Trà chanh xuyên đêm 'chém gió', trào lưu mới của giới trẻ

26/11/2020 17:38 GMT+7

Càng về khuya, các quán trà chanh vỉa hè càng đông, do lúc này là khoảng thời gian rảnh của nhiều bạn trẻ sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng.

Ngắm đường phố về đêm

Dọc đường Hoàng Diệu 2 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), các quán trà chanh mọc lên ngày một nhiều. Các quán trà chanh này có phong cách bình dân với không gian mở nên đã vô tình tạo thành một trào lưu mới trong giới trẻ.
Một hàng dài bạn trẻ tụ tập tại quán, cùng nói về chuyện học hành, công việc, gia đình. Dù đã gần 0 giờ nhưng không khí ở quán vẫn tấp nập và nhiều nhóm bạn trẻ vẫn say sưa với câu chuyện của mình. “Tụi mình chọn ngồi trà chanh một phần vì muốn trò chuyện với nhau, một phần vì thích ngắm đường phố lúc này không tấp nập, ồn ào”, Nguyễn Thị Minh Hoa (21 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ. Ngoài ra, mức giá trung bình cho một ly trà chanh là 15.000 đồng, khá phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng.

Mỗi người một câu chuyện

Thanh Dung

Không khí mát mẻ của đêm cũng là một lý do khiến nhiều bạn trẻ tìm đến các quán trà chanh vỉa hè. Phan Hiếu Minh (23 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Một ngày, mình ngồi hơn 8 tiếng ở công ty, về phòng trọ thì bó buộc vào những bức tường. Không khí ở các quán ngoài trời làm mình thấy thoải mái và thư giãn. Vì vậy, mình thường chọn quán ngoài trời, vừa mát mẻ, vừa ngắm đường phố theo cách của riêng mình”.
“Nhóm mình học xa nhau, mình ở trong thành phố, bạn bè ở làng ĐH nên thời gian gặp mặt chỉ có buổi tối. Vì là sinh viên nên mình muốn trải nghiệm những thứ mới lạ, cùng nhau “chém gió” xuyên đêm cũng là kỷ niệm của tụi mình sau này”, Cao Hà Thiên Ngân (20 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) chia sẻ.

Gặp nhau để giải tỏa căng thẳng

Nhiều câu chuyện được kể với bạn bè trong cuộc nói chuyện, đó là những áp lực trong học tập, công việc. Cận tết, nhiều bạn trẻ lại thêm áp lực về tiền bạc nên muốn cùng bạn bè gặp nhau để bớt đi những căng thẳng trong lòng.
Trần Anh Đồng (27 tuổi, Q.9, TP.HCM) cho biết: “Lũ vừa qua mà tết sắp đến, mình phải gửi tiền về cho bố mẹ sửa lại nhà nên những ngày gần đây, mình tăng ca nguyên đêm”. Được biết, quê nhà của Đồng ở H.Cam Lộ (Quảng Trị), một trong những vùng ngập nặng trong đợt lũ vừa rồi.
Quen với việc tăng ca đêm nên Anh Đồng không thấy mệt khi cùng bạn bè ngồi nói chuyện đến gần sáng, nhóm thường ngồi từ 23 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Một tuần, nhóm của Đồng ngồi trà chanh 2 ngày, còn những ngày khác họ dành thời gian cho công việc của mình.

Chỉ cần một chiếc ghế nhỏ để ngồi, các bạn có thể trò chuyện xuyên đêm

Thanh Dung

Cũng giống như Anh Đồng, Lê Thị Bích Thủy (25 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) là nhân viên của một công ty bất động sản cho biết bản thân luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng vì những áp lực trong công việc nên Thủy thường hẹn bạn bè ra quán để cùng tâm sự.
“Ít ra khi ngồi với nhau, nhìn những bạn trẻ khác cười nói, vui đùa cũng làm tâm trạng mình tốt hơn. Đôi khi, mình còn nhận được những lời khuyên bổ ích từ bạn bè, đặc biệt là những người bạn chưa từng quen khi họ vô tình nghe được câu chuyện của mình”, Thủy nói.
“Nhìn các bạn sinh viên cùng nhau tụ tập chuyện trò, làm mình thấy nhớ thời sinh viên của mình. Tuổi trẻ nên tạo cho mình nhiều kỷ niệm, trải nghiệm những điều mới lạ cùng bạn bè, đừng quá khắt khe với bản thân”, Anh Đồng chia sẻ.

“Đừng hành hạ cơ thể của mình”

Dù rất thích cùng bạn bè tụ tập ở những quán trà chanh vỉa hè nhưng Nguyễn Quốc Tuấn, sinh viên năm 4 Khoa Y (ĐHQG TP.HCM) biết rõ về tác hại của việc thức khuya nên luôn kết thúc một ngày của mình trước 22 giờ.
“Chúng ta cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, việc thức khuya không những khiến cơ thể mệt mỏi mà còn giảm sức đề kháng. Thay vì ăn uống xuyên đêm thì nên về nhà trễ nhất là 23 giờ”, Tuấn chia sẻ
Nguyễn Thị Diểm My, sinh viên năm 4 Khoa Y (Trường ĐH Y dược Cần Thơ) thường xuyên đi ăn uống cùng bạn bè, nhưng với My, sức khỏe quan trọng hơn. “Câu chuyện có thể bỏ dở nhưng sức khỏe thì không. Chúng ta có thể tiếp tục câu chuyện vào ngày mai nên đừng “hành hạ” cơ thể của mình”, My nói.
Ngoài ảnh hưởng cho sức khỏe thì những nguy hiểm khi đi trên đường vào ban đêm cũng khiến nhiều bạn lo sợ. Trần Phương Tiến (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang làm việc trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết mình và nhóm bạn luôn nhắc nhở nhau phải hạn chế ra đường sau 22 giờ để an toàn.
“Trà chanh xuyên đêm không phải không tốt nhưng sức khỏe và an toàn của mình phải đặt lên trên chứ đừng ỷ lại vào tuổi trẻ”, Phương Tiến nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.