Xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp

Lê Thanh
Lê Thanh
09/01/2019 07:03 GMT+7

Ngày 8.1, tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tham dự lễ phát động khởi nghiệp từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 trong thanh niên, sinh viên.

Chương trình do T.Ư Đoàn phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức.
Chính phủ cũng đang xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm để triển khai, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu chính là hỗ trợ vốn
cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo được xét chọn có tính khả thi cao
Phó thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ                         
Tham gia lễ phát động còn có Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN Lê Quốc Phong; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam...
Để chương trình phát triển mạnh, Phó thủ tướng kêu gọi thanh niên, sinh viên, kể cả thầy cô giáo trực tiếp tham gia vào các mô hình OCOP để khởi nghiệp đối với các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Ngoài ra, Phó thủ tướng đề nghị Đoàn thanh niên phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong thanh niên và sinh viên.
Liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, Phó thủ tướng nói: “Ở lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thì mức độ rủi ro cao. Vì vậy, nguồn vốn cho các loại hình khởi nghiệp này không thể huy động từ ngân hàng nên chúng ta phải tập trung nhiều vào các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân cũng như các tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm để triển khai, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu chính là hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo được xét chọn có tính khả thi cao”.
Phát biểu tại lễ phát động, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng: “Ban Bí thư T.Ư Đoàn nhận thấy chương trình này là cơ hội, hướng đi tốt cho thanh niên vươn lên lập nghiệp, tham gia phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại”.
Theo anh Quốc Phong, chương trình OCOP tạo cơ hội cho thanh niên, sinh viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, đồng thời hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp qua hoạt động giao lưu với các doanh nhân thành đạt.
Là một người trẻ mạnh dạn từ bỏ công việc làm công ăn lương, quyết tâm khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp, chị Nguyễn Ngọc Hương, sáng lập thương hiệu sản phẩm rau má Quảng Thanh, chia sẻ: “Chúng ta có thể tin tưởng đến một lúc nào đó, với tri thức và khát vọng khởi nghiệp của các bạn trẻ, cùng với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của các nhà khoa học, doanh nghiệp... VN sẽ có hơn 11.000 sản phẩm phát triển gắn với mỗi địa phương”.
 
Để sản phẩm địa phương trở thành quốc gia
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu của chương trình OCOP là từ những sản phẩm có tính chất địa phương, phải gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu để những sản phẩm có tính chất địa phương sẽ trở thành những sản phẩm của vùng, thậm chí là của quốc gia, từ đó tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị kinh tế nông thôn.
Phát động vào tháng 5.2018, hiện đã có 30 tỉnh thành trong cả nước có phê duyệt chương trình OCOP với khoảng 34.000 sản phẩm. T.Ư sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng để triển khai chương trình này trên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.