Túi đựng đồ có thể ăn được

28/09/2019 07:55 GMT+7

Nhận thấy vấn đề môi trường đang nhức nhối hiện nay, hai sinh viên tại TP.HCM đã nghiên cứu, tái chế những củ khoai tây 'xấu mã' thành túi đựng đồ thân thiện với môi trường và có thể ăn được.

Hai tác giả của sản phẩm ấn tượng này là Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Dù học về chuyên ngành khác (quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế), nhưng tình yêu và nỗi trăn trở về môi trường đã thôi thúc hai cậu bạn thân nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm.

Tận dụng khoai tây “xấu mã”

“Môi trường đang là vấn đề nóng của xã hội, đặc biệt là rác thải nhựa, nên tụi mình muốn tìm ra giải pháp để hạn chế sự ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường. Trong một lần thấy bạn bè ăn bánh tráng trộn đựng bằng túi ni lông, mình liên tưởng đến những chiếc bao bì thân thiện có thể đựng đồ ăn an toàn mà còn bảo vệ được môi trường. Từ đó, ý tưởng về sản phẩm ra đời”, Phước nói về cơ duyên đến với việc sáng chế sản phẩm.
Túi đựng đồ có thể ăn được

Các sản phẩm làm từ tinh bột khoai tây

Trong quá trình đi tìm nguồn sản phẩm thay thế, nhóm đã nghiên cứu và nhận thấy chỉ có khoai là phù hợp nhất để làm ra những sản phẩm thân thiện này. Trong tất cả các loại củ thì quá trình trồng khoai tây ít giảm thải khí CO2 ra môi trường so với các loại cây khác như sắn, ngô, lúa… Nếu mở rộng quy mô sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, mỗi vụ khoai tây có khoảng 20% khoai không đạt chất lượng, như không đạt về kích thước, bị sâu nhưng hoàn toàn vẫn có thể lấy tinh bột.
“Chính vì thế, tại sao chúng ta không tận dụng những loại khoai tây xấu về mẫu mã này để lấy tinh bột và sản xuất bao bì. Nguồn nguyên liệu sử dụng sẽ rất đa dạng, từ các phụ phẩm bỏ đi của những ngành sản xuất khác như vỏ khoai tây, khoai tây có kích thước không đạt, bị sâu… đều có thể tận dụng được”, Phước cho biết.
Sau bao ngày vất vả đi cùng nhau, cả hai đã gặt hái được những thành công trước mắt khi lọt vào top 10 của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019, do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; là một trong những dự án xuất sắc nhất của cuộc thi SV Startup 2019 (do Bộ GD-ĐT tổ chức), sẽ tranh tài tại vòng chung kết diễn ra ở Hà Nội từ ngày 4 - 5.10 tới.

Rút ngắn thời gian phân hủy

Điều ấn tượng của sản phẩm tại cuộc thi là khi thuyết trình, Phước và Trọng đã... ăn luôn bao bì để chứng minh tính an toàn của sản phẩm. Theo Phước, sản phẩm làm hoàn toàn từ khoai tây nên có thể ăn được và an toàn cho sức khỏe khi sử dụng để đựng thức ăn.
Nói về tính phân hủy nhanh của sản phẩm, Trọng tự hào chia sẻ: “Có những đồ dùng làm từ polime chỉ sử dụng trong 5 phút nhưng cần đến 500 năm để phân hủy, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Sản phẩm của nhóm có thể phân hủy trong vòng 3 - 5 tháng sau khi sử dụng xong. Thời gian phân hủy của bao bì được làm từ tinh bột nhanh hơn gấp nhiều lần so với những loại bao bì có trên thị trường hiện nay”.
Theo Trọng, chất lượng của những chiếc bao bì tự hủy từ 100% tinh bột khoai tây gần giống với những loại bao bì nhựa. Ngoài ra, những chiếc bao bì được làm từ tinh bột không chứa kim loại nặng nên rất an toàn với người sử dụng.
“Tinh bột khoai tây sẽ được trộn cùng với nước, glycerin cùng một số chất khác theo tỷ lệ nhất định, sau đó dung dịch sẽ được hồ hóa (đun lên để tạo thành dung dịch có dạng sệt giống hồ dán giấy). Tiếp đến sẽ đổ dung dịch ra khuôn và sấy khô để tạo thành lớp màng (lớp màng này có thể dùng để làm bao bì)”, Phước chia sẻ về các công đoạn tạo ra sản phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề mà nhóm đang trăn trở để tiếp tục cải tiến là sản phẩm chỉ đựng được đồ khô và một số đồ có độ ẩm thấp chứ không thể đựng được nước.
“Mục tiêu của nhóm khi làm ra sản phẩm này không phải là thay thế hoàn toàn bao bì ni lông, mà góp phần làm giảm sự ảnh hưởng của rác thải nhựa đến với môi trường, làm cho các sản phẩm bảo vệ môi trường thêm phong phú hơn. Nhưng nhóm vẫn đang quyết tâm tiếp tục nghiên cứu để sản phẩm có thể đựng được tất cả mọi thứ, bao gồm cả nước”, Phước tâm huyết.
Ngoài sản phẩm túi đựng đồ, nhóm cũng đã thành công khi chế tạo các sản phẩm khác từ khoai tây như thìa, chén sử dụng một lần. Bên cạnh đó, nhóm vẫn đang nghiên cứu để làm đũa, nĩa, ống hút… có khả năng phân hủy nhanh trong môi trường.
“Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường của mọi người đang ngày một nâng cao nên những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Chính vì thế, tụi mình rất tin tưởng sản phẩm sẽ được sự tin dùng và thay đổi được thói quen quá lạm dụng đồ nhựa khó phân hủy hiện nay”, Phước gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.