Thưởng thức - chia sẻ: Ký ức trung thu

Người vùng trung du miền núi quê tôi thường gọi Tết Trung thu là mùa, vì dường như ở đây trung thu kéo dài hơn nơi phố thị.

Năm nào cũng vậy, trước Tết Trung thu đến nửa tháng, cả làng trên xóm dưới như rộn hẳn lên bởi tiếng í ới rủ nhau làm lân. Bọn con trai thì lo đi chặt tre, vót nan làm đầu lân. Râu lân là những sợi dây nhựa bao phân u rê được tách ra bện lại. Hai mắt được chế bằng hai chiếc bóng đèn pin trông rất ấn tượng. Mình lân được mượn tạm từ tấm chiếc khăn trải bàn. Mấy đứa con gái sau giờ học cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi tới lui để "cổ vũ tinh thần". Đội lân nào được sự giúp đỡ của người lớn thì trông quy mô hơn. Độ vài ngày đã có một cái đầu lân hoành tráng. Bắt đầu từ ngày mùng mười, tiếng trống múa lân đã vang lên giòn giã khắp xóm làng.
Đặc biệt nhất là đúng ngày rằm tháng tám, chiếc loa sắt truyền thanh của thôn phát nhạc suốt cả ngày. Các mẹ, các chị trong thôn tập trung chuẩn bị cỗ trung thu bằng việc cùng nhau gói bánh ít, làm bánh nếp, bánh dẻo hay kẹo đậu phụng… đủ chia cho trẻ con mỗi đứa vài ba cái. Khi mặt trăng tròn vành vạnh chiếu ánh sáng xuống nền đất, trẻ con í ới gọi nhau, tập trung đông đủ.
Cuối cùng rồi thời khắc mong đợi đã tới, tiếng kẻng đánh liền ba hồi cũng là thời điểm phá mâm cỗ, chia đều cho từng trẻ nhỏ. Các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn do nhóm “nghệ sĩ nhí” trình bày. Chen giữa các tiết mục văn nghệ là phần biểu biễn của đội lân. Sau phần múa tại sân thôn, đội lân tiếp tục múa quanh xóm. Đoàn lân và đám trẻ nhỏ đi hết nhà này qua nhà khác, rồi khuất dần dưới trăng thu mờ mờ, huyền ảo…
Từ ngày rời quê lên phố trọ học, tôi không còn được nghe tiếng í ới gọi nhau làm lân, không còn được nhâm nhi chiếc bánh ít, cây kẹo ú… Chiều nay, nơi phố thị ồn ào, ngắm nhìn dòng người chen chúc nhau mua quà, bánh, lòng lại thấy xốn xang, chợt nghe văng vẳng trong tim tiếng trống tuổi thơ, những tiếng “tùng tùng, dinh dinh...” sao nghe thật gần mà lại quá đỗi xa xôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.