TP.HCM giãn cách: Bật khóc nhìn người vô gia cư, chàng trai làm điều ý nghĩa

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/07/2021 09:56 GMT+7

Một tối, TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, anh Hưng phải ra đường mua sữa cho con. Đường phố vắng ngắt như tờ, những người vô gia cư ngồi co ro đợi, chưa có ai tặng cơm. "Họ sẽ lấy gì ăn đây?". Anh Hưng bật khóc.

Trở về nhà, anh Hưng bàn với vợ, mình phải làm gì đó. “Thay vì giãn cách xã hội chỉ ngồi trong nhà đọc báo, đếm số ca F0 và lo lắng, vợ chồng chúng tôi phải làm gì đó, dù nhỏ thôi nhưng sẽ giúp được những người khó khăn hơn ở TP.HCM”, anh Hưng nói.

Cả nhà cùng nấu cơm

Anh Nguyễn Bá Hưng (8X, trú Q.Tân Bình, TP.HCM) đang làm việc ở một công ty tại Q.1, vợ anh - chị Vũ Mai Quỳnh tự kinh doanh. Giãn cách xã hội, được làm việc từ xa, hai vợ chồng quyết định sẽ nấu cơm tặng người nghèo, người vô gia cư. Có một người bạn cũng nấu cơm giúp bà con khó khăn trong dịch Covid-19 nên vợ chồng anh Hưng tự tay nấu mỗi ngày 20 suất ăn bằng tiền của mình để gửi qua nhà bạn, cùng đi tặng người cần.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu đăng hình ảnh lên mạng xã hội, anh đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè, người thân ngoài Hà Nội. Hai vợ chồng quyết định nấu tăng lên thành 50 suất/ngày. Rồi dần dần tới bây giờ, khi TP.HCM tiếp tục tăng cường giãn cách theo chỉ thị 16, họ nấu 60 suất một ngày, kèm theo 3 phần quà.
Duy - một bạn trẻ tình nguyện đến tận nhà nhận cơm rồi đi phát, do đó, gia đình anh Hưng tập trung nấu những phần ăn ngon nhất.

Ngoài cơm, các phần quà còn có nước, sữa, khẩu trang

Trời khô ráo hay mưa lớn, Duy đều có mặt đúng giờ để nhận những phần cơm đi gửi tặng bà con

Ảnh NVCC

Những người nghèo trong giãn cách xã hội ở TP.HCM đón nhận những phần cơm

“Sáng sáng vợ chồng chúng tôi chuẩn bị nguyên liệu, 15 giờ thì bắt đầu nấu, 19 giờ là xong. Hơn 19 giờ là bạn tình nguyện viên đến chở cơm đi. Ưu tiên nấu cơm, nên công việc của vợ tôi phải làm tới 2-3 giờ sáng. Có bạn làm cùng vợ tôi cũng phụ giúp nhặt rau, thái thịt. Được một thời gian, hàng xóm biết nhà tôi nấu cơm giúp người khó khăn thì ngày nào cũng giúp sơ chế rau. Đảm bảo giãn cách trong mùa dịch, bạn mang rau về nhà mình, làm sạch sẽ lại chuyển sang bếp”, anh Hưng chia sẻ.
Đặc biệt, vợ chồng anh Hưng có một bé gái 4 tuổi tên Thóc cũng đã biết giúp bố mẹ bóc trứng, xếp hộp sẵn ra chiếu để mọi người chia cơm và đồ ăn. “Một hôm, đang bóc trứng, Thóc bảo con bóc trứng cho người vất vả, không có nhà, lạnh không có chăn. Chúng tôi vui vì từ những hộp cơm nghĩa tình, con đã học được sự san sẻ, giúp đỡ những người khó khăn”, anh Hưng kể.

Cơm được đổi món hàng ngày để tặng cho bà con

Ảnh NVCC

Hai vợ chồng rang lạc, nấu thịt làm ruốc (chà bông) gửi tặng các bác sĩ

Ảnh NVCC

Mới đây, tình cờ nhìn thấy suất ăn của một bác sĩ trong bệnh viện dã chiến khá đạm bạc, vợ chồng anh Hưng bàn thêm nên làm gì để tặng thêm các bác sĩ. Nhờ một người quen, vợ chồng anh biết một số bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 7 và số 8 ở Thành phố Thủ Đức mới từ miền Bắc vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch, chưa quen đồ ăn trong đây.
Vợ chồng anh Hưng làm thêm các món muối vừng, lạc rang (đậu phộng), ruốc (chà bông), các món ăn hoàn thành sẽ được đóng gói, gửi tặng các bác sĩ tuyến đầu.

Người Sài Gòn ra cửa hàng điện thoại mua rau, trứng giá… giật mình

“Cho chú xin thêm 2 suất, mẹ chú và em gái còn đang ở nhà”

Câu nói đó của một người đàn ông trong chiều Sài Gòn mưa tầm tã khiến Duy, chàng trai tình nguyện phát cơm cùng nhóm của vợ chồng anh Hưng xúc động. Giữa cơn mưa, người đàn ông chống gậy nói mình đã đứng đây hơn 4 tiếng đồng hồ rồi mà chưa ai cho cơm, nên xin thêm 2 phần nữa mang về nhà.
Vậy là chú có “nhà”, có chỗ để đi về, không phải vô gia cư. Sẽ còn rất nhiều người ở TP.HCM này có một nơi ở, có chỗ tránh mưa tránh nắng nhưng không có tiền mua đồ ăn. Ngay hôm sau, cùng với 60 suất cơm, nhóm anh Hưng chuẩn bị thêm 3 phần quà nữa, mỗi phần gồm 3 kg gạo, 10 quả trứng gà, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước tương, 1 túi đậu phộng để tặng thêm những trường hợp như vậy, để bà con có thể tự nấu cơm hàng ngày.

Những phần quà gồm gạo, trứng... còn được tặng cho bà con về tự nấu cơm

Nhận thấy nhiều người khó khăn đứng xin cơm ở các vỉa hè TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội không đeo khẩu trang, nên mỗi suất cơm, vợ chồng anh Hưng chuẩn bị thêm 10 khẩu trang y tế nữa.
“Tặng cơm cho bà con có nhiều chuyện vui lắm. Chúng tôi phát cơm, cả sữa nữa. Có hôm các cô bác nói thèm trái cây quá, thế là hôm sau các phần cơm có thêm chôm chôm tráng miệng, cả nước lọc. Có bác còn nói “chúng tôi ăn cơm nhiều rồi, ngày mai chú cho xin bún xào được không”. Thế là hai vợ chồng lại xào bún gạo. Hai vợ chồng đều từ Hà Nội chuyển vào sống ở TP.HCM, nên cả hai đều tìm hiểu làm sao để món ăn hợp khẩu vị người miền Nam nhất”, anh Hưng kể.

Tấm lòng Hà Nội hướng về TP.HCM

Anh Hưng cho hay, những ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tới hiện tại - tiếp tục tăng cường giãn cách, gia đình anh luôn nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ từ bà con ở miền Bắc. Nhiều anh chị từ Hà Nội ủng hộ tiền nấu cơm, gửi đậu phộng, mì, đồ ăn, cổ vũ tinh thần để mọi người có thể nấu thật nhiều phần cơm cho những người đang khó khăn. Cả những người bạn rất lâu chưa liên lạc cũng tìm cách để ủng hộ.

Vợ chồng anh Hưng và bé Thóc cùng tham gia nấu cơm tặng người khó khăn ở TP.HCM

Ảnh NVCC

Vợ chồng anh Hưng thấy bếp ăn cho người khó khăn ở TP.HCM của mình chưa là gì với những nhà hảo tâm mỗi ngày nấu vài trăm, vài ngàn suất cơm gửi tặng bà con. Song, cả hai vợ chồng tâm niệm, nếu mình bắt tay vào làm một cái gì đó, dù là rất nhỏ thôi để góp phần chống dịch, góp phần hỗ trợ người khó khăn hơn thì tinh thần tất cả mọi người sẽ mạnh mẽ hơn.
Người đàn ông cùng vợ mình nấu cơm tặng bà con khi TP.HCM giãn cách xã hội bộc bạch: “Các anh chị ở Hà Nội nhắn tin cho tôi “ước gì anh chị ở đấy để cùng phụ giúp cô chú”, tôi thấy vui lắm. Trong khả năng của mình, chúng tôi nấu cơm từ nhiều nguyên liệu hữu cơ nhất có thể, hộp đựng đồ ăn cũng là loại thân thiện môi trường. Tôi nghĩ rằng, điều đặc biệt nhất trong các suất cơm là tình yêu thương từ những người con miền Bắc gửi gắm tới miền Nam, là sự đoàn kết vượt qua khó khăn và lời chúc Việt Nam đồng lòng chiến thắng đại dịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.