Ứng xử mạng xã hội: Chế tài của pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn

Lê Thanh
Lê Thanh
31/10/2019 09:29 GMT+7

Nhiều vấn đề đặt ra về ứng xử của người trẻ trên mạng xã hội tại hội thảo được tổ chức ở Trường ĐH Mở TP.HCM vào ngày 29.10 định hướng người trẻ thực hiện các nguyên tắc ứng xử trong khi sử dụng mạng xã hội.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, ngày nay, nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để dễ dàng kết bạn, mở ra những mối quan hệ mới, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ thông tin. Một số trường học hay cơ sở đào tạo cũng tận dụng kênh này để thực hiện thông tin và tiếp cận học sinh, sinh viên một cách gần gũi và hiệu quả hơn, nhưng với một hình thái xã hội mới và rộng mở, mạng xã hội và cộng đồng người dùng trên “xã hội ảo” vẫn tồn tại những mặt trái khó lường. “Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng mạng xã hội như thế nào và làm cách nào để phát huy được quyền năng của nó một cách hiệu quả”, TS Nguyễn Minh Hà nêu vấn đề.
Thiếu tá - tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân, cho biết những quy tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội. “Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị tôn trọng người khác và hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên mạng xã hội là phản ánh về con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn. Tuyệt đối không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng, chú trọng chia sẻ những điều hay để có sức lan tỏa trong cộng đồng...”, tiến sĩ Lâm nói.
Còn bác sĩ Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí (TP.Cần Thơ), cho biết: “Khi dùng mạng xã hội nhiều người dễ mắc bệnh hoang tưởng. Muốn trị liệu thì phải quay lại giá trị thực, tạm dừng một thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, cho biết: “Mặc dù luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống... người bị hại cũng có quyền khởi kiện ra tòa nhưng chế tài pháp luật hiện tại vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho người bị hại, từ đó không đủ sức răn đe. Để nâng cao ý thức mọi người sử dụng mạng xã hội thì cần thiết phải nâng cao các chế tài xử lý thì mới đủ sức răn đe. Ngoài ra, bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.