'Thôi, có thêm 4.000 đồng có giàu được không': Cho đi sẽ nhận sự tử tế

30/05/2017 20:02 GMT+7

Xung quanh câu chuyện về chàng sinh viên chạy xe ôm mang một chiếc ba lô đã rách gần hết với câu nói: “Có 4.000 đồng em cũng không giàu thêm được” ngoài việc cộng đồng mạng bấm like rần rần thì các chuyên gia cũng nhận định đây là nghĩa cử cao đẹp.

Hành động đặt chữ tình trên chữ tiền
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, xúc động khi đọc được câu chuyện này.

tin liên quan

'Thôi, có 4.000 đồng em cũng không giàu được' - Kỳ 1: Xúc động sống đẹp
Câu chuyện về chàng sinh viên chạy xe ôm mang một chiếc ba lô đã rách gần hết với câu nói: “Có 4.000 đồng em cũng không giàu thêm được” đã được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ chia sẻ chóng mặt những ngày qua, lan tỏa thông điệp sống đẹp trong thời đại “chạy theo đồng tiền” hiện nay.
TS Thúy bày tỏ: “Câu chuyện thật sự khiến chúng ta xúc động, nhỏ mà không hề nhỏ, đó là một hành động sống đẹp, sống theo giá trị biết nghĩ cho người khác chứ không vì đồng tiền. Cả người sinh viên và người đi xe đều ứng xử quá đẹp. Hành động đặt chữ tình trên chữ tiền của cậu sinh viên cho thấy cậu hiểu giá trị của cuộc sống không ở vật chất mà ở tình người. Chính nhờ vậy mà cậu được nhận lại hành động cảm kích tặng balo của người khách. Luật hấp dẫn của vũ trụ rất kỳ diệu, bạn làm những điều tốt, điều tốt sẽ đến với bạn, sự cho đi bất vụ lợi sẽ cảm kích người khác, khiến họ cũng muốn cho đi”.
Bên cạnh đó, theo TS Thúy, câu chuyện khiến ta thêm niềm tin vào cuộc sống, có lẽ vậy mà mọi người thích đọc, thích chia sẻ. Các bạn trẻ tâm đắc với câu nói của cậu sinh viên nghèo là một dấu hiệu rất đáng mừng. Chúng ta thêm niềm tin giới trẻ vẫn rất trân trọng những giá trị sống cao đẹp, không phải ai cũng chạy theo đồng tiền, bất chấp mọi thứ vì tiền.
Còn ThS tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận: “Bản thân tôi cảm thấy ấm lòng và phấn khởi với cách hành xử văn minh và đầy tính nhân văn giữa hai bạn trẻ trong nhịp sống hối hả của xã hội hôm nay. Giữa những hơn thua, vội vã, phức tạp của cuộc sống hiện đại, cách mà hai nhân vật trong câu chuyện tiếp thêm lòng tin về một thế hệ trẻ văn minh và đáng ghi nhận hơn”.
Bà Thảo phân tích thêm: “Đầu tiên là niềm tin về tính nhân văn trong hành xử vì vấn đề không nằm ở việc số tiền nhỏ hay lớn mà là việc chúng ta có sẵn sàng nhận phần thiệt về mình khi người khác khó khăn. Thứ hai là niềm tin về thái độ ứng xử giữa những người trẻ bởi cậu sinh viên có thể thể hiện sự khó chịu và buông lời như "thế thôi khỏi cần trả" nhưng cậu ấy vẫn chọn cách chân thành và dễ chịu nhất để ứng xử. Và cuối cùng là hình ảnh về chiếc balo mới xuất hiện, khiến ta thấy được cốt lõi của câu chuyện này là sự tử tế. Bạn cho đi sự tử tế thì bạn cũng sẽ gặp được sự tử tế. Và vì thế, hãy cứ cho đi rồi bạn sẽ nhận lại”.
Hãy ra với đời thực để cảm nhận những câu chuyện đẹp
Cũng cảm nhận được cách hành xử và câu nói của chàng sinh viên mang chiếc balo đã rách trong câu chuyện này rất dễ thương và cần được nhân rộng thái độ sống dễ thương này trong xã hội hiện nay, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Hỗ trợ viên Trung tâm ứng dụng và bồi dưỡng tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kiêm chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, nhấn mạnh thêm: “Trong thời buổi công nghệ, người ta ít giao tiếp, ít nói chuyện với nhau nên ít hiểu nhau. Tình cảm hay mối quan hệ của con người với nhau chỉ hình thành bền vững và đúng nghĩa khi họ tiếp xúc hoặc đối diện với tình huống thực tế, được trải nghiệm trong những câu chuyện thực tế. Việc người ta tiếp xúc, nhìn nhận trực tiếp với nhau sẽ tăng yếu tố tâm lý, tăng sự gắn kết giữa con người với con người. Nhưng chính công nghệ tạo nên khoảng cách và kéo xa khoảng cách giữa con người với con người, thậm chí kéo xa trái tim, kéo xa những cảm xúc tích cực và tốt đẹp”.
Theo ông Huân, mỗi bạn trẻ nên ra với đời sống thực để cảm nhận những câu chuyện đẹp và lan tỏa chúng. Bởi tôi tin rằng cuộc sống này luôn có những câu chuyện rất đẹp và sẽ đẹp hơn nếu chúng ta cảm nhận và tiếp tục lan tỏa cho nhiều người”.

tin liên quan

Bớt sống ảo để bước ra đời thực
Hầu như lúc nào cũng 'bận rộn' với điện thoại di động hoặc những thiết bị công nghệ khác để chát chít, cập nhật mạng xã hội, chơi game... Đó là xu hướng của không ít thanh thiếu niên hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.