Thủ khoa đại học ngày ấy, bây giờ ra sao?

20/07/2019 10:46 GMT+7

Thủ khoa đại học (ĐH) các năm về trước hiện làm gì, ở đâu? Họ chia sẻ gì về danh hiệu thủ khoa mình từng có một thời?

Thủ khoa nhà nghèo trở thành trợ lý giám đốc

Bùi Phương Thảo, thủ khoa, khoa quốc tế học, ngành quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2012 hiện là trợ lý giám đốc cho một công ty bất động sản tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh.
Trước khi làm việc ở Hạ Long, Thảo học thêm văn bằng 2 về quản lý nhân lực và mới nhận bằng tốt nghiệp. Thảo cho biết danh hiệu thủ khoa năm 2012 cho cô một số ưu tiên, tuy nhiên quan trọng nhất để vào đời, khẳng định mình chính là năng lực làm việc của cá nhân.
Không chỉ là thủ khoa đầu vào khoa quốc tế học, trong suốt 4 năm học, Thảo luôn có thành tích học tập xuất sắc, đạt nhiều học bổng, được giữ lại làm việc cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội, tuy nhiên, Thảo quyết định về lại Quảng Ninh vì trong nhà chỉ có hai mẹ con.

Bùi Phương Thảo, thủ khoa xuất sắc khẳng định bản thân

T.H

Nhân vật từng xuất hiện trong bài viết Rơi nước mắt khi tới thăm thủ khoa nghèo trên báo Thanh Niên cho biết, mẹ của mình năm nay đã 70 tuổi, mắc nhiều thứ bệnh, hiện vẫn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Cha mất sớm, trong bao năm qua, hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ ở phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long, nên lúc nào Thảo cũng lo nghĩ về mẹ, cô luôn nỗ lực học tốt nhất, có công việc tốt nhất để có thể đỡ đần, chăm sóc mẹ, có thể xây lại căn nhà để mẹ có nơi ở khang trang hơn.

Thủ khoa về quê khởi nghiệp

Bùi Ngọc Ánh, thủ khoa đầu vào khối C Học viện Báo chí - Tuyên truyền năm 2012 với 25 điểm là nữ sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Theo học ngành báo truyền hình, sau một thời gian làm công việc liên quan đến báo chí, Ngọc Ánh đã về quê khởi nghiệp với một công ty truyền thông. Ngọc Ánh cùng một số người bạn cùng chí hướng, góp một số vốn nhỏ, mở công ty mang tên MarTech Việt, hỗ trợ các khách hàng các giải pháp marketing.

Ngọc Ánh, thủ khoa khối C năm 2012 của Học viện Báo chí  và Tuyên truyền

T.H

Đi du học

Lê Đình Khánh, thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 2014 với điểm toán và hóa đạt điểm 10 tuyệt đối hiện đi du học tại Trường đại học Quốc phòng Brno tại Cộng hòa Czech.
Anh chia sẻ, ba năm đầu tiên học tại đây đa phần là lý thuyết, trong khi bản thân anh là một người “chúa ghét” học thuộc lòng. Đã từng đỗ thủ khoa tại Việt nam, nhưng cũng như bao du học sinh khác, Khánh vẫn luôn lo sợ nếu học không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị đình chỉ học ngay lập tức. Lớp học của Khánh lấy đầu vào 15 người, do quá trình học khắc nghiệt, kỷ luật khắt khe, hiện tại sĩ số của lớp chỉ còn 3 thành viên. “Có lẽ với nhiều người thì đi du học, có thể coi là thành công rồi, nhưng đối với tôi, chưa phải là thành công lắm. Bản thân mình vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhưng tôi vẫn nỗ lực hằng ngày để đạt được nhiều thứ, hơn là chỉ một chức danh thủ khoa đại học trong quá khứ”.
Cũng như Khánh chọn lựa giấc mơ du học, Nguyễn Khánh Linh, thủ khoa Trường ĐH Hà Nội năm 2015, hiện là sinh viên ưu tú Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Nga. Khánh Linh giành học bổng này khi đang là sinh viên Trường ĐH Hà Nội, cô tham gia cuộc thi Olympic tiếng Nga cấp ĐH, sau đó nhận học bổng Hiệp định du học Nga toàn phần của Cục đào tạo nước ngoài.
“Tôi muốn trở thành người truyền cảm hứng, người định hướng cho các bạn học sinh đam mê học tiếng Nga”, Linh chia sẻ.

“Thủ khoa là danh hiệu khá nặng nề”

Bùi Ngọc Ánh, thủ khoa khối C Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng với các bạn tân sinh viên, đặc biệt là với những bạn mang danh hiệu thủ khoa là một cái gì đó khá nặng nề. “Với cá nhân tôi, tôi chỉ thấy rằng điểm của mình vô tình cao hơn người khác và trở thành thủ khoa. Mọi người luôn nhìn vào thủ khoa, phải cho rằng 'thủ khoa phải thế này, thủ khoa phải thế kia', điều này càng tạo áp lực cho các bạn trẻ. Tôi suy nghĩ, càng nhiều áp lực thì càng nhiều khó khăn, mình phải vượt qua được danh hiệu đó để làm thật tốt khả năng của mình, chứ không phải cố gắng vì áp lực của mọi người, điều này đã khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều”, Ngọc Ánh nói.

Ra ngoài đời, thủ khoa làm được gì mới quan trọng

Lê Đình Khánh, thủ khoa Học viện kỹ thuật quân sự 2014, cho hay: “Danh hiệu thủ khoa đầu vào 5 năm về trước, đã là liều thuốc tinh thần vô cùng quý giá đối với mẹ tôi, người phải chống chọi với căn bệnh suy thận”.

Thủ khoa Lê Đình Khánh

Trung Nghĩa Võ

Từ danh hiệu này, tên Khánh liên tục xuất hiện trên báo chí, các kênh truyền hình VTV tới các kênh địa phương, phải vài tuần sau cuộc sống của anh mới có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, Khánh chia sẻ, danh hiệu thủ khoa đó không khiến anh bị ảo tưởng, hoặc chủ quan, bởi anh xác định, có thể mình may mắn nên đạt điểm cao hơn các bạn, còn lại quãng thời gian rất dài phía trước, cần phải cố gắng.

Thủ khoa Trường ĐH Hà Nội 2015 Nguyễn Khánh Linh thì cho rằng danh hiệu thủ khoa ngày ấy, với cô là một kỷ niệm đẹp, đồng thời là động lực cho cuộc sống sau này. Tuy nhiên, đạt danh hiệu thủ khoa, ngoài việc được tuyên dương và nhận phần thưởng tại buổi lễ khai giảng, cô và các bạn sinh viên khác vẫn sẽ đứng cùng ở vạch xuất phát của một khởi đầu mới. “Thủ khoa hay không - không quan trọng. Đó chỉ là danh hiệu tạm thời, vinh danh những nỗ lực của bạn trong một khoảng thời gian. Quan trọng là sau này, ra ngoài xã hội, ra cuộc sống, bạn sẽ làm được gì”, Linh thẳng thắn.

Những sao Việt được giới trẻ yêu thích là thủ khoa

Ca sĩ Mỹ Tâm tốt nghiệp thủ khoa (thủ khoa đầu ra) thanh nhạc, hệ trung cấp, Nhạc viện TP.HCM. Sơn Tùng M-TP là thủ khoa đầu vào Nhạc viện TP.HCM. Diễn viên, ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh là thủ khoa lớp đạo diễn truyền hình, Trường ĐH sân khấu điện ảnh Hà Nội.
Nữ diễn viên Bảo Hân cũng là thủ khoa môn diễn xuất, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Bạn trẻ thủ vai Ánh Dương trong phim truyền hình Về nhà đi con đang được yêu thích đang là sinh viên năm hai.
MC Hồng Nhung, người dẫn các chương trình được yêu thích Cà phê sáng, Điều ước thứ 7, Robocon… trên VTV cũng từng là thủ khoa đầu ra Trường ĐH lao động xã hội năm 2012.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.