Thầy giáo vật lý 'chế' bóng đèn năng lượng mặt trời cho hộ nghèo Sài Gòn

23/02/2017 09:12 GMT+7

Bản thân là một người đam mê các hoạt động thiện nguyện, thầy Phạm Thư Tùng đã mang đến cho học sinh một dự án học môn vật lý kết hợp với các giá trị nhân văn.

Dự án đã xuất sắc giành giải nhất hạng mục dạy học theo dự án tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua.
Mang ánh sáng về cho người nghèo
Từ những kiến thức vật lý vốn dĩ khô khan và nặng nề, thầy Tùng, giáo viên bộ môn vật lý Trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM, đã thực tiễn hóa vào trong dự án “Ánh sáng hạnh phúc”, sáng chế và lắp đặt bóng đèn ve chai bằng năng lượng mặt trời cho những hộ dân nghèo.
Dự án là quá trình thực dạy, thực học, giúp cả thầy và trò học được rất nhiều điều từ kiến thức, công nghệ, kỹ năng cho đến những kinh nghiệm sống.
Trước khi thực hiện dự án, thầy Tùng đã có nhiều buổi ngoại khóa cho học sinh của mình thông qua các hoạt động tình nguyện. Cũng chính từ đó mà dự án ra đời. “Vào dịp trung thu năm trước, chúng tôi thực hiện chương trình thiện nguyện ở khu vực dân cư cầu Tám Nó (Q.8, TP.HCM). Tại đây, học sinh phải sử dụng đèn pin của điện thoại để chiếu sáng thì mới có đủ ánh sáng để thực hiện chương trình. Tôi nghĩ TP.HCM về đêm lung linh ánh đèn vậy mà vẫn có những nơi lại thiếu ánh sáng như thế này. Chính vì lẽ đó, hai chữ ánh sáng đã ghi sâu vào tâm trí tôi”, thầy Tùng nhớ lại.
Dự án này tận dụng những vỏ chai nước đã qua sử dụng cộng với các kiến thức về vật lý để sáng chế ra đèn ve chai thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Rồi mang đèn lắp đặt miễn phí cho các hộ dân nghèo đang cần ánh sáng tại TP.HCM.
Bóng đèn... nhân văn 1
Sản phẩm đèn ve chai của dự án
Học được nhiều hơn những con chữ
Dự án được triển khai cho tất cả các khối lớp của trường. Mỗi học sinh sau khi tham gia dự án đều học được nhiều và nắm vững hơn lượng kiến thức.
“Từ trước đến giờ, môn vật lý nếu không có thực hành thì tất cả chỉ là các bài toán và con số, nhiều khi tụi em làm được bài tập nhưng thực tế nó ra như thế nào lại không biết. Dự án đã giúp tụi em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế và thực hành nhuần nhuyễn thành kỹ năng”, Nguyễn Ngọc Hiển Khánh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Ernst Thalmann, chia sẻ.
Đèn ve chai là sản phẩm tận dụng những vỏ chai nước đã sử dụng, đổ đầy nước vào chai rồi bỏ thêm vào 10 ml nước Javel để chống nấm mốc, sau đó gắn lên mái nhà. Buổi sáng, ánh sáng mặt trời xuyên qua chai và khuếch tán qua nước xuống dưới giúp trong nhà được sáng hơn. Một nguồn sáng tự nhiên giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các em còn gắn vào bên trong bộ bóng đèn LED tự làm, kết nối với ắc quy và pin năng lượng mặt trời. Buổi sáng, ánh sáng mặt trời ngoài việc chiếu sáng vào bên trong còn giúp pin mặt trời tạo ra dòng điện để nạp vào trong ắc quy. Buổi tối, ắc quy lại là nguồn điện cho các bóng đèn LED hoạt động.
Khánh phân tích thêm ngoài các kiến thức về vật lý như dòng điện một chiều, dòng điện trong chất bán dẫn, hiện tượng quang điện... thì các em còn được rèn luyện những kiến thức về công nghệ như ý tưởng để thực hiện được pin mặt trời, các thiết bị bán dẫn, các sản phẩm công nghệ điện - điện tử. Rồi về lĩnh vực kỹ thuật như kỹ năng lắp ráp các linh kiện thành mạch điện hoàn chỉnh... và cả môn toán học với việc tính toán các thông số kỹ thuật của sản phẩm.
Điều đặc biệt hơn hết, các em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” vừa qua, cả ban giám khảo lẫn người xem đều rưng rưng nước mắt khi nghe phần thuyết trình về dự án của học sinh Ngô Huyền Trúc Nhi, lớp 11A4, Trường THPT Ernst Thalmann. Kết thúc phần thuyết trình, do không kìm nén được cảm xúc, Nhi xin phép ban giám khảo cho em được phát biểu cảm nghĩ ngoài kịch bản: “Khi tham gia dự án, con bị cuốn vào sự nhiệt tình của thầy và các bạn. Từ đó mà con thấy hứng thú trong việc học hơn rất nhiều. Con nhớ như in ngày đầu lắp bóng đèn cho người dân, khi trời tối tụi con vừa bật công tắc, bóng đèn bừng sáng, những đứa trẻ trong xóm mừng reo rồi nhảy cẫng lên vì thích thú. Con thấy mình hạnh phúc và chưa bao giờ con dám nghĩ với sức nhỏ như tụi con lại có thể làm được những điều như thế này. Con cảm ơn thầy Tùng rất nhiều”.

tin liên quan

Giúp sinh viên trải nghiệm tại doanh nghiệp
Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM triển khai chương trình Giúp sinh viên trải nghiệm thực tế tại các nhà máy, doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Và tất cả những cảm xúc mãnh liệt có được từ dự án, các em gói ghém vào trong ca khúc Ánh sáng hạnh phúc do chính các em sáng tác. Những ca từ đi ra từ cảm xúc thật, được cất lên từ chính những rung động tận đáy lòng của các em đã lay động biết bao con người: “Đưa đôi mắt tròn/nhìn về phía xa xăm nơi cuối trời/một thời thơ ấu vô tư hồn nhiên/Và em luôn mơ ước/tìm một chút ánh sáng hạnh phúc.../ Trong bóng đêm đen hoang vu đó/có chút yêu thương soi đường em đi/Trao chút yêu thương không hề hoang phí/dẫn lối em tôi đi qua bao muộn phiền”.
“Đây là dự án dạy học sử dụng phương pháp liên môn, giúp học sinh không những hiểu bài một cách sâu sắc mà còn tạo được sự phấn khích trong việc học. Không chỉ học được kiến thức, kỹ năng mà còn giúp hình thành nhân cách khi các em có thể thay đổi được nhận thức, thay đổi hành vi thông qua dự án”, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, thành viên ban giám khảo cuộc thi nhận xét.
Dù dự án học này đã kết thúc thế nhưng các em vẫn đang tiếp tục phát triển và vẫn rất hăng say sáng chế để lắp đặt những bộ đèn năng lượng mặt trời miễn phí cho các hộ gia đình khó khăn. Giờ đây, phòng học của các em dần biến thành "xưởng cơ khí" và các sản phẩm của dự án lần lượt được ra đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.