‘Trai đẹp’ làm nông: Chữ ‘duyên’ với con thỏ

Một chàng trai ở Quảng Trị mê loài thỏ đến nỗi bỏ cả công việc hiện có và đúng chuyên môn để đi học cách nuôi thỏ.

Làm không công để học nuôi thỏ

Nói về chuyện rẽ ngang làm nông và nuôi thỏ, Lê Phước Trung (24 tuổi, trú thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị) bảo có lẽ do chữ “duyên”.
Trung tốt nghiệp ngành xây dựng cầu đường Trường CĐ Giao thông vận tải Đà Nẵng. Năm 2013, khi mới ra trường, anh “lang bạt kỳ hồ” đến Thanh Hóa và làm việc trong một phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng với mức lương vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng. Cơ duyên “bén” khi Trung tình cờ biết đến Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT) trong một lần đi công tác dài ngày tại Hà Nội.

tin liên quan

“Trai đẹp” làm nông
Lê Văn Vượng đang là “mục tiêu” của nhiều bạn nữ, khi chưa có người yêu mà đã là giám đốc của hợp tác xã trồng dưa lưới Nhật Bản.
“Chỗ làm của em khi đó rất gần trung tâm này nên em đánh liều vào xin phụ việc cắt cỏ, dọn vệ sinh để… học lỏm kinh nghiệm nuôi thỏ của các cán bộ, công nhân tại đây”, Trung kể lại “chiêu” của mình. Chừng nửa tháng sau, Trung rời công ty cũ, xin vào trung tâm làm việc không công để học nuôi thỏ.
Khỏi phải nói, lúc đó bố mẹ Trung như sững sờ với quyết định của cậu con trai. Họ khuyên nhủ Trung đừng vì sở thích nhất thời mà bỏ đi bao công lao đèn sách. Ngày đó, Trung chỉ lẳng lặng theo đuổi đam mê và cố tìm cách chứng minh cho gia đình thấy bằng kết quả thực tế. Sau gần 2 tháng học hỏi kinh nghiệm từ trung tâm, cộng với sự nhạy bén, Trung dùng 3 triệu đồng từ tiền lương tháng cuối cùng ở công ty cũ để mua hơn 20 con thỏ mang về quê.
Từ chàng trai áo quần đóng thùng, gọn gàng, giày dép sạch đẹp khi làm ở công ty xây dựng, Trung trở về quê nuôi thỏ, hằng ngày ra đồng cắt cỏ. Đôi khi anh chạnh lòng nghe bà con hàng xóm chê mình "dại dột", nhưng rồi đam mê và quyết tâm làm giàu giúp Trung vượt qua tất cả.
Lì và liều
Không dễ để Trung gây dựng được đàn thỏ 1.200 con như bây giờ. Anh kể lại, thuở ban đầu mang thỏ về nhà gầy giống đã lên 100 con. Tưởng mọi sự đã vào guồng, Trung có chút chủ quan khi vội vàng tách thỏ mẹ với thỏ con trong khi chưa có biện pháp phòng bệnh. Hậu quả, đàn thỏ con chết gần hết. “Đó là cú sốc đối với em, nhưng em đã cố gắng không bỏ cuộc”, Trung nói.
Những chú thỏ nhỏ xinh do Trung chăm sóc

Hơn 1 tháng sau, lứa thỏ thứ 2 mới ra đời. Rút kinh nghiệm của “thảm họa” trước, lần này khi tách thỏ con ra khỏi thỏ mẹ, Trung cho uống thuốc phòng các bệnh thường gặp như sình bụng, tiêu chảy, bại huyết thỏ, ghẻ… từ rất sớm. Không có tiền mua bột, hằng ngày Trung cặm cụi ra vườn nhổ cỏ, cây lá cho thỏ ăn. Lứa thỏ đầu tiên thành công, Trung bán 50 con với giá 7 triệu đồng,
50 con để lại tiếp tục gây giống. Trung cho biết, thỏ là loài “ham” đẻ, mỗi năm từ 7 - 8 lứa, mỗi lứa từ 8 - 10 con. Cứ sau mỗi lứa, Trung bán đi một nửa, còn lại để nhân đàn. Thỏ nuôi khoảng 3 tháng có thể đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg, giá bán 85.000 đồng/kg.
Năm 2016, khi đã có đủ tiềm lực, Trung đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô, có đủ hệ thống phun sương làm mát trên mái nhà, nước uống tự động, lồng cách nền nhà 60 cm, thoáng mát… để nuôi thường xuyên 1.500 con thỏ. Mỗi năm, Trung xuất bán hơn 20 tấn thịt thỏ hơi cho thị trường cả nước, doanh thu 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 200 triệu đồng.

tin liên quan

'Cẩm nang' cho người trẻ khởi nghiệp
Một cuốn sách không hàn lâm, không lý thuyết, không sách vở mà ngồn ngộn thực tiễn đời thường để bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp sẽ tìm thấy được những điều cần thiết để bắt đầu hành trình.
“Tuổi mình còn nhỏ, phải dám dấn thân, dám thất bại… Khởi nghiệp ngoài kiến thức còn cần có máu lì và liều. Ngày xưa, nếu cái gì cũng sợ thì em chẳng dám khởi nghiệp. Giờ đây, chẳng còn ai nhìn em bằng con mắt khinh khi nữa, dù em đích thị là một người… làm nông”, Trung bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.