Vì sao bạn trẻ chen nhau mua khẩu trang cho bằng được trong mùa dịch Covid-19?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
17/02/2020 18:18 GMT+7

Mặc dù Bộ Y tế cùng các bác sĩ khuyến cáo khẩu trang chỉ là một cách phòng dịch Covid-19 và sử dụng trong một số trường hợp, thế nhưng cơn sốt mua khẩu trang của người trẻ vẫn diễn ra. Vì sao vậy?

Hôm 16.2, nhiều người trẻ đã chầu chực tại chợ thuốc tây lớn nhất TP.HCM trên đường Nguyễn Giản Thanh, Q.10, TP.HCM vào sáng sớm để mua khẩu trang y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều người chen lấn khiến tình trạng giao thông tại đây hỗn loạn. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đến xếp hàng từ lúc 4 -5 giờ sáng...

Đeo khẩu trang có thể tạo cảm giác an tâm “ảo”

Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, người dân chỉ nên đeo khẩu trang y tế phòng tránh dịch Covid-19 trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Thứ 2, khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi...

Bạn trẻ cố gắng chờ đợi mòn mỏi xem có tới lượt mình hay không

Tấn Đạt

Thứ 3, khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Cũng theo Bộ Y tế thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí, và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến mọi người dễ bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng cơ thể khỏi dịch corona như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.
Còn theo bác sĩ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội vi sinh lâm sàn TP.HCM, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chiếc khẩu trang chỉ là phương tiện bảo vệ con người trước Covid-19 một cách tương đối. Khẩu trang này chỉ ngăn chặn được giọt bắn từ người này sang người nọ. Do đó khẩu trang chỉ là một giải pháp. Người sử dụng phải thực hiện cho đúng thao tác tháo mở đúng cách và chỉ dùng một lần.
“Do bàn tay con người khi đi ra ngoài động chạm vào nhiều đồ vật ở nơi công cộng như cầu thang, thang máy… từ những người đi trước. Như vậy dễ bị dính virus. Cho nên việc rửa tay sát khuẩn rất quan trọng. Còn khẩu trang thì sử dụng bất cứ khẩu trang giấy hoặc vãi cũng được, miễn sao nó ngăn chặn được giọt bắn từ người khác”, bác sĩ Vân nói.

Ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết lý giải việc người dân và các bạn trẻ xếp hàng từ khuya đến sáng để mua khẩu trang y tế có nhiều nguyên nhân.

Cơn sốt khẩu trang đến hôm nay vẫn chưa hạ nhiệt với các bạn trẻ và người dân

Tấn Đạt

Trước diễn biến khá phức tạp của Covid-19 thì người dân sẽ không tránh khỏi tâm lý lo lắng, sợ hãi. Theo đó, nhu cầu muốn bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân trong giai đoạn hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết.
Ở khía cạnh tâm lý đám đông cũng bị ảnh hưởng bởi việc người người “đua nhau” đi mua khẩu trang y tế. Theo cái nhìn tổng quát có thể thấy ở một số trang mạng xã hội nhan nhãn xuất hiện nhiều clip ngắn, hình ảnh theo trào lưu mua khẩu trang khiến không ít bạn trẻ bắt chước, làm theo để gây sự chú ý từ cộng đồng mạng.
Về tâm lý đám đông có những tác động nhất định đến với cộng đồng và xã hội trên các mặt biểu hiện nhận thức, thái độ, hành vi. Cụ thể, nếu như có một thông tin thiếu chính thống, sai lệch về Covid-19 được lan truyền đến nhiều người thì lập tức những thông tin chưa chắc chắn ấy rất có thể trở thành cái “đúng” trong nhận định của người dân. Đặc biệt với những người có trình độ học vấn thấp, thiếu sự am hiểu về Covid-19 hay những ai dễ mẫn cảm với ám ảnh, sợ hãi.

Bác sĩ Phạm Hùng Vân hướng dẫn cách làm khẩu trang bằng khăn giấy phòng dịch Covid-19

Phạm Hữu

Thạc sĩ Đặng Hoàng An nói thêm, trước hết người dân phải thật sự bình tĩnh, trấn an chính mình và người thân trong gia đình. Nên theo dõi, nắm bắt thông tin về Covid-19 từ những trang chính thống của nhà nước, Bộ Y tế, tránh tiếp cận những thông tin sai lệch, không chính xác gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Nên nhớ giải pháp mang khẩu trang y tế chỉ là một trong những khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng chống Covid-19. Để tự bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cho mọi người xung quanh thì người dân nên làm theo những hướng dẫn từ Bộ Y tế cũng như hướng dẫn từ các phương tiện truyền thông. Các bạn trẻ cũng như người sử dụng mạng xã hội cần cân nhắc trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào liên quan đến Covid-19.
“Bởi một thông tin không chính xác và hành vi chia sẻ tùy tiện có thể trở thành giọt nước tràn ly và để lại những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nhiều người. Thậm chí có thể gánh chịu hệ quả không đáng có từ những phát ngôn của mình”, Thạc sĩ Đặng Hoàng An nói thêm về việc mua khẩu trang hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.