Y, bác sĩ trẻ kể chuyện chống dịch xuyên tết

27/02/2021 07:46 GMT+7

'Ở trong khu phong tỏa phòng chống dịch không còn có khái niệm gì về thời gian, mỗi ngày trôi qua với biết bao nhiêu công việc, nên cũng không rõ được hôm nay là thứ mấy, ngày gì hay đang là mùng mấy tết'.

Đó là lời kể của một nhân viên y tế đã dồn tâm huyết vào chống dịch. Một cái tết không được đoàn viên bên gia đình. Họ chống dịch xuyên tết, để người dân được an toàn và bình yên.
Ăn tết ngoài đường
P.Tăng Nhơn Phú A (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là khu vực bị phong tỏa ngay trong dịp tết do có ca dương tính. Nhân viên y tế trong đội hình chống dịch ở địa phương này đều ăn tết ngoài đường (ăn tết ở những chốt lưu động tại khu phong tỏa).
Từ ngày 8.2 (tức 27 tết) khu vực bắt đầu phong tỏa, mình trực chiến xuyên tết luôn chứ không về nhà, năm nay cũng là năm đầu tiên mình ăn tết ngoài đường”, anh Lại Tiến Đạt (31 tuổi), nhân viên y tế, cán bộ phòng chống dịch của P.Tăng Nhơn Phú A, kể.
Anh Đạt cho biết do ngày tết thiếu lực lượng y tế nên trong khu phong tỏa chỉ có một mình anh là người phụ trách về y tế. Mỗi ngày, từ sáng sớm anh phải đi kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ người dân trong khu phong tỏa, vì số hộ đông (73 hộ) nên đi hết phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Sau đó, anh phối hợp với chính quyền để phun khử khuẩn toàn bộ phường. Đó là những công việc có mốc thời gian cố định trong ngày. Còn rất nhiều những việc đột xuất như: giám sát các chốt để kiểm tra hàng hóa ra vào; xử lý bằng hóa chất, phun xịt khử khuẩn rác thải của người dân mỗi ngày trước khi đưa cho đơn vị thu gom rác...

Anh Lại Tiến Đạt, nhân viên y tế, cán bộ phòng chống dịch của P.Tăng Nhơn Phú A

“Đa phần là làm liên tục không có thời gian nghỉ ngơi. Sau 12 giờ đêm, lúc đó ít người trao đổi hàng hóa, thăm hỏi... thì tụi mình tranh thủ chợp mắt một tí, vì đến 4 giờ sáng lại bắt đầu nhiệm vụ. Có những trường hợp 2 - 3 giờ sáng người dân gọi báo con họ sốt, coi như trắng đêm để xử lý”, anh Đạt kể.
Cái tết này của anh Đạt và lực lượng chốt trực ở đây lại còn đặc biệt hơn, khi mấy ngày liên tiếp chỉ toàn ăn mì tôm và ngủ ngoài lề đường. “Do tết nên không có ai bán gì để ăn cả, lâu lâu người dân cho đồ ăn thì đỡ bữa phải ăn mì tôm. Chốt lưu động của mình dựng dưới mái hiên quán cà phê. Nói chung là ăn và ngủ ngoài hiên, ngoài lề đường nên mình nói năm nay đón tết ngoài đường là vậy đó”, anh Đạt chia sẻ.
Mong ước lớn nhất của anh Đạt là dịch sẽ hết để được về với gia đình trọn vẹn một ngày. “Một ngày thôi, vì công việc còn đó, nhiệm vụ còn đó”, anh Đạt nói.

Ngày 30 tết đặc biệt của bác sĩ cùng bệnh nhân Covid-19

Những “thiên thần” áo trắng trong dịch

Bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên (30 tuổi), thuộc Trung tâm y tế Q.3, vừa phụ trách chính ở khu cách ly, vừa nằm trong đội đáp ứng nhanh số 1 về dịch Covid-19 của quận, nên tết vừa rồi của anh cũng là một cái tết rất đặc biệt.
Bác sĩ Nguyên kể, 27 tết xuất hiện một ổ dịch ở đường Trần Văn Đang (Q.3), khi có thông báo từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bác sĩ Nguyên cùng mọi người xuống hiện trường để điều tra dịch tễ, sau đó bắt đầu lấy mẫu cho F0 trước để vận chuyển mẫu đi gấp. Rồi tiến hành lấy mẫu cho F1, F2 đến gần 12 giờ đêm.

Bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên, Trung tâm y tế Q.3, TP.HCM

NVCC

Cũng là một tình huống bất ngờ nữa, khi đến đêm 29 tết thì được thông báo nhiệm vụ ở Bệnh viện Mắt, do có ca F0 đã từng đến bệnh viện này. Hôm đó, bác sĩ Nguyên cùng hỗ trợ bệnh viện trích xuất camera, lập danh sách F1 và lấy mẫu. 21 giờ 30, Sở Y tế ra quyết định phải lấy hết mẫu cho toàn bộ nhân viên Bệnh viện Mắt bao gồm khoảng 800 người. Sau khi làm xong, giao mẫu là đến gần 1 giờ sáng.
“Trải qua các đợt dịch cũng quen rồi, mình không còn thấy mệt nhiều. Mình làm việc vì cộng đồng, nên bản thân luôn cố gắng hết mình. Hơn nữa mình còn trẻ, còn độc thân, nên luôn xung phong ở tuyến đầu chống dịch”, bác sĩ Nguyên tâm sự.
Chị Đào Thị Kiều Vân (34 tuổi), Trưởng trạm y tế P.1, Q.6, TP.HCM, cho biết: “Đêm 29 và 30 tết thì tất cả nhân viên, y bác sĩ của các trung tâm y tế quận huyện đều phải thực hiện lấy mẫu theo chỉ đạo chung của HCDC, nên hầu hết mọi người lấy mẫu xuyên suốt luôn, làm vất vả đó nhưng các “thiên thần” áo trắng đều rất nhiệt huyết với nghề”.

Chị Đào Thị Kiều Vân, Trưởng trạm y tế P.1, Q.6, TP.HCM

Nhắc đến tết, thật sự rất nhiều cảm xúc xen lẫn, một cái tết không được về với gia đình là một điều rất buồn. Nhưng mà mình hy sinh niềm vui riêng, để vì nhiệm vụ chung cho toàn xã hội, thì đó là điều hạnh phúc

Chị Đào Thị Kiều Vân (Trưởng trạm y tế P.1, Q.6, TP.HCM)

Chị Vân cũng không giấu được xúc động: “Nhắc đến tết, thật sự rất nhiều cảm xúc xen lẫn, một cái tết không được về với gia đình là một điều rất buồn. Nhưng mà mình hy sinh niềm vui riêng, để vì nhiệm vụ chung cho toàn xã hội, thì đó là điều hạnh phúc”.
Gần 2 năm chống dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, những “thiên thần” áo trắng lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng để lên đường. Giờ đây, đối với mỗi nhân viên y tế, khi được hỏi về mong ước lớn nhất trong ngày kỷ niệm nghề, không gì khác ngoài ước mong dịch sẽ sớm qua đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.