Thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng: 'Chẳng lẽ năm nay hết tết?'

03/02/2021 15:29 GMT+7

Những ngày này khi 'tết gần sát bên hông' mà tình hình dịch Covid-19 lại càng phức tạp, nhiều người trẻ bắt đầu lo lắng 'chẳng lẽ năm nay hết tết?'.

Đường về quê sao xa quá!

Gặp Nguyễn Thị Diệu Hiền (21 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm phụ quán hủ tiếu tại đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM), người viết hỏi thì Hiền cho biết từ giữa tháng 1, khi lịch học trên trường đã thưa dần thì cô nàng tranh thủ đi làm thêm, vì đợt dịch Covid-19 từ đầu năm đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của gia đình.

“Em mua vé xe 29 tết về mà giờ lo quá, tình hình dịch bệnh Covid-19 như thế này không biết em có được về không nữa. Mấy ngày nay, ban ngày em đi phục vụ quán cà phê theo ca, còn tối thì về đây phụ bán hủ tiếu. Làm đến quên ăn quên ngủ chỉ mong đến ngày được về quê đón tết, mà lỡ chẳng may dịch phức tạp hơn rồi không được về thì coi như xong. Chưa bao giờ thấy đường về quê mà xa như thế này”, Hiền bày tỏ.

Nhiều bạn trẻ quyết định ở lại thành phố và đành "lỗi hẹn" cái tết cùng gia đình

HOA NỮ

Còn Phan Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, đang làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa) cũng không giấu được những lo lắng, chia sẻ: “Mấy ngày trước, khi dịch Covid-19 mới bùng ở Hải Dương và Quảng Ninh mình tin rằng tất cả sẽ được khống chế sớm nhưng mấy mấy ngày hôm nay, mỗi ngày công bố có thêm một tỉnh có ca nhiễm cộng đồng, mình thực sự vô cùng lo lắng. Tết thì sát ngay bên hông rồi. Cứ cái đà này thì hỗng lẽ năm nay hết tết”.

Dung kể tiếp: “Bây giờ, nói thực ở quê của mình chưa có gì nhưng nếu đi về quê thì mình phải đi tàu xe. Đây là môi trường đông người, lại là người ở tỉnh này, tỉnh kia không biết ai là ai, đâu thể dám chắc đeo khẩu trang, nước sát khuẩn là bình yên được đâu. Chưa kể tình huống xấu nhất trên phương tiện đó có người bị Covid-19 thì coi như xác định tết ở nhà vừa phải tự giác cách ly mà còn làm ảnh hưởng gia đình nữa. Nói chung là giờ đủ thứ để lo, về quê mà có chuyện gì cách ly thì cũng hết tết, mà ở lại thành phố không có người thân và gia đình thì cũng coi như năm nay không tết rồi còn gì”.

Mặc dù rất muốn về quê ăn tết, nhưng Dung đã chủ động đi hủy vé xe: “Bây giờ cả nước đang cùng chung tay phòng chống dịch, mình không làm được gì lớn lao nên đành phải ở yên một chỗ, mình đã đặt vé xe xong xuôi cả rồi, cũng đang có ý định đổi vé để về quê sau dịp tết nhưng nhà xe không hoàn trả tiền, thôi cứ để vậy đến ngày sát tết nếu tình hình được khống chế ổn định thì đi mà không thì coi như năm nay một năm ăn tết đặc biệt, sau này già đi còn có chuyện để kể với con cháu”.

Hủy vé rồi là coi như tết cũng hết

Cách đây 2 ngày, Trịnh Thị Ngọc Hảo, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế (đang sống tại 531 Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM) có đăng trên Facebook than vãn về chuyện hết tết. Hảo đăng: “Hủy vé rồi coi như là hết tết rồi nhé. Hẹn ba mẹ xuân sau con sẽ về. Mà một xuân này nữa thôi, đừng có xuân nào nữa nha Covid-19”.

Chia sẻ với người viết, Hảo cho biết năm nào cũng đặt vé tàu từ sớm vì sợ hết vé nên năm nay khi phải ngậm ngùi đi hủy vé, nước mắt Hảo cứ thể chảy dài. “Trông mãi mới đến tết để về, mọi thứ đã chuẩn bị hết rồi thì giờ lại phải hủy vé, cái cảm giác đó thật sự rất khó tả được, buồn như chưa từng được buồn. Nhưng đành phải thế thôi chứ biết sao giờ”, Hảo nói.

Ngày 2.2, những sinh viên không về quê đón tết được nhận những phần quà hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM

HOA NỮ

Với Hảo đã không về quê là coi như hết tết rồi: “Ở thành phố không người thân, không gia đình thì cũng như là hết tết chứ còn vui vẻ gì nữa. Nhưng mà về thì nguy hiểm quá, sợ không vào được một phần, sợ về lỡ có chuyện gì thì ảnh hưởng cho gia đình và nhiều người nữa”.

Chia sẻ về kế hoạch ở thành phố sẽ vui chơi tết thế nào thì Hảo nói: “Cũng may năm nay cũng có nhiều đồng nghiệp cùng công ty quyết ở lại nên cũng có người để đi chơi mấy ngày tết. Nhưng chẳng may dịch phức tạp hơn nữa thì thôi ở nhà luôn, chứ đi chơi cũng nguy hiểm quá”.

Cũng đang phân vân chưa biết có hủy vé hay không, Trương Như Ngọc, cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, kể: “Về cũng lo, mà ở lại thì không đành lòng. Ba mẹ cứ suốt ngày gọi hỏi có về được không vậy con, mình thì mong ngóng từng ngày để về nhưng giờ lại thấy đi tàu xe bây giờ nguy hiểm quá. Chắc đợi đến gần ngày về nếu thấy tình hình dịch Covid-19 không khả quan thì chắc hủy quá. Mà hủy vé là xác định năm nay không tết nhất gì nữa”.

Vui tết thế nào để an toàn trong dịch

Bác sĩ Lâm Thanh Vân, Trưởng khoa khám, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Chia sẻ với phóng viên thạc sĩ, bác sĩ Lâm Thanh Vân, Trưởng khoa khám, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, những người trẻ, thành phần đông đảo trong xã hội đã luôn tình nguyện, xung kích, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc lan tỏa những hành động, thông điệp tích cực trong cộng đồng. Sắp tới đây, để vừa vui đón mừng năm mới, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, ở góc độ y tế, các bạn trẻ cần thiết tuân thủ thực hiện khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, thường xuyên cập nhật thông tin về vùng dịch tễ, ca nhiễm mới, lịch trình di chuyển F0… để chủ động khai báo y tế khi cần. “Có thể hạn chế tập trung đông người sẽ làm giảm đi không khí xôm tụ, đoàn viên vốn có của tết cổ truyền nhưng là điều cần thiết ưu tiên. Bên cạnh đó, chủ động cài đặt các ứng dụng hỗ trợ truy vết, khai báo y tế cũng là điều đơn giản, thiết thực mà các bạn trẻ nên thực hiện cũng như hướng dẫn người thân, bạn bè cùng tham gia. Chúng ta cùng nhau phấn đấu làm sao mỗi người trẻ đều là một chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch, vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch Covid-19”, bác sĩ Vân gửi gắm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.