Tình nguyện vá xe trên xa lộ

21/03/2012 03:46 GMT+7

Người tham gia lưu thông trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Đồng Nai nếu chẳng may bị xẹp bánh xe sẽ được các thành viên đội vá xe lưu động Q.9 giúp đỡ.

Người tham gia lưu thông trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Đồng Nai nếu chẳng may bị xẹp bánh xe sẽ được các thành viên đội vá xe lưu động Q.9 giúp đỡ. 

Muốn khai trừ bọn rải đinh

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ dân quân tại địa phương vào cuối năm 2008, đầu năm 2009 Nguyễn Nhật Tân tình nguyện tham gia đội vá xe lưu động Q.9 (TP.HCM) rồi gắn bó với công việc này cho đến nay. Người đi đường chỉ cần gọi vào số máy 01226682626, chàng trai trẻ 24 tuổi trong chốc lát sẽ có mặt tại hiện trường để giúp khắc phục sự cố.

 
Nguyễn Nhật Tân vá xe cho khách bị cán đinh trên xa lộ Hà Nội - Ảnh: Lê Thanh

Chị Trần Thị Kim Chi, đội trưởng đội vá xe lưu động Q.9, cho biết: “Đội được thành lập đầu năm 2009. Lúc đầu cũng có nhiều bạn trẻ tham gia nhưng dần dần đi làm việc khác, riêng Tân “bám trụ” từ đó đến tận bây giờ”. Tân tâm sự: “Sở dĩ mình gắn bó với công việc này lâu như vậy là vì không muốn người đi đường chẳng may bị cán đinh phải trả phí vá xe quá cao. Hơn nữa, mục đích cuối cùng của mình là muốn khai trừ bọn rải đinh chuyên “móc túi” người đi đường ra khỏi tuyến xa lộ này”.

Suốt 3 năm nay, ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là Tân thức dậy lên trụ sở UBND phường Tân Phú lấy xe hút đinh chạy rà đinh trên xa lộ Hà Nội. Đến khoảng 7 giờ sáng thì về trực chốt ngay cầu vượt Trạm 2, đoạn gần Khu công nghệ cao TP.HCM, cho đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà. 

Không ngại hiểm nguy

Mặc dù quy định trực chốt từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối để vá xe cho người đi đường, nhưng bất kể giờ nào có người điện thoại, Tân cũng sẵn sàng giúp đỡ. Cô Trần Thị Dương, mẹ của Tân, cho biết: “Nhiều lúc 3, 4 giờ sáng đang ngủ ngon giấc nhưng nhận được điện thoại là cháu bật dậy xách đồ nghề tức tốc đến hiện trường để vá xe cho người ta”.

Tôi hỏi Tân có khi nào bạn cảm thấy bực mình khi nhận điện thoại vào những lúc đang ngon giấc? Tân chia sẻ: “Những lúc như thế là lúc người ta cần mình hơn bao giờ hết. Nếu mình làm được điều đó thì người ta mới tin tưởng và quý mến mình. Thật tình mà nói, vào những lúc như thế mình không nghe điện thoại họ cũng không trách mình được nhưng lương tâm không cho phép mình làm điều đó. Hơn nữa, nếu đặt trường hợp mình đang gặp phải sự cố như thế nhưng gọi điện nhờ người ta giúp đỡ mà bị từ chối thì thất vọng biết nhường nào. Khi người ta gọi điện đến mình là họ đã tin tưởng ở mình, vì thế nếu mình từ chối coi như đã làm mất lòng tin của họ. Mà lòng tin đã mất rồi thì coi như mất tất cả. Lần sau nếu có gặp sự cố tương tự làm sao họ dám gọi điện nhờ mình nữa chứ”.

Tân cho biết thức khuya dậy sớm không ngại, chỉ sợ gia đình lo lắng rồi không cho đi làm vì bọn rải đinh điện thoại, nhắn tin hăm dọa và đánh đập. “Có lần mình đang vá xe cho khách ngay Khu công nghệ cao TP.HCM thì có 2 thanh niên chạy xe máy đến đánh túi bụi vào mặt và nói muốn yên thân thì nên bỏ nghề sớm. Sau đó, cả hai lên xe chạy mất”, Tân kể.

Gia cảnh của Tân rất khó khăn. Cha qua đời sau một cơn bệnh nặng lúc Tân mới 12 tuổi. Nhà có hai anh em nhưng cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương của mẹ làm công nhân chăm sóc cây xanh tại Công viên văn hóa Suối Tiên. Vì thế, dù không ngại đối mặt khó khăn, nguy hiểm, không nản lòng với công việc đang làm, nhưng Tân cũng thành thật chia sẻ: “Cứ nghĩ đến một lúc nào đó mẹ không còn khả năng lao động nữa thì mình phải có trách nhiệm để lo lắng cho mẹ và em gái. Nhưng mỗi ngày cứ rong ruổi trên xa lộ như thế thì làm sao để phụ giúp gia đình?”.

Đang trò chuyện thì có ai đó gọi điện thoại đến báo tin xe của họ bị cán đinh ở khu vực ngã ba Tân Vạn, thế là Tân lại xách thùng đồ nghề tức tốc lên đường.

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.