Yêu thương ông bà khi còn có thể

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/07/2020 07:51 GMT+7

Từ tình yêu với ông bà và mong muốn người trẻ hãy trân trọng, quan tâm nhiều hơn tới người cao tuổi, những bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại TP.HCM đã thành lập một dự án đặc biệt.

Đó là The Elderly of Saigon, dự án về những người cao tuổi ở TP.HCM. Điều thú vị, 2 bạn trẻ đồng sáng lập là 2 nữ sinh lớp 12D, Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Người trẻ thấu hiểu người già

Đặng Mai Chi, nữ sinh đồng sáng lập dự án, cho biết với mong muốn làm sao để người trẻ thấu hiểu người già hơn, từ đó thêm gắn kết, yêu thương ông bà, cha mẹ mình, tháng 8.2019 cô và người bạn đã quyết định thành lập dự án. Tới nay, dự án có 30 bạn trẻ tham gia, đặc biệt 29 bạn trong số đó là học sinh các trường Phổ thông năng khiếu, THPT Trưng Vương, Gia Định…
Không chỉ là những buổi tới viện dưỡng lão thăm hỏi, trò chuyện với người cao tuổi, dự án còn có các hoạt động gặp người cao tuổi ngoài đường phố, trò chuyện cùng họ, xin phép họ chụp ảnh và ghi lại những câu chuyện đời thường nhưng rất đáng suy ngẫm trên fanpage của dự án.
Ngày 1.8, nhóm sẽ tổ chức sự kiện Hoa niên quan gồm các hoạt động: trưng bày ảnh, người trẻ hóa thân làm người già, bác sĩ trò chuyện với người trẻ về cách chăm sóc người già đúng cách…
Lâm Kim Đạt, học sinh lớp 11, Trường Phổ thông năng khiếu, người trò chuyện, chụp hình những người cao tuổi, chia sẻ có những người cao tuổi nói không biết chữ, ít học nhưng những câu chuyện họ kể rất sâu sắc, cho các bạn trẻ nhiều bài học ý nghĩa.
“Ở TP.HCM, nhiều cụ tuổi đã cao vẫn cần mẫn mưu sinh như người bán đậu phộng trên đường Trần Hưng Đạo, hay cụ già bán kem bông trước nhà thờ Xóm Chiếu, Q.4. Họ nói với tôi, già rồi làm được bao nhiêu dùng bấy nhiêu, không lệ thuộc vào con cháu, sống vui khỏe tuổi già”, Đạt kể.

Một mai khi ông bà không còn nữa

Cả Đặng Mai Chi và Lâm Kim Đạt đều lớn lên trong vòng tay của ông bà. Ông bà nội của Chi góp phần làm cho tuổi thơ của cô tuyệt vời hơn. Cô chia sẻ: “Khi lập ra dự án này, tôi muốn những người trẻ hiểu vì sao người già dễ nhạy cảm, hay suy nghĩ, nhưng nhiều người còn rất nhiệt huyết, muốn góp điều có ích cho đời. Chúng ta đừng xa cách người già, nhất là trong chính mái nhà mình”.
Trong khi đó, bà nội của Đạt hiện đang bị tai biến, chỉ có thể lắng nghe mà không nói chuyện được với con cháu, ngày ngày vẫn thấy hình bóng bà ở bên với Đạt đã là một may mắn.
Gần nhà của Đạt có một cụ rất già, những năm tháng cuối đời, khi con cháu đi học đi làm cả, không còn ai nói chuyện cùng, sáng nào bà cũng nhóm bếp lửa đun nước rồi ngồi đó nói chuyện cùng cụ già hàng xóm. Mấy năm sau cụ qua đời, các con cháu mới thấy trống vắng, nhìn bếp củi nhớ người xưa nhưng bà đâu còn nữa.
“Tôi từng nói chuyện với một bác sĩ tim mạch ở một bệnh viện, ông nói gặp nhiều người đưa cha mẹ vào đây trong trạng thái khó chịu, sốt ruột vì sợ mất thời gian đi làm. Ông bảo: “Con cháu còn ông bà, cha mẹ thì hãy trân trọng, nói chuyện với cha mẹ, đừng để sau này khóc bên chiếc quan tài thì có ích gì”. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi tham gia dự án này. Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người, hãy yêu thương, quan tâm ông bà của mình và cả những người lớn tuổi khác khi còn có thể. Trò chuyện với họ nhiều hơn, để tạo thêm những giây phút đáng nhớ, mai này không còn người ở bên ta, ta vẫn còn ký ức yêu thương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.