khác với các bình luận ác ý thiếu suy nghĩ.
Còn Nguyễn Anh Trung, đại diện nhóm Vlog 1977, cho rằng sự bắt nạt trên mạng là sự áp đặt lối suy nghĩ của người khác, văn phong bình luận thiếu tính xây dựng. Bất kỳ một người hay nhóm người nào làm nội dung YouTube cũng đều đã từng bị bắt nạt trên không gian mạng. Ngay khi từ lúc kênh được thành lập, Vlog 1977 thường xuyên nhận được những bình luận ác ý, nói xấu và chửi bới.
Anh Trung nói thêm: “Lúc đầu khi đọc những bình luận chửi bới làm cho tinh thần của nhóm bị chùn xuống, không vui. Đôi lúc cũng tự nhìn lại bản thân mình xem có đúng không. Nhưng sau đó nhóm nghĩ phải làm quen dần và không thể chiều lòng hết mọi người”.
Bị chửi vì là YouTuber da đen
Cee Jay, một YouTuber trẻ người Negeria, hiện sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội, cho biết anh xuất hiện trên mạng xã hội đã được vài năm. Ban đầu Cee Jay đến phòng thể hình để tập, khi nhận được lời đề nghị anh đã làm video để hướng dẫn cách tập rồi đăng lên YouTube. Dần dần, có nhiều người theo dõi, Cee Jay làm nhiều video hơn.
Tuy vậy, ngoài những điều tích cực, những “antifan” liên tục khủng bố CeeJay bằng cách vào bình luận. Nếu Cee Jay không trả lời, một bộ phận ghét anh lập tức lập cả tài khoản Facebook ảo để tấn công cá nhân, tiếp tục chửi bới nhiều hơn. Nhiều người không biết anh là ai, không biết gì về anh nhưng cứ chửi Cee Jay vì màu da đen của anh. Bên cạnh đó, những bình luận trên YouTube đa phần là những người ẩn danh nên việc bị mạt sát, xúc phạm Cee Jay diễn ra không ngừng. Theo Cee Jay ước tính có khoảng 10.000 bình luận xúc phạm anh trên trang YouTube cá nhân vừa qua.
“Tôi cũng đã lập gia đình, rất thích quay lại cuộc sống của gia đình mình. Tuy nhiên tôi rất ngại đưa gia đình mình lên mạng. Dù vợ tôi nói không quan tâm đến điều đó...”, Cee Jay nói.
“Lờ đi” những lời miệt thị
Theo đại diện nhóm Vlog 1977 -  Nguyễn Anh Trung, cách chống lại việc bị bắt nạt trên mạng tốt nhất của nhóm là chỉ tiếp thu những phản hồi tích cực, những bình luận đóng góp. Còn lại sẽ bỏ qua hết nội dung bình luận xấu, độc. Nếu phản ứng lại sẽ kéo theo sự “bắt nạt ngược"....

Nhóm Vlog 1977 (đứng trái và phải) cho rằng không nên phản ứng lại những lời miệt thị trên mạng vì sẽ trở thành một phản ứng ngược

Phạm Hữu

Rút kinh nghiệm, Thu Hường cho rằng bản thân mình lờ đi những bình luận ác ý để có thể tiếp tục công việc của mình. 
Còn Cee Jay cho rằng sự bắt nạt trên không gian mạng không làm anh thay đổi nhiều. Bởi anh là một người đàn ông mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu với những lời thiếu tích cực đó. Cách hay nhất của anh là chặn những bình luận tiêu cực hoặc xóa đi. 
Chương trình Người sáng tạo thay đổi - YouTube Creators for Change đã chính thức khởi động tại Việt Nam hướng tới hai chủ đề: “Nâng cao vị thế và phát triển kỹ năng cho phụ nữ và Chống bạo lực mạng”.
Chương trình Người sáng tạo thay đổi là một dự án của YouTube ra mắt năm 2016 nhằm mục đích giới thiệu những người sáng tạo truyền cảm hứng, thông qua YouTube để lên tiếng về các vấn đề khó khăn và tạo nên sự thay đổi tích cực trên toàn thế giới. Các sáng kiến này trao quyền cho hàng nghìn người trẻ thúc đẩy sự thay đổi xã hội tích cực trên toàn châu Âu, Trung Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Trần Công Bình, chuyên gia Phát triển đối tác chương trình, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thấy chương trình Người sáng tạo thay đổi của YouTube rất ý nghĩa và thiết thực, giúp phát huy tiềm năng của các bạn trẻ trong sử dụng CNTT và trong truyền thông giáo dục, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, cụ thể trong giải quyết vấn nạn bạo lực trên không gian mạng vốn ngày càng diễn ra phổ biến và phức tạp dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong xã hội, nhất là đối với trẻ em...".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.