Tứ cô nương mê nghiên cứu quên chuyện... yêu đương

18/12/2019 07:12 GMT+7

Nhiều đêm gần như thức trắng, tứ cô nương mải lo nuôi cấy và chăm chút sản phẩm nghiên cứu liên quan đến sức khỏe cộng đồng , mà quên cả chuyện... yêu đương.

Đó là 4 cô gái gồm Hoàng Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Cao Thị Thảo, Nguyễn Huyền Nguyệt Trân cùng là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Cho ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe

Do tính chất ngành học được va chạm nhiều về thực phẩm, nên những nghiên cứu của Hằng cùng nhóm bạn đều hướng đến việc giải quyết những vấn đề của thực phẩm. Năm 2018, nhóm Hằng đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm bánh mì có bổ sung lợi khuẩn probiotic.
Theo Hằng, probiotic là lợi khuẩn rất tốt cho đường ruột, ức chế cạnh tranh với hại khuẩn, nhưng người ta thường bổ sung lợi khuẩn probiotic vào sữa hay những thức uống lạnh chứ chưa ai sử dụng vào bánh mì và đồ ăn hằng ngày. Vì probiotic cũng không chịu được nhiệt, nhiệt độ cao là chết, mà chết thì khi vào cơ thể cũng không phát huy được công dụng.

Các nữ sinh sau giờ học là đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu

NỮ VƯƠNG

Nhóm của Hằng nghiên cứu sử dụng phương pháp vi bao để bao probiotic và bảo vệ lợi khuẩn trước mọi tác động của nhiệt độ. Không những thế còn bảo vệ được lợi khuẩn có thể vượt qua mọi điều kiện bất lợi như thay đổi pH khi vào cơ thể, để vượt qua dạ dày, túi mật đến được đường ruột để hấp thụ. Từ đó giúp phát huy tốt nhất tác dụng của lợi khuẩn, vừa biến ổ bánh mì bình thường thành thực phẩm bổ sung lợi khuẩn tốt cho sức khỏe. Với nghiên cứu này, nhóm của Hằng đã đoạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018.
Nhưng không dừng lại ở đó, năm nay Hằng kết hợp cùng 3 cô gái Thảo, Trân, Huyền quyết định quay lại chinh phục cuộc thi và cuối cùng giành được giải nhất với nghiên cứu nâng cao hiệu quả vi bao hợp chất màu anthocyanin vào trong tế bào nấm men.
Theo Hằng, thực phẩm sạch đang là một lĩnh vực rất phổ biến và đáng quan tâm trong xã hội hiện đại. Mọi người đang có xu hướng sử dụng màu tự nhiên thay cho màu nhân tạo, nhưng chất màu tự nhiên có nhược điểm rất lớn là không bền trong điều kiện môi trường, dễ bị mất màu khi bị tác động bởi nhiệt độ cao, ánh sáng, pH... Do đó, nhóm đã nghiên cứu tìm ra phương pháp để có thể bảo vệ chất màu tự nhiên bền dưới tác động môi trường, từ đó nâng cao hiệu quả của màu tự nhiên và hạn chế những chất màu sử dụng hóa chất trong thực phẩm.

Những nữ sinh rất mê nghiên cứu

NỮ VƯƠNG

Để thực hiện được nghiên cứu, nhóm đã chọn anthocyanin là hợp chất có hoạt tính sinh học có nhiều trong hoa bụp giấm màu đỏ tím, hợp chất này có khả năng kháng ô xy hóa cao, tốt cho sức khỏe, phòng chống các bệnh về tim mạch, tiểu đường... Nhóm đã tách chiết hợp chất anthocyanin từ hoa bụp giấm và tìm ra phương pháp bảo vệ chất này.
Lý giải về lý do chọn hợp chất anthocyanin để nghiên cứu, Thảo chia sẻ: “Đặc điểm của loại hợp chất này là không bền nhiệt nhất trong các loại hợp chất màu tự nhiên khác, nên để tăng tính ứng dụng cũng như chứng minh được hiệu quả cao thì nhóm chọn loại không bền nhất để thực hiện nghiên cứu. Điều này tuy gây nhiều khó khăn nhưng kết quả sẽ mang tính thuyết phục cao hơn”.

Không hối tiếc…

Với nghiên cứu trên, nhóm sử dụng phương pháp vi bao tức là tạo màng bao bảo vệ các phân tử màu tránh khỏi tác động của điều kiện tự nhiên.
Và kết quả mà nhóm thu được là hợp chất màu khi được vi bao bởi nấm men đã được bảo vệ tránh khỏi các tác động của điều kiện môi trường, giữ được màu bền lâu trên thực phẩm. Và chế phẩm này có thể được ứng dụng vào các sản phẩm như sữa chua, bánh… nhằm tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm cũng như sức khỏe con người và nâng cao giá trị của sản phẩm.
Không chỉ thử nghiệm với hợp chất màu anthocyanin mà nhóm còn thử nghiệm với nhiều màu tự nhiên khác như màu của hoa đậu biếc, trái thanh long… màu nào cũng có thể được bảo vệ bởi vi bao.
Để đạt được kết quả này, tứ cô nương đã trải qua hơn 1 năm mày mò nghiên cứu, cứ sau mỗi giờ học lại hối hả lên phòng thí nghiệm và nhiều đêm gần như thức trắng.
“Những tế bào nấm men, nấm mốc thì rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường, cứ suốt ngày chăm chút, nuôi cấy và nuôi mãi như vậy mà mình cũng không hiểu được nó, muốn theo dõi sự phát triển của nó phải nhìn qua kính hiển vi, vì thế cần sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao”, Huyền phân tích và kể: “Nguyên nửa năm đầu thử nghiệm cứ cho màu vào nấm men cũng không bao được, chế phẩm ra cũng không lên màu, nếu bình thường sẽ rất dễ nản nhưng tụi mình vẫn cố gắng, làm không được cách này thì làm cách khác, tìm kiếm nhiều phương pháp khác nhau. Một phần cũng do nghiên cứu này khá mới, thời điểm tụi mình bắt tay làm chưa có một nghiên cứu nào về đề tài này đã được công bố, vì thế cũng gặp nhiều khó khăn”.
Nhắc về những gian nan trong quá trình nghiên cứu nhưng Hằng hài hước nói: “Tụi mình dường như dành cả thanh xuân để nghiên cứu, nên giờ chưa đứa nào có người yêu cả (cười). Có những ngày cao điểm là tụi mình hầu như không thấy ánh nắng mặt trời, nhưng nếu hỏi có hối tiếc không khi suốt ngày ngoài giờ học lại cắm đầu vào nghiên cứu thì câu trả lời là không mà ngược lại còn cảm thấy may mắn vì thời sinh viên đã làm được những điều có ý nghĩa và được nghiên cứu để va chạm thực tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.