Vượt mặc cảm để thành công

15/11/2015 07:35 GMT+7

Một người đang làm bếp trưởng, một người làm phục vụ quán bar. Họ đã vươn lên sau khi vứt bỏ những tự ti về ngoại hình hay hoàn cảnh xuất thân.

Một người đang làm bếp trưởng, một người làm phục vụ quán bar. Họ đã vươn lên sau khi vứt bỏ những tự ti về ngoại hình hay hoàn cảnh xuất thân.

Nguyễn Thị Ngọc Bích bên một sản phẩm do mình thiết kế - Ảnh: Như LịchNguyễn Thị Ngọc Bích bên một sản phẩm do mình thiết kế - Ảnh: Như Lịch
Đó là những học viên đi ra từ Trường Nghiệp vụ nhà hàng thành phố (trước đây là Trường Nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố) thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Muốn vượt người khác, phải vượt chính mình
Chúng tôi gặp bếp trưởng Nguyễn Thị Ngọc Bích (26 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) tại xưởng bánh Sun Merry, khi Bích vừa hoàn tất những mẻ bánh độc đáo cho lễ hội Halloween cuối tháng 10 vừa qua.
Nghỉ học sớm để phụ mẹ mưu sinh, ngoài 20 tuổi Bích được một người tốt bụng giới thiệu đến học nghề miễn phí tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng thành phố. “Hồi ở trường, tôi thuộc diện quậy phá. Thỉnh thoảng tôi tụ tập bạn bè đánh bài. Chúng tôi bị thầy hiệu trưởng phạt và hạ hạnh kiểm...”, Bích nhớ lại.
Ra trường, Bích làm cho tiệm bánh mì của người Pháp trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1). Trước đó, chủ tiệm bánh đến tận trường tìm hiểu và “chấm” Bích. Từ vai trò phụ bếp với mức lương chỉ ngoài 2 triệu đồng/tháng, sau một thời gian Bích trở thành bếp trưởng với thu nhập 9 - 10 triệu đồng/tháng. Sau đó, Bích rời tiệm, làm nhiều công việc khác. Cơ hội lại đến khi người chủ mới cử Bích đi học ở Đài Loan một tháng rồi trở về TP.HCM làm bếp chính cho xưởng bánh ngọt từ đó đến nay. “Cũng nhờ những va vấp mà tôi trưởng thành hơn. Điều quan trọng bản thân tôi rút ra là phải biết vượt qua được chính mình, nếu không thì làm sao vượt qua được người khác”, cô gái này đúc kết.
Hiện tại, Ngọc Bích ấp ủ ước mơ: “Khi nào lo được cho mẹ đầy đủ hơn, tôi sẽ quay trở lại trường để dạy cho những bạn trẻ kém may mắn như tôi ngày trước’’.
Đi rồi sẽ đến !
Đêm đêm, Tăng Hoài Phúc (23 tuổi, quê Trà Vinh) làm phục vụ cho một quán bar nổi tiếng trên đường Thi Sách, Q.1, TP.HCM. Ban ngày, thỉnh thoảng Phúc còn tranh thủ đi làm thêm.
Tăng Hoài Phúc - Ảnh: Nhân vật cung cấpTăng Hoài Phúc - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm Phúc lên lớp 11, gia đình rơi vào cảnh bế tắc nên Phúc đành dang dở việc học, theo mẹ lên TP.HCM kiếm sống. Hai mẹ con thuê phòng trọ và làm công nhân dán diều, làm vàng mã…, đắp đổi qua ngày. Lúc ấy, Hội Liên hiệp phụ nữ P.12, Q.6 giới thiệu và bảo lãnh cho Phúc được học nghề tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng thành phố. Thế nhưng, Phúc lại chần chừ.
Phúc giải thích: “Khi đó, em lo sợ nếu mình đi học từ sáng đến tối, lấy đâu ra tiền để sống, để trả tiền trọ? Nhờ mẹ động viên nhiều, em mới thay đổi suy nghĩ. Mẹ em nói, con mà không nắm bắt cơ hội học cái này thì mãi mãi con không học được gì nữa đâu!’’.
Phúc cho hay, mặc dù được các thầy cô tận tình chỉ dạy nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích, nhưng khi mới ra trường, Phúc không khỏi mang tâm lý mặc cảm về ngoại hình và về bằng cấp. Phúc bộc bạch: “Chỉ thời gian đầu em bị tâm lý vậy thôi.
Sau này em tự nhủ, mình cần phấn đấu nhiều hơn để có thể bằng người khác’’. Ngoài việc tự học thêm về pha chế cà phê, Phúc còn chú ý trau dồi tiếng Anh để phục vụ tốt hơn cho công việc. Năm 2014, Phúc đoạt giải khuyến khích hội thi Nghiệp vụ bàn giỏi do Liên đoàn Lao động và Phòng LĐ-TB-XH Q.1 tổ chức.
Đồng hành với chàng trai này mỗi ngày là câu châm ngôn: Đi rồi sẽ tới - Cố gắng rồi sẽ thành công!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.