Tin giả - một loại 'dịch' đáng sợ không kém dịch Covid-19

11/03/2020 19:02 GMT+7

Tin giả về dịch Covid-19 lan rộng khắp mạng xã hội . Nó đáng sợ không kém gì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tin giả về dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua tràn ngập trên mạng xã hội. Sinh viên chính là đối tượng tiếp cận mỗi ngày. 

"Ăn hột vịt để chống Covid-19!"

Tin giả khiến cho nhiều sinh viên (SV) ngỡ ngàng trước sự vô lý nhưng nhiều người vẫn tin. 

Hoàng Hữu Dũng (SV năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Mình không đồng tình với hành động 'dắt mũi dư luận' trong mùa dịch của một số người. Theo mình, vì muốn 'câu like', 'câu view' cho tài khoản cá nhân nên họ mới đăng những thông tin như thế, thêm nữa họ nghĩ cơ quan chức năng sẽ không tìm được nên họ không sợ những hình phạt răn đe từ pháp luật”.

Những tin giả Dũng đã gặp rất nhiều trong mùa dịch: bịa đặt lịch trình của BN17, Hà Nội vỡ trận... Dũng cảm thấy rất khó chịu về những thông tin sai sự thật trên, nó đả kích rất lớn vào dư luận, gây hoang mang và góp phần làm an sinh xã hội mùa dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. 

Tương tự, Trần Quang Bảo (SV năm 3, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết việc bị phạt vì tung tin đồn sai sự thật là vô cùng hợp lý. Và có thể trừng trị nặng tay hơn nữa. Họ biết điều đó là không đúng, nhưng vì mục đích cá nhân nào đó, học đã chia sẻ và làm ảnh hưởng đến những người khác,...

Một trường ĐH bác bỏ tin giả về chuyện nghỉ học rất tinh vi khi giả mạo thông tin của một tờ báo

Ảnh chụp màn hình

“Khi tiếp xúc với những tin giả, điều đầu tiên mình nhận ra là sự vô lý trong thông tin của họ. Vì theo những gì mình được biết và được hướng dẫn thì không có cơ sở khoa học để kết luận những thông tin đó là đúng”, Bảo bày tỏ. 

Bảo nói: “Bạn bè của mình đã có trường hợp tin và truyền miệng và những thông tin đó. Mình rất bất ngờ khi chứng kiến điều đó, nhưng cũng phải đủ tỉnh táo và đủ kiến thức để nhận ra đó không phải là tin thật. Và mình cũng sẽ đứng ra giải thích sự vô lý trong thông tin đó cho họ và một số người xung quanh”.

Đinh Thị Mai (SV năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Có một lần mình rất ngạc nhiên khi đọc được tin 33 người chết vì dịch ở Cà Mau, bèn kiểm tra thử trên các trang báo khác để xác nhận mới biết đó là bịa đặt...”.

Mai nói, giữa tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì lại có một loại dịch nữa đó là "dịch Tin giả"... Mình khá hoang mang khi số người tung tin giả còn nhiều hơn số người nhiễm Corona. Hy vọng rằng mọi người không chỉ có trách nhiệm chống dịch Covid-19, mà còn phải có trách nhiệm trong việc chống "dịch tin giả" hiện nay.

Tạ Hữu Nhân (SV năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cảm thấy việc những người đăng tin sai bị phạt là đúng đắn, nhằm răn đe những người khác, đồng thời để mọi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi dùng mạng xã hội.

Cùng bạn bè tìm hiểu thông tin dịch Covid-19

Thế Nguyên

“Mình gặp phải tin giả là ăn hột vịt để chống dịch Covid-19 và mình cảm thấy rất buồn cười, hoàn toàn không tin một tí nào. Mình tự hỏi tại sao người ta lại dễ dàng chấp nhận những chuyện vô lý và thiếu khoa học như vậy mà không cảm thấy hoài nghi về sự vô lý đó”, Nhân thổ lộ. 

Sinh viên chia sẻ cách đối phó tin giả

Trước những tin giả trong mùa dịch bệnh, các bạn SV đã chia sẻ cách đối phó để tránh gây hoang mang dư luận.

“Bước đầu là xác định nguồn tin từ đâu, nguồn gốc có chính thống hay không, đã được ai kiểm duyệt cũng như tìm hiểu cơ sở khoa học về tin tức đó. Tốc độ lan truyền tin tức rất nhanh, nên việc truyền nhau những thông tin sai lệch sự thật đó không chỉ ảnh hưởng đến một mà còn rất nhiều người khác, gây hoang mang xã hội”, Bảo nói.

Theo Trần Quang Bảo, để phòng chống tình trạng tin giả trong mùa dịch, về phía người sử dụng mạng xã hội cần trang bị cho mình không những những kiến thức về dịch bệnh mà còn là kiến thức khoa học. Tìm hiểu rõ về dịch bệnh qua những kênh uy tín, chính thống. Tìm đến các bác sĩ để được hiểu sâu về dịch bệnh.

Bạn trẻ chủ yếu sử dụng điện thoại để tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội

Thế Nguyên

“Khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào về dịch trên mạng xã hội, tôi luôn bình tĩnh và chờ thông tin từ những tờ báo có uy tín để chắc chắn rằng đó là thông tin đúng sự thật. Bạn nên chọn những trang thông tin chính thống, những trang tin tức tin cậy”, Mai chia sẻ. 

Đinh Thị Mai cho biết để phân biệt được tin chính thống và tin giả thì cần có sự tuyên truyền sâu rộng, mở các chương trình phổ cập kiến thức về thẩm định thông tin. Từ đó để người dân tỉnh táo hơn trong việc tiếp nhận thông tin. Mỗi cá nhân cần phải nâng cao ý thức không tung tin giả vì lợi ích nào đó của bản thân, phát hiện tin giả cần ngăn chặn, không chia sẻ, không bàn tán. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.