'Tuyên ngôn xanh' ngày cuối năm với đồ cũ

29/12/2019 18:29 GMT+7

Ngày cuối năm, những phiên chợ 'second hand' (đồ cũ) với đủ loại mặt hàng kéo nhiều người trẻ tới mua. Bên cạnh việc giảm dùng ống hút nhựa, hộp cơm nhựa... bạn trẻ còn chọn mua đồ đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường .

Những ngày cuối tuần cuối cùng trong năm, những gian hàng đồ cũ (second hand) của chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bàn Cờ... ở  TP.HCM đông nghịt bạn trẻ chọn lựa giày dép, quần áo, nón cũ...

"Cũ người mới ta"

Trần Kiều Anh, sinh viên năm hai Trường ĐH  Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết bạn mua đủ loại đồ cũ từ quần áo, giày dép, balo, cả điện thoại và một số đồ điện dụng nếu còn sử dụng tốt.
“Bên cạnh lối sống giảm nhựa, giảm rác thì việc mua đồ cũ (second hand) cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Một chuyện gần đây là mình mua 7 chiếc áo, mỗi chiếc in một chữ cái từ Monday (Thứ hai) đến Sunday (Chủ nhật) để mặc thường xuyên, để mình không mua nhiều đồ nữa. Chỉ mua thêm ít quần thay đổi thôi”, Kiều Anh nói.

Chợ đồ cũ Hoàng Hoa Thám

Trần Hằng

Cũng thường tìm mua những mặt hàng đồ cũ, Nguyễn Hoài Thiên Phương, 24 tuổi, ngụ ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, kể: “ Mình chọn mua đồ đã dùng vì giá thành rẻ và đẹp nữa. Tiết kiệm tiền cho bản thân và tiết kiệm cho cả môi trường. Có nhiều đồ  cũ (second hand) đẹp và lạ mắt, ít bị đụng hàng, chất vải đẹp. Với phong cách của các bạn trẻ bây giờ thì thích kiểu năng động, bụi bặm như thời trang đường phố thì đồ second hand là lựa chọn hợp lí và phù hợp với túi tiền”. 
Nguyễn Bạch Mai, 29 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho hay: “Mua đồ second hand không chỉ bảo vệ môi trường mà nó còn tốt cho xã hội nữa vì tận dụng được nguồn lực. Chuyển nguồn lực từ nơi này sang một nơi khác cần nó hơn. Thay vì bỏ đi một vật dụng là xả toàn bộ hoặc phần lớn vật dụng đó ra môi trường thì để lại cho người khác dùng. Cũ người thì mới ta. Như vậy vừa tiết kiệm sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, mua đồ cũ cũng có cái khó của nó. Người mua phải biết cách xem hàng thì mới chọn được hàng chất lượng. Vì không phải đồ cũ nào cũng còn dùng được, theo chia sẻ của Bạch Mai.

Không chỉ quần áo, nhiều bạn trẻ cũng mua đồ cũ là giày, dép, nón, túi xách

Trần Hằng

Phạm Quỳnh Hương, 22 tuổi, ngụ ở thành phố Đà Nẵng, hiện bán đồ cũ qua mạng chia sẻ với chúng tôi rằng: “Thực ra, mua đồ second hand không hẳn là bảo vệ môi trường. Có một vài nước cấm nhập khẩu quần áo second hand vì không đảm bảo vệ sinh và có thể gây ra bệnh về da nên khâu xử lí cần phải làm rất kỹ. Tiêu dùng đúng mực, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và gìn giữ để không thừa thãi là đã góp phần gìn giữ môi trường rồi dù là đồ cũ hay đồ mới”.
Nguyễn Viết Thuận, 31 tuổi, đã phát triển dự án Books Hand To Hand, kêu gọi mọi người trao đổi sách cũ, quyên góp sách đã đọc rồi để chia sẻ với nhiều người khác. Anh cho hay: “Mỗi một người sử dụng sách second hand là có thêm 1 cây xanh không bị chặt để làm sách. Việc này không chỉ bảo vệ môi trường xanh hơn, sạch hơn mà còn giúp cuộc sống đơn giản hơn. Hơn nữa, khi những cuốn sách được truyền từ người này qua người khác, nó còn giúp cho việc chia sẻ kiến thức diễn ra mạnh mẽ hơn, tiết kiệm hơn và văn hóa đọc được duy trì với cách nó xứng đáng được như thế”.

Tiêu dùng chuẩn 3R

Nguyễn Thị Dạ Ly, 22 tuổi, sinh viên ĐH Fulbright Vietnam, đang quản lí trang bán đồ scũ  của riêng mình cho rằng, dùng đồ secondhand là phù hợp với mô hình tiêu dùng trách nhiệm 3R: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế (Reduce – Reuse – Recycle). “Quần áo kiểu ăn liền, đại trà khi hết thời thì sẽ chuyển sang bãi rác. Vì vậy, nhiều người chọn mua đồ second hand vì họ muốn rằng cái đẹp của mình không đánh đổi từ môi trường của con cháu”, Dạ Ly nói
Nguyễn Quý Tùng, 27 tuổi, ngụ tại TP.HCM, hiện đang quản lý page Tui là Rác nhằm chia sẻ cách nhìn về các vấn đề môi trường nói chung và rác thải nói riêng. Nhắc đến xu hướng mua đồ cũ để bảo vệ môi trường của người trẻ, Tùng chia sẻ rằng: “Theo mình, mua và dùng đồ second hand không phải là xu hướng nữa, nó chỉ mới với cộng đồng sống xanh thôi chứ thực ra đã xuất hiện từ lâu rồi. Dạo gần đây lối sống chuộng đồ second hand trở nên rầm rộ vì lượng lớn người muốn sống xanh trên mọi mặt trận, từ những việc gần nhất, dễ nhất mà bản thân có thể làm”.
Nói về việc dùng đồ cũ theo quy tắc 3R, Tùng chia sẻ: “Đồ second hand là đồ đã được sử dụng nhưng do người trước không còn nhu cầu nên chuyển nhượng lại. Đấy là tái sử dụng. Thay vì mua đồ mới thì giảm nhu cầu xuống, không nhất thiết là phải mới 100%. Đấy là tiết giảm. Cuối cùng, chúng ta có thể mua đồ second hand về để cắt may lại theo sở thích cá nhân. Đấy là tái chế”.
Vì sao dùng đồ cũ giúp bảo vệ môi trường? 
Để sản xuất quần, áo "ăn liền" như hiện nay thì một lượng lớn năng lượng, nước và nguồn tài nguyên khác đã được sử dụng để làm ra trang phục. Từ thuốc trừ sâu sử dụng ở các cánh đồng trồng bông cho đến thuốc nhuộm quần jeans.
Với số lượng sản xuất ồ ạt khoảng 10.000 thiết kế mỗi năm, hàng năm các thương hiệu giá rẻ đổ vào môi trường khoảng 2 triệu tấn chất thải, đào thải 2 triệu tấn carbon dioxide và sử dụng 70 triệu tấn nước. Theo ước tính phải mất 7.000 lít nước để sản xuất 1 chiếc quần jeans hay 2.700 lít nước cho một chiếc áo sơ mi. Hầu hết các sản phẩm ăn liền giá rẻ này đều được làm từ chất liệu tổng hợp, được nhuộm màu không thể tự phân hủy, các hóa chất có thể ngấm vào mạch nước ngầm cũng như các nguyên liệu nylon, polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ phải mất hàng trăm năm để phân huỷ. Do đó, người trẻ kỳ vọng dùng đồ cũ (second hand) sẽ giúp bảo vệ môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.