Tỏa sáng vì cộng đồng: Lập thư viện sách cho trẻ em nghèo

12/08/2019 07:22 GMT+7

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ đã phải lên rừng xuống ruộng mưu sinh cùng ba mẹ, học đến lớp 10, Vạn Đại Phú đành nghỉ học vì không có điều kiện tiếp tục đến trường. Thế nhưng, giờ đây Phú đã là chàng sinh viên năm 3 và đang từng ngày quyên góp sách, lập thư viện cho trẻ em nghèo .

 

Từng bị gia đình cấm không cho đi học

Chặng đường để theo đuổi được sự học của chàng trai người dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
Là anh trai cả trong gia đình 5 anh em, Phú phải đảm đương hết mọi việc, từ chăn bò, cắt cỏ đến các công việc làm thuê làm mướn để kiếm tiền đi học. Nghỉ hè thì Phú lên Lâm Đồng hái cà phê, làm khoai mì thuê cho người ta, rồi đi làm phụ hồ… Tất cả những việc nặng nhọc ấy, cậu học trò ở vùng quê nghèo ngày đó đều đã trải qua.
Đến khi học hết lớp 9, Phú thi đậu vào lớp 10 nhưng vì nhà quá xa trường, lại không có xe đạp để đi học, thêm vào đó gia đình cũng không ủng hộ việc Phú tiếp tục đi học, vì thế chàng trai phải nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ giúp gia đình.
Tỏa sáng vì cộng đồng: Lập thư viện sách cho trẻ em nghèo

Căn nhà kho (Phú đang đặt sách thử nghiệm) sắp tới sẽ tập hợp nguồn sách quyên góp được để lập thành thư viện miễn phí

Ảnh: NVCC

Trong thời gian vào TP.HCM làm công nhân may, Phú thấy cuộc sống rất vô vị khi sáng đi làm, quần quật tăng ca đến khuya lại về phòng. Từ đó, Phú tìm đến sách và các bài viết truyền cảm hứng trên mạng. Phú đọc được một câu nói là bản thân hoàn toàn có thể chọn lựa cách sống và thay đổi cuộc đời của chính mình. Thế là Phú quyết tâm dùng số tiền tích góp được để trở lại lớp học.
Sau một năm dang dở việc học, từ cậu học trò học lực trung bình, Phú đã vươn lên đạt thành tích học sinh giỏi. Phú tìm đến sách nhiều hơn và hình thành thói quen đọc sách, từ đó cuộc đời và cả cách suy nghĩ của Phú cũng thay đổi. Phú quyết tâm nhiều hơn và dù khó khăn hay gia đình ngăn cấm thế nào, Phú cũng không rời bỏ con chữ.
Vừa đi học vừa đi làm để duy trì việc học, 3 năm sau Phú thi đậu cùng lúc 2 trường là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng người cha một mực không cho Phú tiếp tục việc học.
“Lúc đó cha bảo nếu tiếp tục việc học thì đi ra khỏi nhà và đừng về nhà nữa. Mình rất buồn, có lẽ do ở vùng quê của mình đa phần đều nghỉ học sớm để đi làm thuê làm mướn, nhưng mình không muốn vậy. Mình muốn thay đổi cuộc đời và thay đổi được số phận của nhiều em nhỏ ở vùng quê nghèo này nữa. Chính vì thế, mình đã tiếp tục đến trường và tự bươn chải lo việc ăn học trong thành phố”, vẻ mặt đượm buồn vì nhớ lại chuyện cũ, Phú kể.

Biến kho lúa thành thư viện sách miễn phí

Sau khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Phú đã phải bắt xe lên Lâm Đồng để tiếp tục làm các công việc nương rẫy thuê, kiếm tiền ăn học.
“Làm vất vả nhưng vẫn không đủ tiền để nhập học, lúc đó mình về hỏi ý kiến thầy của mình là có nên bảo lưu kết quả để năm sau vào nhập học. Nhưng thầy khuyên nên đi học tiếp, và giới thiệu hoàn cảnh của mình cho một tổ chức tình nguyện của tỉnh và mình được hỗ trợ tiền học phí để đi học”, Phú bộc bạch.
Bất chấp sự ngăn cấm của cha, Phú vẫn nỗ lực đến giảng đường. Không chỉ bươn chải lo hết mọi chi phí ăn học, Phú còn gửi tiền về cho gia đình để phụ lo cho các em. Và sau nhiều nỗ lực, Phú vui vì cha đã hiểu.
Đã từng được tổ chức tình nguyện giúp đỡ, Phú mới có cơ hội đến được giảng đường. Vì thế, dù hoàn cảnh khó khăn, dù nhiều lúc còn chưa tự lo được cho cuộc sống của mình nhưng Phú vẫn năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện và hiện đang là thành viên ban điều hành của Hội Tình nguyện Gió yêu thương tại TP.HCM.
“Nhờ tham gia các hoạt động tình nguyện mà mình được đi nhiều nơi, tiếp xúc được với những mảnh đời, hoàn cảnh rất đáng thương. Họ còn không có cái để ăn, để mặc thì như mình được đến trường là một may mắn lắm rồi. Chính họ lại là động lực để mình tiếp tục cố gắng vượt lên hoàn cảnh”, Phú tâm sự.
Và với tâm huyết ngay từ đầu, Phú muốn đi học không chỉ để thay đổi cuộc đời mình mà còn để thay đổi chính số phận của những đứa trẻ ở quê. Vì thế, Phú quyên góp sách về quê lập dự án Thư viện tụ hiền. Phú biến kho lúa cũ của nhà mình thành thư viện để giúp các em nhỏ ở đây có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách - “ân nhân” đã thay đổi cuộc đời Phú.
“Nhiều người thắc mắc hỏi mình “tụ hiền” có nghĩa là gì? Thực ra mong ước của mình là thư viện này sẽ hội tụ những người hiền tài, có tâm muốn giúp ích cho cuộc đời, nên cái tên đó ra đời. Nếu không có sách, cuộc đời mình giờ đây vẫn chỉ là thằng thất học đi làm thuê làm mướn. Mình không muốn những đứa trẻ ở quê lớn lên lại đánh mất đi cơ hội phát triển”, Phú tâm huyết.
Ngày 18.8 tới đây, Phú cùng với các hội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện về quê để đưa dự án Thư viện tụ hiền của mình vào hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.