Vượt qua trầm cảm: Cần đối xử với nhau tử tế, đồng cảm và thấu hiểu hơn

28/11/2019 20:13 GMT+7

Sự mất mát đột ngột của nữ ca sĩ Hàn Quốc Sulli cách đây không lâu và vừa mới đây là ca sĩ Goo Hara một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe tâm lý, bệnh trầm cảm ở người trẻ, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Sự ra đi của cô ca sĩ khi tuổi còn rất trẻ này đã kéo dài danh sách những nghệ sĩ Hàn Quốc và quốc tế lựa chọn kết liễu cuộc đời khi phải trải qua trầm cảm với quá nhiều áp lực, biến cố.
Chia sẻ của những bạn trẻ đã và đang đối mặt với trầm cảm và tìm cách vượt qua nó sẽ giúp chúng ta hiểu thêm những gì họ phải đối mặt.

Trầm cảm: "Như một chiếc xe ngang qua đường và tông bạn bất tỉnh"

Đỗ. T. V,  nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chia sẻ: “Trầm cảm thực chất không bắt đầu ngay từ khi bạn phải đối mặt với những vấn đề không mong muốn trong xã hội. Nó chỉ là những cơn thất vọng ban đầu. Lâu dần, khi bạn suy nghĩ về nó và đến một thời điểm, nó chuyển hóa thành một dạng thức mới. Hãy mường tượng khi bạn được sống yên bình, hít thở và tận hưởng bầu không khí và cuộc sống này thì có một chiếc xe ngang qua đường và tông bạn bất tỉnh, tất cả những gì bạn có thể nhớ được là trải nghiệm về cảm giác đau đớn và bạn phải sống hằng ngày với nó. Bạn trở lại xã hội, nhìn mọi thứ với một cảm quan và tâm thức khác, đầy thù hằn và nặng nề”.
Còn với Nguyễn Lê. V., sinh viên khoa Luật Trường ĐH Duy Tân, sống chung với trầm cảm là một câu chuyện hoàn toàn khác. “Tôi, một cô gái đã từng trải qua một thời gian khủng hoảng với căn bệnh trầm cảm. Mọi khởi nguồn của căn bệnh bắt đầu từ khi tôi gặp những thất vọng trong cuộc đời. Tôi đã thất bại trong kỳ thi học sinh giỏi văn khi không đủ điểm để đậu giải khuyến khích. Tôi bị bạn bè thân thiết quay lưng chỉ vì tranh giành một đứa con trai. Tôi bị ba mẹ la mắng nặng lời bởi vì tôi đã làm trái ý,... Vô số điều tôi gặp phải, chỉ gói gọn trong bốn chữ 'tôi muốn một mình'. Và tôi chọn chôn mình trong bốn góc tường ngày qua ngày thay vì làm những điều thú vị như trước đây. Tôi đã từng rất tiêu cực, đã từng nhìn cuộc đời này bằng tất cả những nét vẽ nghuệch ngoạc màu đen, tôi cũng đã từng nghĩ đến cái chết”.
Tuy nhiên, sau đó Lê V. cho biết: “ Rồi tôi nhận ra, mỗi người chúng ta đều rất đặc biệt. Tôi nhận thức được là tôi đang bị ăn mòn bởi cuộc sống khi tôi để nó làm chủ tôi. Tôi bắt đầu đi tìm lại bản thân mình từ những gì gần gũi nhất. Tôi lấy lại được những niềm vui thật sự, có sở thích thú vị, có công việc, có bạn bè, có gia đình và những người thân yêu bên cạnh,... Giờ đây, tôi mới hiểu, đây mới là cuộc sống mà tôi cần. Và tôi bắt đầu đánh tan sự tiêu cực đi từng chút. Tôi chỉ muốn nhắn gửi rằng miễn chúng ta còn được hít thở, mọi vấn đề rồi sẽ có cách giải quyết, đừng bỏ cuộc.”
Miễn chúng ta còn được hít thở, mọi vấn đề rồi sẽ có cách giải quyết, đừng bỏ cuộc 

Nguyễn Lê V.

Mỗi người nên có người thân hoặc bạn bè đủ tin tưởng chia sẻ 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, chuyên khoa Tâm Thần Bệnh viện ĐH Y dược Hà Nội, chia sẻ: “Stress về bản chất là những tác động bên ngoài. Không chỉ ở tâm lý mà cơ thể sẽ bắt đầu có những biểu hiện như lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, khó tập trung, đánh trống ngực, khó thở, kém ăn, ăn không ngon miệng, khó ngủ. Khi stress mãn tính như vậy kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, không muốn giao lưu với mọi người, sống thu mình".
Bác sĩ Quyết đưa ra lời khuyên: “Để tránh khỏi strees, trầm cảm, các bạn trẻ nên luyện tập thể thao như đạp xe, chạy bộ, yoga hay thiền để tăng sức khỏe. Tránh đi ngủ muộn; tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ; tránh sử dụng chất kích thích. Mỗi người nên có người thân hoặc bạn bè đủ tin tưởng chia sẻ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Về công việc, các bạn cũng đổi ngành nghề hoặc nơi làm việc nếu không thấy phù hợp. Đọc sách hay du lịch cũng là một phương pháp để giải tỏa những áp lực ”. 
Theo bác sĩ Quyết, trầm cảm có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy chúng ta phải luôn nhắc nhở nhau rằng luôn phải chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của bản thân. Những sự ra đi vì trầm cảm chính là lời cảnh tỉnh với mỗi người nên đối xử với nhau tử tế, đồng cảm và thấu hiểu hơn cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng về căn bệnh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.