Xung quanh việc chậm trễ giải quyết cho sinh viên vào KTX

12/09/2005 22:06 GMT+7

Những ngày qua, sự kiện nổi bật tại TP.HCM là hiện tượng quá tải ở Ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia khi hàng ngàn sinh viên (SV) phải khổ sở chen lấn nhằm tìm một chỗ cư ngụ để học tập. Nhiều SV đã bật khóc vì phải chờ đợi đến 7-8 ngày mà vẫn bơ vơ trong khi ngày nhập học đang cận kề…

Không vào KTX thì... về đâu ?

14 giờ chiều ngày 11/9, có mặt tại KTX ĐH quốc gia TP.HCM (Linh Trung, Thủ Đức) chúng tôi mới thấy hết sự khổ sở của SV và phụ huynh. Người mỏi mệt ngồi đợi, người lóng ngóng rồng rắn đứng chờ tới tên của mình để lấy kết quả "trúng tuyển" vào KTX. Rất nhiều phụ huynh tranh thủ tựa lưng vào gốc cây ăn vội chiếc bánh mì lót dạ hay nằm xuống bãi cỏ để nghỉ mệt, chốc chốc lại nhỏm lên vì sốt ruột...

"Được rồi con ơi!" - một người mẹ ngoài 40 tuổi chạy ào ra phía con gái, vẻ mặt thật sung sướng với tờ "kết quả trúng tuyển" vào KTX trên tay, bật khóc vì... mừng sau bao ngày ăn dầm nằm dề ở khu nhà khách. Thế nhưng, không ít người cho đến nay vẫn ngậm ngùi vì chưa biết về đâu khi ngày nhập học đã cận kề. "Năm nay số SV vào KTX tăng đột biến, mà phải ưu tiên cho SV năm nhất, diện chính sách và đặc biệt là những SV đến từ các tỉnh có đầu tư xây dựng KTX ở đây, nên "ma cũ" khó có cửa để ở lại lắm anh ơi!" - bạn Lương Huyền, SV ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) cho biết. T.V.H - SV năm II, khoa Triết Trường ĐH KHXH và NV - thì đã 4 ngày không... thay đồ vì phải thường trực ở KTX để đón nghe tên mình trên "bảng vàng", nhưng cũng hoài công! Không chỉ H., rất nhiều SV khác đã mòn mỏi suốt 10 ngày và nộp đến lá đơn thứ 6 để xin vào KTX nhưng cuối cùng phải lắc đầu ngán ngẩm ra về. Những SV không thuộc diện ưu tiên nào muốn tiếp tục đăng ký ở KTX thì lại càng "chua" hơn. L.H. - SV khoa Kinh tế bộc bạch: "Cả tuần nay ngày nào cũng phải đón xe buýt từ thành phố lên đây đợi từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả! Mấy ngày qua mình phải ở "chui" trong phòng mấy đứa bạn để đợi, sắp đến hạn dọn ra khỏi KTX rồi, bây giờ chẳng biết tính sao nữa...".

Có bạn may mắn tìm được phòng ưng ý bên ngoài để ở, nhưng cũng rất nhiều SV không tìm được nơi nào phù hợp với túi tiền mà lại đảm bảo an ninh. Nhà trọ ở Linh Trung ngày càng khan hiếm, nên không ít SV phải lên tận thành phố để tìm phòng. Chi phí mỗi lần di chuyển đồ đạc như thế rất tốn kém. Không những thế, vì giá thuê phòng ở khu vực làng ĐH năm nay tăng đột biến, mà đa số các chủ phòng đều thu tiền một lần 5 tháng nên không phải sinh viên nào cũng có điều kiện đáp ứng, do vậy nếu không được vào KTX thì chẳng biết đi về đâu!

Trí Quang - Nguyên Châu

SV vẫn còn cơ hội

Vì sao xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết đơn xin vào KTX của SV?  Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Thanh An - Giám đốc Khu KTX ĐH Quốc gia TP.HCM (ảnh) để làm rõ vấn đề này.

* Thưa ông, vì sao vẫn diễn ra tình trạng chậm trễ trong xử lý đơn xin nội trú, phải chăng là do thiếu người hay vì lý do nào khác?

- Chúng tôi đã "chiến đấu" hết mình! Bộ phận xử lý đơn có 6 người, nhưng chậm không phải vì thiếu người mà bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân khách quan là do áp lực từ việc số lượng SV tăng đột biến trong năm nay, đặc biệt là chúng tôi phải tiếp nhận SV từ nhiều trường cùng một lúc, giải quyết không xuể. Rồi phải phân loại theo danh mục ưu tiên đào tạo cho SV vùng cao, miền núi, gia đình chính sách, rồi phải cân đối nam nữ... chứ không phải làm ồ ạt. Đây cũng là một bài học lớn cho chúng tôi, Ban quản lý có khuyết điểm trong việc thông báo và còn một số hạn chế trong việc đưa chủ trương về vấn đề ưu tiên đến mọi người. Chính vì thế đây cũng là nguyên nhân gây ra những tình trạng đáng tiếc nói trên.

* Những SV đang chờ đợi có còn cơ hội vào KTX không, thưa ông?

- Vẫn còn! Cho tới 6 giờ chiều ngày 11/9, sau khi thống kê lại, chúng tôi vẫn còn hơn 1.000 chỗ cho SV. Nếu sau khi ưu tiên cho SV nguyện vọng 2 mà còn dư chỗ, chúng tôi sẽ xét tiếp.

* Vậy thưa ông, những SV không thuộc diện ưu tiên và bị dôi ra lần này sẽ đi về đâu, trong khi nhà trọ bên ngoài đã hầu như không còn nữa? Và Ban quản lý có những sự hỗ trợ nào cho những sinh viên như thế?

-  Sắp tới ĐHQG có chủ trương sẽ xã hội hóa nhà ở cho SV bằng dự án xây dựng khu nhà cấp 4 ngay trong KTX, giải quyết chỗ ở cho 3.000 người, hạn chế phần nào tình trạng quá tải trong nhu cầu chỗ ở của SV năm sau. Còn trước mắt chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các phụ huynh, SV ở các nhà khách trong KTX để lo chuyện an cư. Còn đối với những SV bị dôi ra trong năm nay thì phải có sự góp sức của các tổ chức Đoàn, Hội SV của các trường, cùng nhau giúp đỡ các em ổn định chỗ ở để an tâm học hành.

Trí Quang (thực hiện)

Gần 600 chỗ trọ chờ SV

Sáng 12/9, tại Văn phòng Hội Sinh viên TP.HCM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Tăng Hữu Phong (ảnh) - Chủ tịch Hội SV TP.HCM về việc giúp đỡ những SV không được ở KTX ĐHQG.

* Hội sẽ có cách nào để giúp  đỡ những SV không "trúng tuyển" ở lại KTX?

- Hiện nay nhu cầu vào ở KTX của SV vượt quá khả năng đáp ứng của các KTX; bên cạnh đó, tình trạng an ninh, vệ sinh ở các nhà trọ bên ngoài cũng chưa được tốt nên mới xảy ra việc chen lấn tìm chỗ trọ trong KTX mấy ngày qua... Hội SV không có quyền thẩm định hay can thiệp vào nội bộ xét tuyển ưu tiên cho các SV có nhu cầu ở lại KTX, do đó các bạn SV cũng phải năng động hơn trong việc tìm chỗ trọ, phải biết mình có nằm trong diện được vào ở KTX hay không để nộp hồ sơ. Còn không thì phải chủ động đến các văn phòng Đoàn - Hội tại các trường để được hỗ trợ tìm nhà trọ ở bên ngoài. Để khắc phục tình trạng thiếu chỗ ở, ngay từ khi kết thúc năm học, Hội SV đã chủ động tìm nguồn nhà trọ cho SV và hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ ở Hội SV các trường thì đã có hơn 10.000 chỗ trọ cho tân SV. Ngay trong buổi chiều hôm nay (12/9) chúng tôi sẽ xuống tận nơi tìm hiểu, giúp các bạn SV và đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng trên trong thời gian sớm nhất.

* Tình trạng bất ổn về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các khu nhà trọ ngoại trú đã dẫn đến tình trạng SV đổ xô vào KTX, anh có thể cho biết Hội SV đã và đang làm gì để giúp đỡ cho SV ngoại trú?

- Sau khi Báo Thanh Niên có bài viết "Những bất ổn của làng đại học" đăng ngày 5/9, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng một khu nhà trọ khoảng 3.000 chỗ cho SV trong thời gian sớm nhất và ý tưởng này đã được Ban Giám đốc ĐH Quốc gia đồng ý tại cuộc họp giao ban ĐH Quốc gia vừa diễn ra vào cuối tuần qua. Từ đây đến cuối tháng 10, chúng tôi sẽ thống kê lại số SV ngoại trú và làm báo cáo thực tế về nguyện vọng của SV. Sau đó tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Ban Giám đốc ĐHQG, chính quyền địa phương, báo chí và SV để nghe các ý kiến của các bên, từ đó có sự phối hợp thực hiện tạo điều kiện tốt hơn cho vấn đề ăn ở của SV. 

Thiên Long - Nguyên Châu (thực hiện)

Hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ SV (số 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) đang có hơn 600 chỗ trọ, ở khắp các khu vực, giá thuê khoảng 150.000-250.000 đồng/SV, điện nước tự trả. Ở khu vực Q.9, giá thuê khoảng 70.000 đồng/SV (giá hỗ trợ).

Những địa chỉ nhà trọ bình dân


Đợi nghe tên mình, nhiều sinh viên phải ăn nằm nằm dề ở KTX nhiều ngày qua (ảnh: T.Q)

Để giúp SV sớm ổn định nơi ăn ở, chúng tôi xin giới thiệu những địa chỉ phòng trọ có giá tương đối "mềm", nhưng cũng rất an ninh và sạch sẽ:

* Khu vực Linh Trung - Thủ Đức: Hiện nay nhà trọ số 17/10; nhà trọ 7/9 ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An - Bình Dương (khu vực gần với làng ĐH Thủ Đức) vẫn còn phòng để bạn ở ghép. Bạn hãy cố rà soát lại những dãy phòng ở trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên, dọc hành lang đường vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, những dãy nhà này vẫn còn một vài phòng và nhiều chỗ ở ghép mặc dù chất lượng hơi hạn chế một chút.

* Khu vực trung tâm thành phố: Hiện nay Q.10, Q.5 khu vực Cư xá Bắc Hải  (đường Đồng Nai), các con hẻm ở An Dương Vương, Trần Nhân Tôn, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, Lý Thường Kiệt đều còn khá nhiều phòng trống. Phía Q.Bình Thạnh là đường Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Nhiều sự lựa chọn nhất là khu vực Trần Văn Đang, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Thông, dọc kênh Nhiêu Lộc và Trần Quang Diệu, Q.3.

T.L -  T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.