Theo bước chân tình nguyện: Chia nửa chặng đường khám bệnh cho dân

An Dy
An Dy
25/07/2018 09:30 GMT+7

Hai giờ đồng hồ di chuyển là chặng đường mà các bác sĩ và bệnh nhân đến được với nhau, ngay giữa mùa hè tình nguyện.

Đó là khoảng thời gian để đoàn bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Đà Nẵng di chuyển gần 100 km bằng ô tô, từ trung tâm thành phố đến với xã miền núi Tà Pơơ (H.Nam Giang, Quảng Nam).
Đồng bào Cơ Tu ở các thôn bản của xã Tà Pơơ cũng cần chừng ấy thời gian để di chuyển hơn 25 km vượt đồi núi để đến được điểm khám bệnh. Đoạn đường đã được "chia đôi", để người dân sống ở đỉnh Trường Sơn (đặc biệt là người già và trẻ em) có được điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Vượt núi đi lấy thuốc
Bé A Viết Thị Điều (12 tuổi, thôn Pà Păng, xã Tà Pơơ) ngồi một mình ở Trạm y tế xã Tà Pơơ với túi thuốc trên tay chờ bác chở về. Điều nhỏ bé hơn nhiều so với số tuổi của mình. Dậy từ 5 giờ sáng, em đi theo người bác trong thôn Pà Păng (cách trung tâm xã Tà Pơơ hơn 25 km) đi hơn 2 giờ đồng hồ đường núi gập ghềnh mới đến nơi. Em bị ho nhiều ngày, nhưng ba mẹ bận đi rẫy nên không đưa xuống xã khám được, phải gửi đi cùng với người bác trong thôn đi khám và lấy thuốc. Ngoài thuốc ho và da liễu, em còn được bác sĩ cho thêm thuốc bổ, bổ sung can xi và nhiều vitamin khác...

Từ Y (6 tuổi, xã Tà Pơơ) được các bác sĩ trẻ tình nguyện dỗ dành với bịch kẹo bánh trên tay mới chịu cho khám. Chị B’riu Kế, mẹ Từ Y, cho biết từ khi sinh ra bé đã bị một khối u nhỏ ở phần ngực phải. Những lúc con kêu đau, chị đưa xuống trung tâm y tế huyện khám nhưng vẫn chưa tìm ra bệnh. Nhưng khi các bác sĩ tình nguyện hướng dẫn phải đưa con đi khám ở bệnh viện tuyến trên để được siêu âm và sinh thiết khối u, chị lại từ chối.
“Đường núi xa xôi hiểm trở, nhà không có tiền. Nghe đoàn bác sĩ lên núi nên mới đưa con tới khám, giờ bảo xuống bệnh viện xa thì không biết khi nào mới đi được", chị B’riu Kế than thở.
Cả đời chưa xuống núi
A Lăng Bía (thôn Hai, cách xa trung tâm xã Tà Pơơ) mới 40 tuổi nhưng già trước tuổi, tóc bạc, da nhăn. Chị rất mừng khi có đoàn bác sĩ trẻ lên khám bệnh tình nguyện, để tranh thủ "kiểm tra" cái chân và lưng đang đau. Chị bảo, trong người có nhiều bệnh nhưng cứ quanh quẩn ở núi, hết làm rẫy đi nương lại giữ con giữ cháu, chưa từng ra khỏi làng.
Kiểm tra đơn thuốc cho chị Bía và các cụ già người Cơ Tu, A Lăng Trợ, nữ y sĩ của Trạm y tế xã Tà Pơơ dặn dò kỹ lưỡng những người thân đi cùng. Họ là con cháu, có khi là người trong làng, nhà cách nhau vài ngọn đồi.
Y sĩ Trợ cho biết thuốc các bác sĩ mang theo là những loại thuốc thông thường như viêm, đau khớp, tiêu chảy, ho, sổ mũi, đau bụng... nhưng phải hướng dẫn cách uống, hàm lượng rõ ràng, vì phần nhiều bệnh nhân lớn tuổi không biết chữ. “Kèm theo hướng dẫn sử dụng thuốc vẫn là nhắc nhở người dân về các kiến thức y tế cộng đồng, hướng dẫn họ gọi y tế thôn bản liên hệ điện thoại với y tế xã, huyện khi có vấn đề về sức khỏe, vì dân ở tận sâu trong núi”, y sĩ A Lăng Trợ giải thích.
Ước đoán lượng bệnh nhân sẽ khám trong đợt tình nguyện khoảng 200 người, nhưng đoàn bác sĩ trẻ Bệnh viện Đà Nẵng vẫn mang theo một cơ số thuốc khá lớn, phục vụ lượng thăm khám gấp đôi.
Bác sĩ Phan Đức Trí, Phó bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết khi lên núi, đoàn ưu tiên thăm khám sàng lọc bệnh cho trẻ em và người già vốn dĩ gặp khó mỗi khi đi lại. Ngoài các thuốc điều trị bệnh, đoàn còn mang theo một lượng lớn thuốc xổ giun, thuốc bổ cho trẻ suy dinh dưỡng, thuốc bổ cho người già suy nhược cơ thể, thuốc bổ thần kinh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.