Tử vong vì thuốc lá tăng nhưng nhiều người vẫn hút

Thanh Nam
Thanh Nam
21/11/2018 14:39 GMT+7

Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Và thực tế, người trẻ chẳng quan tâm đến số liệu này, nên hút vẫn cứ hút.

Mới đây, tổ chức Y tế thế giới đưa ra thống kế trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…
Và trong thực tế cuộc sống thì như thế nào? Khói thuốc ngập tràn, tàn thuốc xuất hiện mọi chỗ. Trong đó, người trẻ cũng thản nhiên phì phèo thuốc ở khắp mọi nơi.
Bắt gặp khắp mọi nơi...
"Hình như bây giờ ở đâu cũng thấy người hút thuốc lá cả. Từ trong quán ăn, đến các điểm công cộng, thậm chí ở cả những nơi cấm hút thuốc lá như trường học, bệnh viện...", Lê Hoài Khoa, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, cho biết.
Theo Khoa, rất nhiều lần cảm thấy khó chịu khi đến các trung tâm thương mại, siêu thị, đó là những điểm công cộng, vậy mà vẫn có những người ngang nhiên hút thuốc, nhả khói, làm ảnh hưởng đến người khác.
"Có lần vào bệnh viện, thấy bảng cấm hút thuốc được viết bằng chữ Việt rất to. Nhưng hai thanh niên là người nhà bệnh nhân, vẫn phì phèo hút thuốc như không đọc được dòng chữ cấm đó vậy. Không thể hiểu nỗi", Khoa kể thêm.
Vũ Yến Nhi, sinh viên Trường ĐH Gia Định, kể nhiều lần đi xe buýt, dù các hành khách được khuyến cáo không hút thuốc trên xe, nhưng các bác tài thì làm ngược lại. Vừa lái xe, vừa hút thuốc rồi nhả khói ra cửa sổ.
"Nhưng đáng nói nhất là việc không ít người trẻ cũng 'nghiện' thuốc lá. Như nam sinh viên trường mình, vẫn có những người vào giờ giải lao rủ nhau kiếm góc khuất để hút thuốc. Còn khi bước ra cổng trường thì không ngần ngại 'bập' điếu thuốc trước khi leo lên xe chạy về", Nhi cho biết.
Anh Hà Tuấn, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Công Hoan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết trong quán cà phê có khu vực dành riêng cho người hút thuốc và khu vực cấm hút thuốc. Vậy nhưng vẫn có những vị khách bước vào khu vực cấm hút thuốc để... hút thuốc. "Nhắc nhở thì họ sửng cồ cau có cãi lại", Hà Tuấn tỏ vẻ ngao ngán.
Cũng theo anh Hà Tuấn, hằng ngày chứng kiến nhiều người nhả khói khắp nơi, không những nam mà nhiều cô gái cũng bị mê hoặc bởi những điếu thuốc. "Có khi ngồi một tiếng đồng hồ, hút cả nửa gói thuốc. Hút như thế thì phổi nào chịu nỗi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe", Hà Tuấn nói thêm.
Đấy là chưa kể trong các bàn nhậu, trong những bữa tiệc... thì thuốc lá giống như "đặc sản" không thể thiếu. Có người ngồi trong bàn tiệc vẫn vô tư hút thuốc nhả khói bay khắp nơi, mặc cho những người ngồi cùng bàn cảm thấy khó chịu.
... và lời giải thích
Vì sao lại hút thuốc? Có vô số giải thích cho câu hỏi này. "Mỗi lúc buồn buồn, chán miệng, thì làm điếu thuốc. Vài lần thì thành thói quen nên hút thuốc cũng đã ba năm rồi", K.L., sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, nói.
Còn Q.T., sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) thì cho rằng: "Đôi khi tâm trạng căng thẳng, thì việc hút thuốc sẽ khiến đầu óc thoải mái hơn" (!?).
Có cả những người dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng "biết thì biết, hút cứ hút", như trường hợp của Thành Quang, nhân viên công ty du lịch, có trụ sở đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM). Quang bảo: "Biết là hút thuốc không có lợi gì. Nhưng đôi lúc gặp stress trong công việc, thì thuốc lá giúp mình giải tỏa. Hoặc có khi bí ý tưởng sáng tạo, châm điếu thuốc hút dễ giúp nảy ra ý tưởng hơn" (!?).
Hoặc có người thì cho rằng khi nhậu mà thiếu thuốc lá thì uống không ngon, hay "trên thế giới có hàng tỉ người hút, mình hút thì cũng có sao, và cái chết có đến liền đâu mà sợ"...
Có vô số lý do để bào chữa cho việc hút thuốc lá, và cứ thế, khói thuốc vẫn bay, tàn thuốc vẫn vương vãi khắp nơi, con số người tử vong do mắc những bệnh liên quan đến thuốc lá cứ tăng dần đều...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.