Vườn cà chua cherry trĩu quả, căng mọng ở ngay trung tâm thành phố

Tấn Đạt
Tấn Đạt
16/03/2021 10:03 GMT+7

Mặc dù sống tại trung tâm thành phố, nhưng nhiều người vẫn trồng được các loại rau xanh. Đặc biệt là vườn cà chua cherry, dưa lưới… trĩu quả, căng mọng ngay chính ngôi nhà mình ở.

Chỉ dùng xơ dừa, trấu, phân trùn quế 

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại sân thượng nhà anh Lê Thanh Tịnh, ngụ đường Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM. Tại đây, mọi người vẫn không khỏi bất ngờ với vườn cà chua (giống cherry của Nhật Bản) trĩu quả, căng mọng ngay trên sân thượng 20 mét vuông của anh.

Anh Tịnh cho hay sân thượng này đã được anh làm thành vườn trồng cà chua từ hơn 2 năm nay. Ngoài ra, anh còn trồng thêm dưa lưới, khổ qua…. một ít rau xanh. 

Vườn cà chua trĩu quả

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Tịnh cho biết: “Cà chua giàu chất dinh dưỡng và tốt cho da. Lúc bà xã mang bầu, mình bắt đầu trồng cà chua cherry vì nó ngọt, dễ ăn. Con bé khoái lên vườn cầm bình xịt tưới cây lắm. Vườn đã cung cấp rau, củ quả sạch cho gia đình”.

Con gái anh Tịnh thích thú với vườn cà chua của bố

Ảnh: Thanh Tịnh

Theo anh Tịnh giống cà chua trên dễ trồng. Theo đó cần ươm hạt, gieo tầm 2 tuần rồi đem ra trồng. Sau 2 đến 3 tuần cây sẽ cho trái. Giống cà chua này cao 2 m, cho trái liên tục khoảng 3 đến 4 tháng. Nếu chăm sóc tốt và không bị bệnh thì mỗi cây có thể cho thu hoạch liên tục. Trái chín trên cây khoảng 3 đến 4 chùm thì bắt đầu hái 1 đến 2 chùm bên dưới trước, lúc đó trái rất ngọt. Mỗi cây trồng một vụ cho từ 1,5  - 3 kg quả. Để chính lâu quá trái sẽ bị nứt.

Ngoài cà chua, khu vườn của anh Tịnh còn trĩu quả các loại như dưa lưới,  khổ qua, dưa leo…

Khổ qua ra trái tươi tốt

Ảnh: Tấn Đạt

Ngoài học hỏi trên mạng, anh Tịnh còn dùng chế phẩm IMO để làm phân bón cho cây. Chế phẩn IMO là chế phẩm sinh học vi sinh vật bản địa, được làm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương

Chia sẻ bí quyết giúp cây cà chua cũng như các loại cây khác trĩu quả anh Tịnh cho hay khó khăn nhất là vườn dễ bị nấm bệnh khi trồng dưa và cà, các loại sâu ăn lá cũng khá nhiều. Để phòng trừ anh Tịnh dùng các chế phẩm vi sinh tự làm như GE dứa, GE từ gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu. Phân bón chủ yếu là phân trùn quế và các loại phân vi sinh tự làm từ rác nhà bếp, bã đậu nành, vỏ chuối.

Rau xanh

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Tịnh cho biết thêm: “Kinh nghiệm là chọn giống F1 chất lượng và phù hợp với khí hậu nóng ở TP.HCM. Cần tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loại cây để bố trí hợp lý đủ ánh nắng giúp cây phát triển tốt và hạn chế được nấm bệnh. Để giá thể trồng đảm bảo sạch và giàu hữu cơ, tơi xốp thì mình chỉ dùng xơ dừa, trấu, phân trùn quế trộn chung với vài loại phân hữu cơ khác mà không dùng đất. Tỷ lệ trộn tùy theo từng loại cây trồng để đảm bảo đủ dinh dưỡng và tiết kiệm. Cách này sẽ đảm bảo tiêu chí sạch, hữu cơ mà không sợ nhiễm kim loại nặng, hóa chất tồn dư”.

GE là một dung dịch chứa các hợp chất hữu cơ đặc biệt và rất đa dạng gồm nhiều thành phần như: các chuỗi protein, peptide tự nhiên, muối khoáng, oligo sachcharide, hormone tăng trưởng, enzyme… được tạo ra bằng cách lên men rác thải hữu cơ ở điều kiện hiếm khí.

Mong muốn giao lưu học hỏi

Không chỉ có cà chua, vườn tại gia của chị Trần Thị Hoa, quê Bình Định, hiện sống ở Q.12, TP.HCM, còn trồng các loại rau như xà lách, rau má, cải xanh, ớt…, vườn chị Hoa ở trên sân thượng rộng đến 100 mét vuông, do chính tay chị chăm sóc.

Chị Hoa cho hay rất muốn trở thành một người làm nông giống như mấy cô, chú ở miền Tây. Năm 2009, do cơ duyên, chị Hoa đã lập gia đình tại TP.HCM. “Sau khi vào TP.HCM sinh sống, mình ở quận Gò Vấp. Tại đây, do không biết cách chăm sóc, nơi trồng cũng bị thiếu ánh sáng nên các loại rau không phát triển được. Rồi mấy trái dưa gang, ớt bị chuột cắn hết”, chị Hoa kể lại.

Vườn rau tươi tốt nhà chị Hoa

Ảnh: TTH


Sau khi chuyển nhà qua quận 12, chị Hoa tận dụng sân thượng và trồng một cách bài bản. Ngoài việc có rau, củ quả tươi xanh ăn hằng ngày. Chị Hoa còn muốn tận dụng vườn rau trên sân thượng nhà mình để quay clip và làm youtuber. Với mong muốn giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm nông tại nhà đến với mọi người.

“Mình thấy rằng mỗi loại rau có một cách trồng, chăm sóc khác nhau. Mình phải bắt đầu từng cái nhỏ và chi tiết nhất. Trước khi trồng mình đã thuê người ta làm một giàn sắt ở dưới chân để kê thùng xốp. Lúc đầu tính mua khây nhựa để trồng cây nhưng chi phí quá mắc và không có độ sâu, nên khó giúp rễ cây phát triển tốt và mạnh nên mình quyết định mua thùng xốp. Sau khi đem ra sử dụng mình dùng bằng keo dán bề mặt ngoài của thùng để cho chắc chắn và khoét một lỗ nhỏ để nước chảy ra khi tưới. Nhớ đặt một miếng vải nhỏ để lọc cát”, chị Hoa bày cách.

Rau xanh mướt

Ảnh: TTH

Chị Hoa tranh thủ quay lại hành trình trồng trọt của mình và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đến với mọi người

Ảnh: NVCC

Chị Hoa còn thông tin thêm các loại rau thì nên chăm bón một tuần một lần. Tưới nước khoảng 3 lần/ngày đối với mùa nắng, còn mùa mưa thì hạn chế lại. Nếu không tưới đều đặn cây dễ bị héo và có sâu, bọ.

“Nhớ vệ sinh xung quanh nơi mình trồng trọt. Mỗi ngày mình đều làm sạch khu vườn. Để các loại rau, củ quả tươi tốt mình tận dụng các loại lá cây héo, rơi tại sân vườn rồi đem ủ làm phân bón cho cây. Ngoài ra mình còn trộn đất hữu cơ, tro trấu, xơ dừa khi mới gieo hạt...”, chị Hoa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.