Xu hướng trẻ: Ăn tết tối giản

Thúy Hằng
Thúy Hằng
07/02/2019 21:04 GMT+7

Mua sắm ít hơn, nấu nướng ít hơn không có nghĩa là hạnh phúc ít đi. Với nhiều người trẻ, ăn tết tối giản đang là cách được hưởng ứng mạnh mẽ.

Tối giản (minimalism) đã trở thành một lối sống rất thịnh hành tại Mỹ, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu, mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Lối sống này được hiểu là giải phóng mình khỏi những thứ không cần thiết, không chú trọng vào vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Giảm vật chất, nồng nhiệt tinh thần

Tết vui không phải đo đếm bằng số thịt cá có trong nhà, bánh kẹo ngoài khay, cây mai lớn hay nhỏ. Với tôi, tết vui là tết cả nhà cùng nhau cắt lá chuối, lá dong trong vườn nhà, ngồi gói chiếc bánh, cùng nhau nấu ăn, kể chuyện an vui
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sáng lập fanpage Cái cây nhỏ
Bùi Thị Thủy, 27 tuổi, nhà sáng lập Tổ chức Green&Book Ambassadors, nhớ lại những cái tết gần đây của mình ở quê nhà Nam Định, nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy, thịt cá ú hụ, rất ít rau xanh nhưng lại quá nhiều bia rượu. Phụ nữ quần quật trong bếp, rửa bát cóng tay ngày ba bữa, không có thời gian mặc đẹp để đi đâu đó, trong khi đàn ông lúc nào cũng ngà ngà say. “Nhiều bạn trẻ như tôi xa quê đến lập nghiệp ở những thành phố lớn không dám về quê dịp tết vì tốn kém, ông bà vẫn quan niệm đồ ăn phải thật nhiều để vinh dự khi mời khách, nhiều người luôn cho rằng đi xa về thì phải tặng tiền, quà, không cho thì giận, như vậy thu nhập eo hẹp sẽ không đủ để chi cho vài ngày tết”, Thủy nói.
Thủy ủng hộ tết tối giản, mọi người không cần mua sắm quá nhiều đồ ăn thức uống, bánh kẹo, quần áo, thay vào đó có thể tái sử dụng những đồ đạc còn mới, mua nhiều thực phẩm sạch, ưu tiên rau - củ - trái cây. Không nặng nề hình thức biếu quà cho nhau, tuy nhiên vẫn giữ sự nồng nhiệt chào đón nhau khi tới thăm nhà, mọi người vồn vã hỏi thăm nhau khi lâu ngày gặp lại.
Nguyễn Thị Cẩm Xuân, 27 tuổi, nhà thiết kế và chế tác trang sức đá quý Formation (TP.HCM), cho rằng thay vì mua thật nhiều quần áo, giày dép, trang sức, bạn trẻ có thể mua một thứ chất lượng cao, dùng đẹp và thoải mái nhất. Thay vì mua sắm, nấu nướng quần quật, sau đó bỏ thừa đồ ăn và lãng phí tiền bạc, thời gian, chỉ nên nấu một mâm cơm tươm tất, cả gia đình cùng ngồi lại với nhau chiều 30 tết, sau đó thư thái cùng nhau đi chùa, đi thăm họ hàng, đi du lịch. Khách đến nhà, mời ít trà, dùng ít mứt. “Bây giờ không còn ai thiếu ăn, tại sao cứ phải mang mâm cơm đầy thịt cá ra làm thước đo sự thịnh vượng trong năm của một gia đình?”, Xuân nói.
Gia đình Nguyễn Hữu Quỳnh Hương tự tay cắt lá, gói bánh cho một cái tết tối giản an vui Ảnh: Quỳnh Hữu
Nhiều năm nay, gia đình Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, 21 tuổi, sáng lập fanpage Cái cây nhỏ, quê Bà Rịa-Vũng Tàu, đều chọn tết tối giản: mua đủ 1 - 2 khay bánh kẹo, nấu đồ ăn đủ dùng trong
3 ngày, từ chối khéo léo quà bánh của ai tặng, trang trí nhà bằng cây, hoa ngoài vườn. Hương chia sẻ: “Tết vui không phải đo đếm bằng số thịt cá có trong nhà, bánh kẹo ngoài khay, cây mai lớn hay nhỏ. Với tôi, tết vui là tết cả nhà cùng nhau cắt lá chuối, lá dong trong vườn nhà, ngồi gói chiếc bánh, cùng nhau nấu ăn, kể chuyện an vui”.

“Một chút tối giản, một chiếc hạnh phúc”

Không chỉ ăn tết tối giản, sống tối giản đang là một trào lưu lan rộng trong giới trẻ Việt. Mới đây, tại Trường đại học Ngoại thương (cơ sở 2) tại TP.HCM đã diễn ra talkshow “Một chút tối giản, một chiếc hạnh phúc”. Vlogger “Giang ơi” cho rằng sống tối giản là tập cho đi, quyên góp, tái chế những đồ đạc mình không thật sự cần thiết. Chuyện tình cảm cũng cần tối giản, ví dụ như mời đám cưới, không phải ai trong danh sách mời cũng vui khi bạn kết hôn, hãy chỉ mời những ai thật sự quan tâm tới bạn mà thôi. Theo Vlogger “Giang ơi”, sống tối giản không có nghĩa là đơn giản mà là bạn cần suy nghĩ, cái gì thật sự cần cho mình. Nó cũng không đồng nghĩa với khổ sở hay cần kiệm, bởi khi bạn mua ít đồ đi thì chất lượng món đồ sẽ tăng lên và chất lượng cuộc sống cũng tăng lên.
Trong khi đó, sáng lập fanpage Cái cây nhỏ cho rằng, mỗi người có sự lựa chọn riêng, không phải cứ ăn tết tối giản mới vui, sống tối giản mới là hạnh phúc. Việc lựa chọn cuộc sống cho chính mình, tương tác với xã hội, cộng đồng để có được hạnh phúc đích thực, do mỗi người quyết định và cảm nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.