Vườn sắn của... Đoàn

20/01/2015 09:33 GMT+7

Nơi rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) có một vườn sắn rộng hơn 2 ha rất tốt tươi, sau mỗi đợt thu hoạch đều sung vào quỹ Đoàn... Vườn sắn đó trồng trên đất của Bí thư xã đoàn.

Nơi rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) có một vườn sắn rộng hơn 2 ha rất tốt tươi, sau mỗi đợt thu hoạch đều sung vào quỹ Đoàn... Vườn sắn đó trồng trên đất của Bí thư xã đoàn.

Vườn sắn của... ĐoànBí thư xã đoàn A Túc Hồ Văn An bên vườn sắn của Đoàn
- Ảnh: Nguyễn Phúc
Câu chuyện trên chỉ có ở xã A Túc (huyện Hướng Hóa), nơi cái ăn cái mặc hãy còn khó khăn bộn bề. Kinh phí để tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội ở nơi đây rất eo hẹp, nếu như không muốn nói là xa xỉ. Nhưng mọi chuyện đã thực sự đổi thay... Nhận nhiệm vụ Bí thư xã đoàn A Túc từ đầu năm 2012, lúc mới 26 tuổi, Hồ Văn An thực sự bối rối khi “có trong tay” một con số bé nhỏ về kinh phí. Vì thế, dẫu đã hết sức nỗ lực vận động đoàn viên thanh niên tham gia các phong trào tình nguyện, từ thiện, giúp nhau làm giàu nhưng An đã không thể thoát ra được chân lý... “có thực mới vực được đạo”.
Là “thủ lĩnh” phong trào tuổi trẻ vùng cao, An đã không chịu bó tay. Sau nhiều đêm trằn trọc và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, vị Bí thư xã đoàn này đã có một quyết định “lạ đời” - đó là hiến 2 trong 3 ha đất sản xuất của gia đình mình để đoàn viên, thanh niên trong xã... trồng sắn. “Nói thì đơn giản chứ lúc đầu tôi cũng đã rất vất vả để thuyết phục gia đình về việc làm của mình. Miếng cơm manh áo mà, đâu phải chuyện chơi”, An giải bày.
Cuối năm 2012, xã đoàn A Túc đã huy động toàn bộ đoàn viên thanh niên ra quân cày cuốc và trồng sắn trên diện tích đất mà An đã hiến. Mỗi người mỗi việc, đám con trai thì thi nhau cuốc đất, đám con gái thì theo sau gieo sắn. Cứ vài tuần sau đó, An lại cắt cử anh em xuống bón phân, nhổ cỏ. Ai cũng coi đó như tài sản của chính mình. Kết quả, vụ sắn đầu tiên, An và những đoàn viên, thanh niên xã A Túc đã thu lãi tròm trèm 50 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được đưa vào quỹ Đoàn. Từ khi có quỹ, các phong trào, hoạt động đoàn của xã A Túc đã được triển khai sôi nổi, hiệu quả lên hẳn.
Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện thì nguồn quỹ cũng đã được chi cho một số hoạt động ý nghĩa như trao quà cho các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo, neo đơn, các đoàn viên thanh niên khó khăn vào mỗi dịp lễ tết với mức từ 200.000-300.000 đồng/suất. Chưa hết, nguồn quỹ cũng đã được dành ra để cho các hộ gia đình đoàn viên thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế.
“Đến nay, từ nguồn quỹ này chúng tôi đã triển khai cho khoảng 10 đoàn viên thanh niên (mức vay từ 4-5 triệu đồng/đoàn viên thanh niên) vay vốn để làm ăn. Cũng nhờ nguồn vốn này mà bạn làm ăn hiệu quả và tạo lập được cuộc sống ổn định, khấm khá. Điều đáng quý là họ đã quay lại ủng hộ, đóng góp cho quỹ Đoàn”, An tự tin cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.