Trọn tuổi thơ trong… bệnh viện

13/04/2018 13:48 GMT+7

Nếu như nhiều đứa trẻ, tuổi thơ thường gắn liền với những trái bóng, viên bi, cánh điều,… thì với Nguyễn Gia Lâm (11 tuổi, mắc căn bệnh tim quái ác) tuổi thơ của em chỉ quanh quẩn trong khuôn viên bệnh viện.

Tôi đến thăm Lâm vào một chiều muộn. Trong khu B của Viện Tim TP.HCM hôm nay vắng hơn bình thường, nhưng vẫn nghe đâu đó tiếng trẻ em cười khúc khích. Trước căn phòng nơi Lâm trú ngụ là hình ảnh một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang loay hoay vắt nước cam đưa cho khách. Đó là chị Nguyễn Thị Mãnh (41 tuổi, quê Tây Ninh), mẹ Lâm. Tôi hỏi về biến cố của Lâm, người phụ nữ này bắt đầu câu chuyện bằng giọng thở dài.
Chị kể khi vừa sinh ra bác sĩ cho biết Lâm mắc chứng Fallot (một dạng phức tạp của bệnh tim bẩm sinh). Cũng vì căn bệnh ấy mà mới 20 tháng tuổi Lâm đã lên bàn mổ. Từ đó, đôi tay cùng chân của Lâm đã vĩnh viễn rời cơ thể của em.
“Khi nghe bác sĩ báo tin phải cắt đi tứ chi, tôi như chết đứng. Nhưng nếu không phẫu thuật, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của con. Và tôi nghĩ, chỉ cần tìm được mầm sống cho con thì tôi nguyện làm đôi tay, đôi chân dìu con đi suốt đoạn đường dài”. Chị Mãnh cho biết từ lúc Lâm phẫu thuật xong thì phòng số 10, khu B, Viện Tim TP.HCM đã trở thành căn nhà thứ hai của mẹ con chị, đến nay đã gần 10 năm.
Trọn tuổi thơ trong… bệnh viện 1
Nguyễn Gia Hưng, anh song sinh với Lâm, đang chơi đùa cùng Lâm trên giường bệnh Ảnh: Xuân Phương - Tấn Hiệp
Trọn tuổi thơ trong… bệnh viện 2
Lâm dùng hai mỏm cụt để kẹp bút lại, nắn nót từng con chữ Ảnh: Xuân Phương - Tấn Hiệp
Chị Mãnh sinh được 3 người con. Con gái đầu lòng của chị năm nay học lớp 11 và người anh song sinh của Lâm là Nguyễn Gia Hưng. Nhưng trong 3 chị em, Lâm là đứa phải chịu nhiều thiệt thòi khi từ nhỏ đã mang bệnh tim.
Vì hoàn cảnh khó khăn nên chồng chị Mãnh phải ở quê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Chỉ những hôm rảnh rỗi anh mới lên ở cùng con. Còn chị Mãnh, ngày ngày túc trực tại bệnh viện và đưa Lâm đến trường. Chị cũng tranh thủ những lúc rảnh, sắm cái tủ nhỏ trước phòng bán nước cam, cà phê cho những người thăm nuôi bệnh để có tiền trang trải cho cuộc sống ở bệnh viện.
Tuổi thơ của Lâm là chuỗi ngày dài vật lộn với bệnh tật. Việc tập đi lại bằng đôi chân giả thì luôn bị đau nhức.
Thế nhưng, ngày qua ngày cậu bé được nhiều người gọi là “chim cánh cụt” ấy vẫn vui tươi quấn quýt bên mẹ. Ngoài việc học ở trường, sở thích của Lâm là nằm coi phim cùng anh trai Gia Hưng, được nghe mẹ kể chuyện, thi thoảng em lại đọc sách…
Trọn tuổi thơ trong… bệnh viện 3
Dù bị cắt đi đôi tay nhưng Lâm vẫn cố gắng tự mình làm mọi việc Ảnh: Xuân Phương - Tấn Hiệp
Trọn tuổi thơ trong… bệnh viện 4
Chị Nguyễn Thị Mãnh mẹ Lâm Ảnh: Xuân Phương - Tấn Hiệp
Dù mất đi tay chân, nhưng Lâm vẫn luôn cố gắng tập đi lại bằng đôi chân cụt. Lâm có thể tự bê chén cơm ăn một cách ngon lành mà không cần sự giúp đỡ của mẹ. Lúc tôi trò chuyện với chị Mãnh thì Lâm đang loay hoay trườn lấy cuốn tập để lên ghế, dùng hai mỏm cụt ở tay của mình kẹp bút lại, nắn nốt tập viết để con chữ tròn trịa hơn. Nhìn sâu vào đôi mắt Lâm, tôi thấy hiện rõ lên vẻ lạc quan. Em cho biết ước mơ của mình là học thật giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ.
“Hằng đêm khi nằm cùng con trong bệnh viện, Lâm thường hỏi “Mẹ ơi, bao giờ chân tay con mọc lại hả mẹ”, khi đó tôi chỉ bảo, để mẹ làm chân tay của con suốt đời”, chị Mãnh kể rồi quay mặt đi, nhìn vào khoảng không vô định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.