Trác Thúy Miêu: Sống ở nhà mướn để được nghe tiếng của cuộc sống đời thường

04/05/2019 20:00 GMT+7

Trong buổi nói chuyện về Sài Gòn xưa, MC Trác Thúy Miêu cho biết luôn cự tuyệt các căn hộ cao cấp mà chọn sống ở nhà thuê, nhà mướn nơi lao động nghèo để được nghe tiếng của cuộc sống đời thường nhất ở thành phố.

Ấn tượng với những tiếng rao 

Nhắc về ký ức của TP.HCM xưa, là câu chuyện miên man như không hồi kết mà nữ diễn giả, MC, nhà báo Trác Thúy Miêu luôn khiến nhiều người phải thổn thức, bồi hồi và nhớ về ký ức của mình.

Trong buổi nói chuyện với chủ đề “Có một Sài Gòn…” do nhóm bạn trẻ trong dự án mô hình “Sài Gòn xưa” phối hợp với nest by AIA tổ chức, nữ nhà báo đã đưa người trẻ về một thành phố khác hẳn của những năm “19 hồi đó”, của những cái gọi là ký ức trong tâm thức của mỗi người.

Những câu chuyện về Sài Gòn xưa của Trác Thúy Miêu luôn thổn thức nhiều người trẻ HOA NỮ

Chị Miêu vô cùng ấn tượng với hệ thống tiếng rao ở thành phố ngày xưa, chị kể nó dễ thương lắm, mà thường những người bán rong đi vào các khu lao động là không phải người của thành phố mà là người tha phương từ tứ xứ về đây và họ bán chính đặc sản của vùng miền họ. Ngẫu hứng chị Miêu cất giọng rao: “ai xôi cút, xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi bắp đây”, “ai ve chai hôn?”,…

“Nhưng cái tiếng rao mà làm tôi nghĩ đến Sài Gòn ngay, đó là tiếng mì gõ, chỉ cần nghe đến là muốn ngã gục để khóc. Nó làm nên âm thanh đặc thù ở các khu lao động nghèo, nhưng hiện nay tiếng gõ mì gõ đó đang mất dần. Hầu hết mọi người đi theo lối sống mới, là chọn sống ở những khu chung cư cao cấp. Nhưng ở nơi đó có nghe thấy mùi khói vương vấn, ở nơi đó có nghe tiếng rao để xỏ vội cái quần rồi chạy ngay ra cửa để mua cái bánh giò, tô mì gõ,... không? Và ở đó chắc người ta không nghe được tiếng dân nghèo”, nữ MC bày tỏ.

Và rồi chị nói: “Đó là điều khiến đến tận bây giờ tôi vẫn ở nhà thuê, nhà mướn và cự tuyệt với các căn hộ cao cấp. Vì ở trên đó tôi chỉ nghe thấy tiếng ì ầm của hệ thống máy điều hòa không khí của tất cả các tòa nhà cao tầng, một thứ âm thanh vô ngôn, vô sắc, vô cảm mà chỉ cho tôi cảm giác mỗi sáng như đang thức dậy ở giữa Singapore, Seoul, hay một nơi nào đó,…Nhưng tôi không nghe thấy được tiếng của đời sống, mà những tiếng của đời sống đời thường đó ở thành phố chỉ còn lắng đọng lại ở những khu lao động bình dân mà thôi”.

Trác Thúy Miêu xúc động khi nghe bạn trẻ bày tỏ cảm xúc về những ký ức xưa cũ của mình HOA NỮ

Nói về ẩm thực, chị Miêu cho rằng không ở đâu có một thứ pha trộn kỳ cục như món ăn ở thành phố này. Như cơm tấm, những hạt gạo bị vỡ là có nguồn gốc từ thói quen sử dụng hạt gạo nát của miền Bắc, đồ chua thì của người Tàu, miếng thịt nướng thì của người Pháp, rồi miếng chả của người Bắc, chén nước mắm chấm lại pha vị ngọt của miền Tây, trộn chung đặt lên trên đĩa rồi ăn bằng dao, nĩa như người Phương Tây nhưng đặt bên cạnh là đôi đũa.

“Nhưng mà tất cả những thành tố đó khi được đặt lên cùng một đĩa với nhau lại hòa quyện đến kỳ lạ. Nó phải vụn vụn rời rời như vậy, chứ nếu ăn với hạt cơm bình thường thì kỳ lắm luôn. Đó chính là bản chất của thành phố này, là dung nạp bất kỳ cái gì, bất kỳ thành tố nào nhưng phải hạp, phải sống với nhau được, chơi với nhau được. Cũng như bạn có thể đến từ bất kỳ vùng miền nào nhưng vẫn có thể trộn được với nhau để thành hợp thể hài hòa thì dù có hổ lốn đến mấy cũng dễ ăn, dễ tiêu, dễ chơi và dễ thương”, chị Miêu chia sẻ.

Đừng vì những điều tiêu cực mà đánh mất những giá trị tinh thần

Để mở đầu cho ký ức về những hàng quán hớt tóc lề đường dưới gốc cây, nữ nhà báo hỏi: “Một ngày nào đó, nếu chúng ta mất đi những cái hàng quán lề đường dựa vào những gốc cây, dựa vào những vách tường thì thành phố này sẽ như thế nào?”

Rồi chị nhấn mạnh: “Khi mà tấc đất trở thành tấc vàng thì còn bóng cây nào, còn mặt tiền nào cho những ông già ngồi hớt tóc. Họ đi đâu hết cả rồi? Có lẽ, cả chủ cả khách, họ già hết rồi”.

Mô hình căn nhà xưa do nhóm sinh viên gia công được trưng bày tại buổi nói chuyện HOA NỮ

Chị Miêu kể từ ngày hàng cây ở đường Tôn Đức Thắng bị chặt xuống thì khu vực 3, 4 cụ ngồi hớt tóc ở góc đường Lý Tự Trọng (đoạn giao với Tôn Đức Thắng) cũng không còn nữa.

“Tôi còn nhớ giai đoạn hàng cây bị chặt đó, có nhóm bạn trẻ đã ra ôm chặt các gốc cây vì khi biết các cây này sẽ bị chặt. Và sau đó các bạn đã đặt một cành hồng nhung lên những gốc cây như là lời cám ơn và giã biệt của người thành phố vì bóng mát của bao đời, cám ơn vì khu đại lộ đẹp nhất, đáng hãnh diện nhất của thị thành. Và những ngày đó tôi đã khóc. Tôi phát hiện ra khi giọt nước mắt rơi xuống không phải vì quyền lợi cá nhân của mình, vì tại sao bị mất một chiếc xe, bị khách hàng xù tiền nhưng tôi không bao giờ khóc được. Vậy tại sao tôi nhìn những cái thân cây khi bị đốn chặt xuống, tôi lại khóc?...”.

Nói rồi chị chạnh lòng chia sẻ tiếp: “Đó là sự mất đi ồn ào ở đại lộ Tôn Đức Thắng nhưng kéo theo đó là những sự mất đi câm lặng như những ông già hớt tóc ở góc đường Lý Tự Trọng. Có những mất mát ở thành phố mà không ai đưa tang cho nó, không ai truy điệu, và không ai ghi nhớ ngày nào nó sẽ biến mất đi,…”.

Nói về sự mất đi giữa lòng thành phố chị Miêu nhớ đến sự kiện nhóm vệ sĩ bắt cướp giúp dân, bị tấn công và một vệ sĩ tử vong trên đường.

“Sự nằm xuống của một hiệp sĩ đó là sự hy sinh khá ồn ào gây nên tranh cãi, nhưng có những cái chết đi ngay sau đó rất lẵng lặng mà chúng ta không nhận ra. Đã rất nhiều Lục Vân Tiên trong tim các chàng trai cô gái ở thành phố này cũng chết đi theo, khi chúng ta mất sự hào hiệp, hồn nhiên nằm trong bản tính đặc thù của người dân thành phố”, chị Miêu chua xót nói.

Bạn trẻ vừa nghe kể chuyện, vừa khám phá những mô hình thành phố xưa tại buổi nói chuyện HOA NỮ

Chị phân tích nếu bây giờ bạn nghe tiếng kêu cướp, bạn sẽ bị ám ảnh bởi cái chết kia và không bao giờ dám chạy ra và làm điều tốt đẹp vì sợ phương hại đến bản thân. Và người thành phố trước giờ rất niềm nở với di dân tứ xứ đến với thành phố, ai hỏi đường là nhiệt tình chỉ, thấy cái chân chống chưa gạt là chạy theo qua 5 hay 7 cái ngã tư chỉ để nhắc ai kia gạt cái chân chống xe lên,… Ấy thế mà, từ khi lan truyền những chiêu thức lừa đảo khiến cho người khác dè chừng với tất cả mọi thứ, sợ bị lừa, sợ bỏ bùa và chúng ta bị “ô nhiễm” bởi những tin tiêu cực đó.

Chị kể có lần đi cho suất ăn cho người già vô gia cư trong đêm, vừa phát xong quay lại thì có người khác thu hết những phần ăn đó. Mới nhận ra là họ làm việc có mạng lưới, có tổ chức, nên chưa chắc suất ăn của mình đã giúp được cho họ, hay họ lại phải nộp lại cho người khác,…

Nhìn thấy cảnh đó cảm giác rất đau, bị tổn thương, giống như bị lừa,… Nhưng khi đó tôi quay lại hỏi những đứa em đang đi cùng mình “sự thật như thế đó, nhưng những điều đó có làm cho chúng ta ngừng làm điều tốt không?”, thì các em khẳng định là không, mình vẫn đi tiếp, vẫn làm tiếp vì làm điều tốt là cho đi không phải chỉ vì cái lợi của người được nhận mà đó là khoái cảm của người dân thành phố này nói riêng và của con người nói chung”, chị Miêu bày tỏ.

Từ câu chuyện đấy, chị Miêu nhắn gửi: “Rất nhiều những việc tiêu cực đang làm ảnh hưởng sự thiện lương, hào hiệp và lòng trắc ẩn của thị dân thành phố này. Những kỷ vật về thành phố xưa chỉ là tài sản vật chất và có thể mất đi, không có gì là vô hạn. Nhưng có những thứ về giá trị chúng ta không cho phép nó được mất đi, đấy chính là những giá trị tinh thần. Nếu nghe thấy cướp hãy cứ ra tay giúp đỡ nhiệt tình, nếu thấy một người hỏi đường thì đừng sợ, hãy chỉ đường,… cho đi là ta hạnh phúc trước đã”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.