Theo bước chân tình nguyện: Đi xây những thư viện ngày hè

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/08/2020 07:43 GMT+7

Trong những ngày vừa qua, các đoàn viên thanh niên tỉnh Nghệ An vào từng bản xa xôi, mở ra những thư viện ngày hè trong cộng đồng, mang kiến thức đến cho học sinh vùng cao.

Sân chơi bổ ích

Tại H.Tương Dương (Nghệ An), ngay từ những ngày đầu tháng 7, khi học sinh được nghỉ hè, ở các xã vùng biên của huyện đưa vào sử dụng nhiều mô hình “Thư viện ngày hè”. Tại đây, Đoàn thanh niên cơ sở đã phối hợp với thôn, bản và trường học trên địa bàn ủng hộ nhiều sách báo dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi và mở các thư viện ở nhà văn hóa cộng đồng hoặc ở điểm trường tiểu học. Có những thư viện được mở tại nhà giáo viên trường tiểu học trên địa bàn.
Chia sẻ về việc triển khai mô hình này, anh Lô Văn Giáp, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương, cho biết với mục đích vừa tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, vừa góp phần định hướng tư tưởng, bổ trợ kiến thức cho thiếu nhi trong dịp hè và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của trẻ em, Huyện đoàn Tương Dương đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai mô hình Thư viện ngày hè. Phương thức hoạt động và giờ mở cửa tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương, chủ yếu vào dịp cuối tuần, với các đầu sách thuộc nhiều thể loại, phù hợp với lứa tuổi như: đố vui, truyện dân gian, tiểu sử về các anh hùng nhỏ tuổi, các ấn phẩm tuyên truyền phòng chống đuối nước. Hiện mô hình Thư viện ngày hè đã được nhân rộng tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn H.Tương Dương, tạo sân chơi bổ ích cho hơn 7.000 thanh thiếu nhi của huyện trong dịp hè.
Cũng theo anh Giáp, khi dịch Covid-19 bùng phát thì mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả cao trong phòng chống dịch. Tại đây, các em được tuyên truyền và sử dụng các sản phẩm chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Là người tham gia “xây” những thư viện này, Lê Thanh Tùng, sinh viên năm 3 Trường ĐH Vinh (Nghệ An), cho biết trong những ngày hè vừa qua, Tùng cùng đội thanh niên tình nguyện của trường đến xã Tam Hợp (H.Tương Dương) dạy học cho các em học sinh. Đội hình tình nguyện 15 người “bám trụ” ở các thôn, bản 15 ngày, phối hợp với Trường tiểu học Tam Hợp và Đoàn thanh niên của xã mở các thư viện nhỏ, dạy các em tập đọc và học tiếng Anh.
“Đây là sân chơi bổ ích cho các em nhỏ trong ngày hè. Chúng mình dạy các em tập đọc và tổ chức trò chơi để thu hút các em tham gia. Đặc biệt, ở vùng cao, đến lớp 6 học sinh mới được học tiếng Anh cơ bản. Vì thế, đây là dịp tụi mình là “truyền lửa” tiếng Anh cho học sinh địa phương. Các em được làm quen với tiếng Anh nên rất thích thú. Sau vài buổi học, có em đã biết đếm số và giới thiệu về bản thân”, Tùng kể.

Phụ huynh yên tâm lên rẫy làm việc

Xã Mai Sơn (H.Tương Dương) là một trong những xã đầu tiên triển khai mô hình này và thu hút được rất đông học sinh tham gia. Anh Lô Văn Anh, Bí thư Đoàn xã Mai Sơn, cho biết thư viện tại đây mở cửa từ 7 giờ 30 - 21 giờ hằng ngày, đón tiếp tất cả học sinh trên địa bàn tới đọc sách. Trong những ngày chưa bùng phát dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày có 180 - 200 lượt học sinh đến đọc sách. “Đầu sách của thư viện cũng khá đa dạng: báo măng non, truyện dân gian, sách kỹ năng công tác đội, truyện ngắn về Bác Hồ, sách lịch sử, các ấn phẩm phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…”, anh Anh cho biết.
Ngoài các hoạt động tương tác với sách, độc giả nhí còn được tham gia các trò chơi thú vị như kéo co, ô ăn quan, nhớ nhanh tên sách… Đồng thời tại đây, các đơn vị Đoàn cơ sở còn tổ chức sinh hoạt chuyên đề Phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích; Phòng chống xâm hại trẻ em, Phòng chống dịch Covid-19… thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi và cả phụ huynh tham gia.
Đến thư viện đều đặn mỗi ngày, em Lương Thị Huệ, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Mai Sơn (xã Mai Sơn), chia sẻ: “Từ khi thư viện hè được triển khai, em và các bạn đến thư viện đọc và học nhiều điều bổ ích, lý thú từ sách. Thư viện đi vào hoạt động, em và các bạn rất vui vì được đọc nhiều quyển sách hay và ý nghĩa”.
Mô hình này không chỉ được học sinh thích thú mà các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ. Ông Vi Văn Kỳ, một người dân ở Bản Huồi Tố 2 (xã Mai Sơn), phấn khởi nói: “Mỗi mùa hè tới, tôi lại lo lắng tình trạng đuối nước nên mỗi lần lên rẫy, tôi thường dẫn các con lên rẫy theo, nhưng năm nay Đoàn thanh niên tổ chức thư viện đọc sách cho các cháu. Kể từ khi có thư viện này, tôi đã yên tâm lên rẫy làm việc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.