“Vì chúng tôi là thanh niên xung phong”

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/07/2020 09:00 GMT+7

Hai thế hệ thanh niên xung phong, người phục vụ cho chiến trường Đông Nam bộ trước năm 1975, người tham gia xây dựng cuộc sống mới sau khi đất nước thống nhất, nhưng sâu thẳm trong tim họ, tất cả đều là sự tự hào về màu áo xanh mình đã mang.

Buổi nói chuyện giữa PV Báo Thanh Niên và cựu thanh niên xung phong Phan Hữu Thiện (tên thật là Phan Văn Tên), 76 tuổi, đơn vị C198 Thành Đồng, thi thoảng ngưng lại mấy giây. Không phải vì trí nhớ của một cụ ông đã gần bát thập mà bởi những nỗi niềm xúc động.

Người đi tìm hài cốt đồng đội

Năm 1964, ông Thiện đã làm công tác Đoàn. Ngày 20.4.1965, khi vừa 21 tuổi, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ cho chiến trường miền Nam. Những ngày đầu, đơn vị ở tại H.Tân Biên, Tây Ninh, rừng núi âm u, muỗi, vắt nhiều vô số, ông Thiện kể sáng ra còn nhìn thấy những dấu chân cọp rất lớn. Ông Thiện và các anh em được hướng dẫn cách dùng dao rựa, đốn cây, làm nhà, đào hầm hào, tải thương binh về căn cứ, mang vác đạn cho bộ đội…
Từ năm 1969, ông Thiện cùng nhiều thanh niên xung phong đội C198 Thành Đồng đảm nhận vận chuyển hàng hóa, gạo, súng đạn… từ phía bắc vào chi viện cho miền Nam. Ban đầu, việc vận chuyển đều bằng đôi vai, sau này mới có xe thồ.
“Tôi còn nhớ, năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, trên ngực áo của mỗi thanh niên xung phong chúng tôi đều có một dòng chữ được thêu tay “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Có một chị thanh niên xung phong tên Huỳnh Thị Đẹp, bây giờ đang ở Q.5, không bao giờ dám ăn con lươn, nhưng ngày đó thiếu thốn, chị nhắm mắt ăn để lấy sức tiếp tục tải gạo, vận chuyển súng đạn, tải thương binh. Hay như anh Lê Văn Chiến, quê Cà Mau, bị bắn khi đang trên đường thồ gạo. Gạo bị đổ ra, trắng xóa trên đường, trong chút tàn hơi cuối cùng, anh Chiến lấy chân gạt cát lên phần gạo, tránh cho trực thăng nhìn thấy dấu”, ông Thiện rưng rưng.
Sau năm 1975, ông Thiện về công tác tại Quận đoàn Q.6, hiện ông đang là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Q.6, đồng thời nằm trong ban quy tập, tìm hài cốt thanh niên xung phong của TP.HCM. Ông Thiện không nhớ hết bao nhiêu chuyến mình đã trở về Trà Vinh, Cà Mau, An Giang và cả biên giới Việt nam - Campuchia tìm hài cốt đồng đội, gặp gỡ những gia đình đồng đội đã hy sinh, hỗ trợ họ về mặt chính sách.
“Tôi không quên được lời hứa với các bạn của mình bao nhiêu năm trước: “Nếu tao chết thì nhớ báo cho gia đình tao”. Chuyến đi nào cũng bùi ngùi quá, có những nấm mộ vô danh chẳng biết các anh tên gì, ở đâu. Hay có lần thuyền trôi trên sông Mê Kông, tìm được mộ bạn rồi, tôi nhớ bạn từng nói “Bao giờ mình được xuôi về quê hương”, bây giờ bạn đã được xuôi về rồi…”, người cựu thanh niên xung phong rơi lệ.

Thầy giáo đặc biệt giữa núi rừng

Ông Trần Việt Sơn năm nay 62 tuổi, những ký ức về năm tháng là thanh niên xung phong ở Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn in đậm trong tâm trí. Sau năm 1975, khi vừa học xong lớp 11, ông Sơn tham gia thanh niên tự vệ Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, nhận được lời phát động tình nguyện tham gia thanh niên xung phong khai hoang phục hóa, xây nhà của người dân kinh tế mới, ông lên đường.
Đó là ngày 20.7.1975, chiếc xe chở đơn vị áo xanh C1 thanh niên xung phong Thành đoàn lên đường tới Thủ Đức, vào Trường huấn luyện thanh niên xung phong. Giữa tháng 9.1975, đơn vị của ông Sơn (lúc này là A2 B2) di chuyển lên ấp Thạnh Sơn 4, xã Phước Bửu, Xuyên Mộc.
“Toàn rừng núi thôi. Những bài học đầu tiên chúng tôi được các anh đi trước dạy lại là dựng lán để ở, cắt cỏ tranh, đốn tre. Các anh ở Biệt động thành như Bảy Dũng, Mười Thanh, Năm Thiện, Chỉ huy trưởng thanh niên xung phong Thành đoàn Ba Tung huấn luyện cách cho chúng tôi cách ở rừng…”, ông Sơn kể.
Sau Tết 1976, ông Sơn được điều về Sài Gòn, rồi được đưa đi học về quản lý phạm nhân. Sau đó trở về Xuyên Mộc, ông Sơn là một trong những cán bộ đầu tiên của Trường thanh niên xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ là quản lý những thanh niên nghịch ngợm, “giang hồ” từ trong thành phố chuyển tới, ông Sơn dạy họ chữ, hát những ca khúc cách mạng, hướng dẫn họ chặt cây dựng nhà…
Trò chuyện gần gũi, hướng họ sống thiện, yêu lao động bằng chính tấm gương của mình, ông Sơn dần lấy được tình cảm của nhiều học viên. Có một kỷ niệm mà ông Sơn luôn xúc động: “Lúc đó là 11 giờ đêm, một học viên chạy tới, ôm tôi khóc. Anh ấy nói: “Nhờ cán bộ mà lần đầu tiên tôi viết được thư 3 câu về cho mẹ. Đó là 3 câu “Gởi mẹ. Con khỏe, mẹ đừng lo. Cán bộ vui lắm”. Rất nhiều năm sau này, một lần tình cờ ông Sơn gặp được anh thanh niên “giang hồ”, khi đó, anh đã lấy vợ, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Bình Phước.
“Vì chúng tôi là thanh niên xung phong. Những năm tháng không thể nào quên ấy dạy cho tôi rằng không sợ khó, chỉ sợ mình không dám làm, cái gì muốn hãy học và làm cho bằng được”, người bây giờ là phụ trách đội văn nghệ Hội Cựu thanh niên xung phong Q.1, TP.HCM bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.