Vui, buồn chuyện người trẻ xem tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại World Cup 2022

Tấn Đạt
Tấn Đạt
15/06/2021 17:53 GMT+7

Không tập trung đông người, không dám hô to, nhớ những trận đi bão… đó là một trong những tâm sự vui, buồn của người trẻ khi xem tuyển Việt Nam thi đấu tại vòng loại World Cup 2022 trong bối cảnh TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội phòng Covid-19.

Có một niềm vui trong mùa dịch

Anh Nguyễn Bảo Thái, 29 tuổi, đang công tác tại một trường cao đẳng ở TP.HCM, rất ít khi xem bóng đá, đặc biệt là vào thời điểm đêm khuya. Tuy nhiên, anh Thái vẫn không thể nào bỏ lỡ các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.

“Trước một ngày tuyển Việt Nam thi đấu, tôi thật sự “choáng ngợp” khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ủng hộ đội nhà. Nhớ nhất là trận đấu gặp Malaysia vừa qua, tôi cũng cố thức khuya để hòa chung niềm vui với mọi người nhưng xem vừa hết hiệp một là mắt không mở lên được, nên phải đi ngủ. Lần đầu thức khuya xem bóng đá cũng vui nhưng tôi nghĩ rằng phải có bạn bè thì vui hơn. Sáng hôm sau, tôi đã bỏ lỡ lớp học vì 11 giờ mới dậy và phải lướt web, đọc báo để xem kết quả như thế nào”, anh Thái cười và nói.

Nhiều người theo dõi tuyển VN thông qua màn ảnh nhỏ tại gia

Ảnh: NVCC

Còn anh Nguyễn Thế Vinh, 32 tuổi, sống tại chung cư Rivera Park, P.14, Q.10, đã dùng mọi cách để năn nỉ vợ mình cùng xem bóng đá lúc gần 0 giờ vì sợ… tủi thân.

“Đêm đó, mọi thứ diễn ra hết sức bình thường nhưng khi cầu thủ Tiến Linh ghi bàn thắng mở bàn cho đội tuyển Việt Nam, hai vợ chồng cao nhảy lên la lớn “dô”, “dô rồi em ơ !, 1-0", khiến con nhỏ giật mình thức giấc. Vợ vỗ mãi nhưng con không ngủ. Thế là, cả gia đình ba người cùng xem hết trận Việt Nam - Malaysia và cùng nhau ăn mừng chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam”.

Nhiều gia đình trẻ có cung bật cảm xúc mới khi thức khuya xem đội tuyển Việt Nam thi đấu

Ảnh: NVCC

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ánh Dương, 29 tuổi, sống tại chung cư KingDom 101, Q.10, TP.HCM lại không dám hô to khi tuyển Việt Nam làm rung chuyển khung thành đối thủ.

“Mỗi lần tuyển Việt Nam đá “thủng lưới” đối thủ, hai vợ chồng mình chỉ “vào” một cách... không phát ra tiếng rồi nhảy dựng lên vì lo sợ làm phiền hàng xóm. Tuy nhiên, hai người nhìn nhau cười lớn khi khoảng 10 giây sau thì nghe hàng xóm la lớn “vào rồi”, chị Dương chia sẻ.

Nhiều người vi von đội tuyển Việt Nam là một niềm vui trong mùa dịch Covid-19

Ảnh: Ngọc Linh

Còn Nguyễn Thị Mỹ Tiên, 21 tuổi, SV Trường ĐH Kinh Tế, TP.HCM phải thừa nhận rằng nhờ đội tuyển Việt Nam mà cô và người thân có một niềm vui trong mùa dịch. “Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi chỉ tránh dịch ở nhà và nhiều lúc lo lắng. Tuy nhiên, hòa cảm xúc cùng với mọi người mỗi khi tuyển Việt Nam chiến thắng, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Đội tuyển Việt Nam đã giúp xoa dịu phần nào những căng thẳng vì tình hình dịch bệnh bằng những chiến thắng tưng bừng vừa qua”.

Nhớ lắm kỷ niệm 'đi bão'

Hiểu rõ trách nhiệm bản thân phải “ở yên một chỗ” để phòng dịch nhưng trong lòng anh Nguyễn Hoàng Long, làm truyền thông tại số 311 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM vẫn buồn rười rượi vì không được "đi bão" mỗi khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng.

Nhiều trẻ buồn trong lòng khi không được ra phố đi bộ xem bóng đá vì dịch Covid-19 (hình chụp đợt SEA Games 30 năm 2019)

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Long hoài niệm: “Đợt U.22 Việt Nam đá SEA Games 30 năm 2019, mỗi lần chiến thắng là tôi cùng hàng ngàn người đã đổ ra đường hòa chung với không khí náo nhiệt khắp nơi, trên khắp cả nước nói chung ăn mừng. Vui nhất là cái khoảnh khắc tuyển nhà vô địch SEA Games 30 sau hàng chục năm chờ đợi”.

“Tôi cũng không khác gì mọi người, hò reo khàn cổ, vẫy cờ liên hồi, chạy dọc các tuyến đường ở TP.HCM, tự hào vì đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng. Hôm đó, tôi nhớ mình đi bão tới tầm 3 giờ sáng mới về được tới nhà. Từng đoàn xe nối đuôi nhau hòa chung trong tiếng nhạc phát từ những chiếc loa di động trên ô tô, cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu “Việt Nam vô địch”, “Tôi yêu Việt Nam” khiến các tuyến đường trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết”, anh Long bồi hồi kể lại.

Với họ, tất cả giờ là một kỷ niệm đẹp và không bao giờ quên (hình chụp đợt SEA Games 30 năm 2019)

Ảnh: Tấn Đạt

Còn Lê Trọng Nghĩa, 22 tuổi, SV Trường ĐH Bách Khoa nói: “Nếu được ra phố đi bộ xem bóng đá thì vui lắm”. Trọng Nghĩa đã về quê từ giữa tháng 4 để tránh dịch Covid-19 và học trực tuyến tại nhà. Trong những ngày gần đây, chàng sinh viên 22 tuổi luôn dõi theo đội tuyển Việt Nam tại các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022.

“Mỗi khi tuyển Việt Nam chiến thắng, tôi nhớ lại khoảnh khắc hòa vào niềm vui với mọi người tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ trong SEA Games 30 năm 2019. Khi đó, đội “chiến binh sao vàng” chiến thắng và tôi cùng với các bạn đi bão tận 1,2 giờ sáng mới về tới nhà trọ. Có bạn không giấu được niềm vui cứ hát lên “Việt Nam Hồ Chí Minh” tay thì giơ cao cầm cờ đỏ sao vàng”, Nghĩa tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.