Thổi hồn vào món ăn

06/12/2014 06:00 GMT+7

Với đôi tay tài hoa và khả năng sáng tạo, những người làm đẹp cho món ăn (còn gọi là food stylist) đã thổi hồn vào ẩm thực, biến hóa chúng vô cùng hấp dẫn, đẹp mắt.

Thổi hồn vào món ăn
Tiến Nguyên đang làm công việc food stylist của mình - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghề làm đẹp cho món ăn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng chỉ mới được chú ý và phổ biến tại VN thời gian gần đây.

Theo Bùi Lý Tiến Nguyên (24 tuổi, TP.HCM), giờ đây mỗi món ăn không chỉ dừng lại ở chất lượng, mà còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật để ngắm nghía. Nhiệm vụ của food stylist là phối hợp ẩm thực với nghệ thuật sắp đặt các nguyên liệu, màu sắc để cho ra món ăn hấp dẫn trong các buổi thu hình, chụp ảnh truyền thông, quảng cáo…

Mỗi food stylist có thể hướng đến nhiều lĩnh vực như: ẩm thực ứng dụng (món ăn đẹp, ăn được), ẩm thực trình diễn (thiên về nghệ thuật sắp đặt)… Tuy nhiên, ở lĩnh vực nào thì khi làm nghề này cần có kiến thức nhất định về ẩm thực, hóa học. Đặc biệt, phải có khả năng sáng tạo, thẩm mỹ và sự tinh tế. “Có kiến thức về hóa học để tránh trường hợp đặt các món ăn có tính chất hóa học tương phản nhau trên cùng bàn ăn, ví dụ chuối với mật ong. Hay phải có thẩm mỹ tốt để hình dung trước món ăn sẽ lên ảnh sao cho hấp dẫn… Với tôi, quan trọng nhất là luôn luôn tìm hiểu và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm bắt mắt, ấn tượng nhằm nhận được cái gật đầu của khách hàng”, food stylist Tiến Nguyên chia sẻ.

Theo food stylist Thành Dân (TP.HCM), người làm công việc này phải hiểu cách sắp xếp món ăn sao cho phù hợp với góc máy ảnh, camera, kéo dài thời gian tươi mới của thực phẩm và sử dụng đạo cụ trang trí thêm để tăng điểm nhấn cho bức hình.

Tại VN, chưa có nơi đào tạo chính thức nghề này nên phần lớn các food stylist học nghề từ những tài liệu trên mạng. Để thử sức và thành công với nghề không khó, bằng chứng là đã có nhiều bạn trẻ “tay ngang” nhưng trở thành những food stylist nổi danh. Như Nguyễn Đăng Phương (TP.HCM) bén duyên với nghề nhờ thích đọc sách báo về ẩm thực và có cơ hội cộng tác với chuyên mục hướng dẫn nấu ăn trên các tạp chí. Hay những “ngã rẽ” bất ngờ như Tiến Nguyên, từng học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật máy tính, nhưng chỉ vì đam mê với hình ảnh đẹp của thực phẩm nên đã tự tìm hiểu thông tin trên mạng, và giờ là một food stylist nổi tiếng.

Tiến Nguyên cho rằng, ngày nay khi mọi người bắt đầu chú ý nhiều đến tầm quan trọng của một bức ảnh món ăn đẹp thì nghề food stylist được chú ý nhiều hơn, mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ.

TP.HCM là nơi tập trung các công ty quảng cáo nhiều nhất cả nước, nên cơ hội làm việc ở đây với food stylist là cao nhất. Thông thường, các công ty quảng cáo, studio, nhiếp ảnh gia sẽ liên hệ cộng tác trong các dự án của họ, các kênh truyền hình bán hàng cần food stylist làm đẹp cho sản phẩm, các nhà hàng cần làm menu...

“Mỗi food stylist cần vận động và cố gắng không ngừng. Đừng nản khi gặp khó khăn. Làm gì cũng cần tỉ mỉ và cố gắng tạo ra sản phẩm tốt nhất có thể, đọc nhiều tài liệu sách báo về ẩm thực, xem nhiều mẫu quảng cáo... sẽ đúc kết và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân”, Tiến Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.

Theo tiết lộ từ những người trong nghề, giá một hợp đồng “làm đẹp” cho các món ăn có mức sàn hơn 20 triệu đồng (khoảng 1.000 USD), cũng có những dự án đặc biệt giá cao gấp nhiều lần.

Bình luận

Nguyễn Quang Việt

“Càng làm nghề này càng say mê và không thể nào dứt ra được. Mình luôn hướng đến việc tạo phong cách cho những món ăn Việt có hồn hơn, hài hòa và mang đậm chất Việt hơn”.

Food stylist
Nguyễn Quang Việt
(Hà Nội)

Trần Xuân Bách

“Mình theo đuổi phong cách mộc mạc, tự nhiên, phù hợp với phong cách cho sách nấu ăn, tạp chí vì yêu cầu thể hiện chính xác sản phẩm trên hình ảnh, mang lại trải nghiệm cảm xúc cho người xem”.

Food stylist
Trần Xuân Bách
(TP.HCM)

Nguyễn Đăng Phương 

“Công đoạn quan trọng nhất khi làm stylist cho một sản phẩm là trí tưởng tượng. Khi khách hàng đưa ra cho anh một gói mì thì anh phải phác họa ra được cảnh 3D của bát mì sau khi nấu, phải tưởng tượng ra từ cách sắp xếp đến nguyên liệu sử dụng trên bát mì (tôm, thịt, rau, ớt...) sao cho hình ảnh đến với khán giả một cách hoàn hảo nhất”.

Food stylist
Nguyễn Đăng Phương
(TP.HCM)

Thanh Nam

>> Gọi món ăn bằng ánh mắt
>> Lưu giữ tri thức dân gian trong ẩm thực xứ Quảng
>> Bí kíp ẩm thực đường phố Sài Gòn   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.