Trải nghiệm để lớn thêm

06/02/2012 03:37 GMT+7

Nhiều người đến Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM không còn xa lạ với hình ảnh nhóm bạn trẻ nước ngoài làm tình nguyện chăm sóc, chơi cùng các em bị bại não, chậm phát triển.

Nhiều người đến Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM không còn xa lạ với hình ảnh nhóm bạn trẻ nước ngoài làm tình nguyện chăm sóc, chơi cùng các em bị bại não, chậm phát triển.

Muốn có những trải nghiệm ý nghĩa

Haruhito, 22 tuổi, đến từ Nhật Bản, đang học ngành sinh học tại Trường ĐH Tokyo, ngành học chú trọng sách vở và nghiên cứu khoa học, chia sẻ: “Mình muốn đi, muốn biết nhiều thứ trên thế giới. Điều đặc biệt là mình yêu trẻ con, nên khi đến VN mình muốn được thử nghiệm cảm giác chăm sóc trẻ’’. Haruhito đã đăng ký ở VN 1 tháng để thực hiện mong ước đó.

Còn Matt, 23 tuổi, đến từ nước Úc, đã tốt nghiệp ngành địa lý của một trường ĐH. Trong thời gian chuẩn bị xin việc làm, Matt chọn cách đi du lịch. Matt thích thú với việc đến lớp tình thương, bệnh viện, chùa... để chăm sóc những em bé không may bị tàn tật.

Mỗi lần Fleur Cochrane cùng nhóm bạn đến chăm trẻ tại chùa Kỳ Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM), những đứa trẻ ở đây cứ quấn lấy cô. Không chỉ có khuôn mặt ưa nhìn, Fleur còn rất giỏi trong chuyện pha trò để trẻ cười. Cô gái 26 tuổi, làm nghề luật sư tại Úc, rất vui mừng vì được đến VN lần hai. “Nếu như lần đầu, tôi chỉ đến để du lịch, tham quan thì lần này tôi được đến những nơi có trẻ em đặc biệt, được hát cho các em nghe. Tuy có rào cản về ngôn ngữ nhưng hầu hết chúng tôi hiểu nhau ở mỗi hành động và ánh mắt’’.


Matt cho trẻ ăn tại chùa Kỳ Quang - Ảnh: Hà Minh
 

Đến VN theo sự hỗ trợ của Tổ chức tình nguyện vì hòa bình VN VPV (Volunteers for Peace Vietnam), không chỉ có các bạn nước ngoài mà còn có cả những bạn yêu thích tình nguyện trong nước. Doãn Thị Thu Thủy, 22 tuổi, cũng thường có mặt tại chùa Kỳ Quang trong kỳ tình nguyện theo nhóm này. Thủy cho hay: “Mình tham gia hoạt động tình nguyện từ rất lâu rồi, đây cũng là một trong những hoạt động mình yêu thích và cảm thấy vô cùng ý nghĩa. Hơn nữa, hoạt động này có thể giúp mình giao lưu với các bạn nước ngoài và giúp đỡ, tạo niềm vui cho các em khuyết tật’’.

Cho trẻ ăn rất thú vị

Trong việc chăm trẻ, nhóm bạn nước ngoài chia sẻ rằng họ thấy thú vị nhất khi cho trẻ ăn vì đây thực sự là khâu không đơn giản. Vừa dỗ một trẻ bại não ngồi yên trên ghế, Matt vừa khéo léo xúc từng muỗng cơm cho bé ăn. “Chăm sóc trẻ em dễ chứ’’, tôi hỏi. “Ồ không hề dễ chút nào, bạn phải tỉ mỉ và khéo léo nữa’’, Matt nói.

Haruhito cười bảo, cậu chưa từng chăm sóc trẻ con bao giờ nên lúc đầu rất lóng ngóng. Sau gần 1 tháng tình nguyện tại bệnh viện và chùa, “tay nghề’’ Haruhito khá lên rất nhiều. Giờ mỗi lần Haruhito cho trẻ ăn, cơm ít khi bị rơi ra ngoài.

Trong nhóm bạn tình nguyện lần này, Tammy Phạm, 23 tuổi, Việt kiều Mỹ chia sẻ đây là lần thứ hai về thăm VN, cô cảm thấy rất vui khi làm được việc ý nghĩa trên chính quê hương mình. Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, Tammy Phạm rất hoạt bát và được nhiều trẻ em quý mến bởi khả năng dỗ trẻ và bày trò chơi cùng các em. Nhìn cô ôm một bé gái nựng yêu và cho uống sữa, bên cạnh một bé trai cứ níu lấy tay Tammy, có cảm tưởng cô là một bà mẹ bận rộn và đảm đang thực thụ.

Anh Vũ Duy Thanh, phụ trách VPV văn phòng miền Nam, chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ nước ngoài rất hứng khởi với các hoạt động vì cộng đồng. Sau khi kết thúc hành trình, các bạn đều chia sẻ rằng họ cảm thấy rất tuyệt nếu được trở lại VN. Đó cũng là một trong những niềm vui của chúng tôi khi trở thành cầu nối để các bạn ấy hiểu hơn, yêu hơn đất nước VN’’.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.