'Tui bán rau, bán thịt… chứ không bán túi ni lông'!

01/06/2019 15:24 GMT+7

Hai ngày nay, nhiều người đi chợ tại hẻm 10 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những tấm bảng kèm dòng chữ vô cùng đáng yêu 'Tui bán rau chứ không bán túi ni lông…'.

Những tấm bảng đáng yêu và lan tỏa những thông điệp hạn chế sử dụng túi ni lông ý nghĩa này được cô gái trẻ yêu lối sống xanh Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 tại TP.HCM) và những cô bán hàng ở chợ khởi xướng nên.

[VIDEO] Bà bán rau Sài Gòn bị chê keo kiệt: "Tui bán rau, không bán túi ni lông"
Cô Hương bán rau tại chợ hẻm 10 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lan tỏa thông điệp hạn chế sử dụng túi ni lông - Thực hiện: HOA NỮ

Quốc tế thiếu nhi cùng bớt rác cho con nít được nhờ

Vì yêu lối sống xanh, ngày nào đi chợ Quỳnh Hương cũng dùng hộp mang đi đựng đồ thay vì dùng túi ni lông, cũng từ đấy cô nàng kết nối được nhiều “trái tim” cũng yêu lối sống xanh và mong muốn hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường. Chính vì thế, dòng chữ “Tui bán rau chứ không bán túi ni lông…” mới được ra đời.
'Tui bán rau, bán thịt… chứ không bán túi ni lông'! - Ảnh 1.

Cô Hà luôn trăn trở về việc dùng túi phân hủy để thay thế túi ni lông HOA NỮ

Điều khiến mọi người bất ngờ, là những “trái tim” cùng yêu lối sống xanh với Quỳnh Hương lại chính là những cô bán hàng ngoài chợ, mà hằng ngày các cô bắt buộc phải dùng rất nhiều bao bì ni lông. Vậy cách các cô “giải cứu” môi trường là như thế nào?
Tận mắt chứng kiến các cô bán hàng tại chợ, chỉ cần để ý là thấy cứ dùng xong bao bì nào, các cô đều để vào một túi riêng và lại tái sử dụng. Nếu bao nào dơ quá thì mang về nhà giặt sạch và mai lại dùng tiếp.
Thấy tấm bảng bắt đầu với dòng chữ: “Tui bán rau, không bán túi ni lông” tại sạp hàng của cô Trần Thị Bảo Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều khách mua hàng thắc mắc hỏi: “Chứ không bán túi ni lông thì lấy gì gói rau?”. Cô Hương chỉ tay vào tấm bảng và nói: “Tôi chỉ mong mọi người cùng hạn chế sử dụng túi ni lông, khách hàng nếu có bao bì ni lông ở nhà còn xài được thì mang theo để sử dụng lại, hoặc nếu mọi người có dư nhiều thì mang sang cho tôi, tôi sử dụng lại. Mình cùng chung tay hạn chế để giảm thiểu bớt rác thải ni lông ra môi trường chứ không phải là ngay tức khắc nói không với bao bì ni lông”.
Đúng như cô Hương nói, trên tấm bảng để tại sạp rau của cô còn có những thông điệp rất ý nghĩa: “Bà con thân mến! Từ nay sạp tui hạn chế sử dụng túi ni lông, nên bà con chủ động mang túi, nhà gần thì cầm tay, hoặc nếu bà con có túi ni lông cũ, sạch và còn sử dụng được thì mang tới đây, tui sẽ sử dụng lại”.
Điều ấn tượng hơn là câu kết trong tấm bảng này: “Cả xóm cùng bớt rác cho con nít được nhờ”.

“Hôm nay là ngày Quốc tế thiếu nhi, mình nghĩ các cô bán rau đã tặng cho bọn trẻ trong xóm một niềm hy vọng là mỗi người trong chợ hẻm 10 này dù làm việc gì, chỉ cần chung tay với nhau, giữ lại chút không khí sạch, giữ lại chút rau xanh – đó chính là món quà ý nghĩa nhất cho trẻ con. Quà tặng cho con nít ngày Quốc tế thiếu nhi thiết thực nhất không phải là những món đồ đắt tiền, mà mỗi người giảm một chút rác, dành lại tài nguyên cho thế hệ sau, ấy là tốt rồi”, Quỳnh Hương gửi gắm thông qua những thông điệp trên tấm bảng.

“… Ngày mai mọi người sẽ khùng như tôi”!
Các cô bán hàng đồng ý cùng Quỳnh Hương để tấm bảng “Tui bán rau chứ không bán túi ni lông…” này, mỗi cô là một câu chuyện yêu môi trường khác nhau và tiếp xúc với các cô, người viết cảm nhận các cô như những “đại sứ môi trường” trong chính khu chợ nhỏ này.
'Tui bán rau, bán thịt… chứ không bán túi ni lông'! - Ảnh 3.

Cô Hương bán rau ở chợ đã được 18 năm, và từ đó đến giờ, cứ như một thói quen, dùng xong túi ni lông nào cô cũng giữ lại để tái sử dụng. Đến khi nào không tái sử dụng được nữa thì cô mới chịu cho nó làm rác. Minh chứng là cái túi ni lông cô dùng để đựng tiền, cô nói: “Con nhìn nè, cô dùng mấy năm rồi một túi này đựng tiền, nó có xấu xí và cũ một tý nhưng vẫn còn xài được sao phải vứt bỏ và thay túi mới. Mỗi một người chung tay một ít thì môi trường chúng ta sẽ trong sạch hơn”.
Trò chuyện với cô, cô cứ “con ơi, con à, con biết không” rồi sau những từ ấy, cô miên man kể những trăn trở về rác thải ni lông hiện nay. Cô bảo: “Con biết không, nhiều người mua quen thân của cô, cô nói họ nghe hết. Nhà họ có rác ni lông nào thì mang ra đây, rồi họ thấy mình tái sử dụng nên họ cũng học theo. Nhiều người ủng hộ cô nhiệt tình lắm, thấy thế mình cũng vui”.
'Tui bán rau, bán thịt… chứ không bán túi ni lông'! - Ảnh 4.

Còn cô Võ Thị Hà (50 tuổi, nhà ở đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thanh, TP.HCM) thì trăn trở chuyện rác thải ni lông mà nhiều đêm không ngủ được. “Tối về cô nằm suy nghĩ, làm thế nào để thay đổi được ý thức người dân, làm thế nào để không phải sử dụng rác thải ni lông nữa. Nhiều lúc cô bán hàng cho khách, bỏ nhiều thứ vô một bịch để tránh xả nhiều bì ni lông, nhưng có những khách có dăm ba quả ớt, củ tỏi người ta cũng bắt cô bỏ từng bịch, từng bịch”.
Và dù sạp của cô nhỏ nhưng cô cũng đang nghĩ đến chuyện đầu tư dùng túi phân hủy được để giảm bớt rác thải ni lông, vì cô thấy việc thuyết phục khách hàng hạn chế sử dụng túi ni lông thì cách nhanh nhất là phải có túi thay thế.
'Tui bán rau, bán thịt… chứ không bán túi ni lông'! - Ảnh 5.

Nhiều quầy trong chợ đều có túi ni lông tái sử dụng HOA NỮ

Cô Hà kể: “Từ khi cô để cái bảng này, khách đến mua thấy thế lại bảo cô khùng. Nhưng cô nói lại với mọi người rằng, giờ mọi người nói tôi khùng, nhưng ngày mai mọi người sẽ phải khùng theo tôi. Vì con nghĩ đi, mấy mươi năm sau rồi con cháu chúng ta sẽ gánh đủ hậu quả do ngày hôm nay ý thức chúng ta kém. Cứ nghĩ đến mà cô thấy sợ và lo lắm. Cô tin rồi ai cũng sẽ nhận ra điều này, quan trọng là sớm hay muộn và phải có những người hành động trước để họ còn nhận ra và thay đổi. Đây chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống mà mọi người lại chưa làm được”.
Và điểm giống nhau ở các cô chủ của mỗi sạp hàng có để tấm bảng: “Tui bán rau chứ không bán túi ni lông…” là cứ mỗi lần bán hàng cho khách hàng nào, các cô đều không quên dặn khách: “Nếu chị có túi ni lông sạch thì mang ra đây cho em, để em tái sử dụng lại. Rác ni lông nguy hại lắm, nó không phân hủy được mà chúng ta càng dùng nhiều sẽ càng hại cho môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.