Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Lời mời hấp dẫn, nhưng…

14/05/2020 07:47 GMT+7

'Em đừng xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em sẽ có việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động , có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư'.

Với lời mời có thể kiếm được mức lương từ 5 - 7 triệu đồng, không cần bằng cấp của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm tại khu vực Bến xe An Sương, các lao động trẻ từ nhiều nơi đến TP.HCM với mong muốn tìm được một công việc ổn định.
Trong vai một sinh viên vừa ra trường, lần đầu tiên đặt chân vào TP.HCM nhiều ngày tìm việc làm, tôi có mặt tại Bến xe An Sương vào một buổi chiều đông đúc. Quanh khu vực QL22 gần Bến xe An Sương, tôi bắt gặp những tấm pa nô với lời mời chào hấp dẫn: công việc có mức lương từ 5 - 7 triệu đồng, bao ăn ở, không cần bằng cấp...
Những người môi giới đon đả mời chào tôi bằng những lời hứa hẹn rằng muốn tìm việc gì cũng có, không phải mất một khoản phí nào cả. “Em đừng đi lung tung hoặc xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em yên tâm chắc chắn sẽ có việc, được đảm bảo quyền lợi của người lao động, có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư”, nhân viên môi giới tìm cách chèo kéo tôi. Nhưng câu chuyện sau đó diễn ra không dễ dàng như vậy.

Mức phí môi giới 600.000 đồng !?

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga (61/1 QL22, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn), người phụ nữ tên Nguyễn Thị Phi mời chào tôi vào tìm kiếm việc làm. Trong nhà chỉ có hai chiếc bàn dành cho người môi giới và vài chiếc ghế nhựa để tiếp khách cùng với những giấy tờ chứng nhận được đóng mộc đỏ dán đầy trên tường. Lấy cuốn sổ từ trong hộc bàn, bà Phi bắt đầu tìm kiếm việc làm cho tôi.
Giới thiệu là sinh viên tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa tìm được việc làm ở quê nên quyết định vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội, tôi được bà Phi giới thiệu việc làm ở xưởng chế tạo máy. Công việc chính là đứng vận hành máy móc trong nhà xưởng. Lương trong tuần thử việc đầu tiên là 220.000 đồng/ngày, sau đó là 280.000 đồng/ngày (đã bao gồm tiền ăn, nơi ở thì được chủ nhà xưởng bố trí cho ở trọ cùng các nhân viên khác). Thời gian làm việc từ 7 - 19 giờ. Một tuần làm ca ngày và một tuần làm ca tối đan xen nhau, những tuần ca tối thì sẽ làm xuyên đêm...
Thấy tôi lưỡng lự vì công việc làm ca đêm đòi hỏi phải thức khuya cả tuần liền, bà Phi đề nghị một công việc khác nhẹ hơn là trông giữ xe. Công việc làm theo giờ học sinh đi học trong tuần, được trả mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng được bao ăn ở tại nhà của chủ. Người phụ nữ này cũng cho biết chủ nơi giữ xe này yêu cầu nếu có học vấn thì đỡ phải hướng dẫn, công việc đơn giản, làm việc chăm chỉ sẽ được hỗ trợ thêm.
Sau một hồi chần chừ, đắn đo, tôi quyết định chọn công việc làm ở nhà xưởng với lý do lương cao hơn để gửi thêm về cho gia đình. Bà Phi lập tức lấy một tờ giấy cam kết với vài thông tin về việc làm và yêu cầu tôi ký vào tờ giấy xác nhận, rồi nộp 600.000 đồng tiền phí để “giữ chân” công việc.
Tôi thắc mắc: “Phải nộp tiền ngay bây giờ hay sao?”. Bà Phi hướng dẫn khi nào nhận việc sẽ trừ vào lương tháng đầu tiên của người đi làm. Nếu đi làm đủ 3 ngày thì không sao, nhưng nếu làm ít hơn thì phải đóng số tiền còn thiếu hoặc ký rồi mà không đi làm thì phải đóng 600.000 đồng để lấy lại giấy tờ từ chủ, vì đây là tiền môi giới giữa trung tâm và công ty. Cũng theo bà Phi, nếu tôi vào làm ngày đầu mà thấy không hợp thì có thể tìm một công việc khác làm cho đủ ngày, hợp đồng tối thiểu 1 tháng.
Sau khi gọi điện thoại cho nơi tôi muốn nhận việc, bà Phi cho biết vì là cuối tuần nên chưa thể chở đến chỗ làm để chỉ việc và hẹn tuần sau. Lấy lý do sợ phải đợi lâu, tôi thoái thác không ký vào hợp đồng và rời khỏi trung tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn để lại giấy tờ và nói sẽ trở lại để cân nhắc chuyện ký hợp đồng.
Thế nhưng, khi đến trễ một buổi và đòi lại giấy tờ, bà Phi đổi thái độ và nói đã đem giấy tờ của tôi cho công ty rồi, muốn lấy lại thì qua đó lấy. Tôi thắc mắc: “Tôi chưa hề ký vào bất kỳ biên bản hay hợp đồng nào mà?”. Bà Phi trả lời: “Ở đây không nói chuyện bằng giấy tờ (?!)”. Tôi lại hỏi: “Vậy muốn chuộc lại giấy tờ thì như thế nào?”. Bà này nói cộc lốc: “Đưa 300.000 đồng rồi chuộc lại giấy tờ”.
Sau một lúc đối thoại căng thẳng và dường như phát hiện tôi có ghi âm cuộc nói chuyện, bà Phi mới dịu giọng và trả lại giấy tờ cho tôi.

Khó có chỗ làm ưng ý

Tôi tiếp tục đi kiếm việc làm quanh các trung tâm khác ở khu vực An Sương. Hầu hết người đi xin việc muốn được chở đến chỗ làm đều phải ký vào giấy cam kết có mức phí môi giới 600.000 đồng và được trừ dần vào lương khi đi làm.
Tôi gặp và bắt chuyện với Trần Văn Thanh (20 tuổi, quê Khánh Hòa) đang đứng trước Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga. Thanh cho biết bố mẹ đi làm thuê ở rẫy cà phê trên Đắk Lắk, bản thân học chưa hết THCS, trước đó đi làm phục vụ quán ăn. Nhưng do dịch bệnh, quán đóng cửa nên thất nghiệp. Vì muốn làm một việc gì đó ổn định và có tiền hơn nên Thanh quyết định đến TP.HCM. “Sáng sớm đến đây, ăn uống xong rồi vào hỏi han công việc ở các trung tâm giới thiệu việc làm quanh ngã tư An Sương, nhưng thấy chưa gì đã bị trừ 600.000 đồng vào lương mà chưa biết công việc thế nào nên cũng hơi lo, đang phân vân chưa dám nhận việc”, Thanh nói và tâm sự: “Cũng định tìm chỗ làm lương ít một chút nhưng có người dạy nghề cho mình như những công việc liên quan đến máy móc thì sau này có tương lai hơn, chứ làm phục vụ mãi thì không biết bao giờ mới đỡ khổ”.
Tại thời điểm này, rất nhiều thanh niên như tôi lang thang tìm việc làm để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng may mắn có được một chỗ làm ưng ý. Cũng có vài thanh niên mà tôi gặp trong quá trình tìm việc có ý định “về quê khởi nghiệp thay vì kiếm việc quá khó”… (còn tiếp)
Không được thu phí người lao động
Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC- BLĐTBXH của bộ Tài chính, LĐ-TB-XH ban hành ngày 7.8.2007 hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm. Theo đó, trung tâm giới thiệu việc làm không được thu phí tư vấn; giới thiệu việc làm; cung ứng lao động đối với người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.