Thầy giáo 9X đi xin chai nhựa chế tủ đa năng bảo vệ môi trường

09/11/2019 19:05 GMT+7

Một chiếc tủ được tái chế từ các chai nhựa đã qua sử dụng nhưng có thể đựng được đồ dùng cá nhân, sách vở, áo quần… lại có không gian trồng được cây xanh và nuôi cá.

Đấy là mô hình tủ đa năng bảo vệ môi trường của thầy giáo vật lý 9X Hoàng Phúc Vinh (28 tuổi) và nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Qùy (huyện Nhà Bè, TP.HCM) sáng chế. Chiếc tủ tái chế từ chai nhựa ấn tượng này đã thu hút sự tò mò và thích thú của nhiều bạn trẻ tại khu trưng bày các sản phẩm sáng tạo của cuộc thi Thiết kế, chế tạo và ứng dụng 2019.

Chiếc tủ đa năng

Trước đây, sau những giờ dạy trên lớp, anh Vinh thường giải trí bằng cách chơi game, nhưng từ sau những lần tham gia các hoạt động dọn rác thải tại các kênh rạch ở huyện Nhà Bè, nhận thấy tình trạng rác thải nhựa quá nhiều, anh Vinh đã nghĩ ngay đến việc phải làm điều gì đó.

Chiếc tủ đa năng

HOA NỮ

Lúc đầu, thay vì giải trí bằng việc chơi game, anh chuyển sang tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình tái chế rác thải nhựa trong nước và thế giới. Từ đó, cứ mỗi tối đi dạy về, anh lại ngồi cặm cụi cắt rồi khoét các chai nhựa thành đủ các mô hình khác nhau để trồng cây, nuôi cá hay thậm chí là làm bóng đèn trang trí cho ngôi nhà.

Anh Vinh còn ngẫu hứng đọc mấy câu thơ: “Đời tôi bưng nước cho người/ vừa xong cơn khát là đời tôi tiêu/ May sao gặp chú này liều/ tái sinh thành kiếp bưng nhiều thứ hơn”, để anh nhấn mạnh việc nhiều người đang lãng phí rác thải nhựa, chỉ dùng một lần rồi vứt đi, nhưng thực tế nó có thể tái chế thành nhiều thứ hữu dụng khác.

Thầy giáo 9X mong muốn những mô hình tái chế rác thải nhựa sẽ được nhân rộng

HOA NỮ

Không dừng lại ở các mô hình tại nhà, anh Vinh mang ý tưởng tái chế rác thải nhựa vào trường học và cùng hướng dẫn học sinh làm các vật dụng tái chế chai nhựa. Và ý tưởng về một cái tủ đa năng bảo vệ môi trường đã được hình thành.

“Mình thấy một thực tế là ở trường, lượng chai nhựa dùng một lần và vứt đi rất nhiều, như thế không những rất hoang phí mà còn gây hại cho môi trường. Vì thế mà mình nghĩ nên hướng dẫn để học sinh cùng nhau hình thành thói quen tái chế rác thải nhựa”, anh Vinh chia sẻ.

Hồ cá ngay trên đầu tủ

HOA NỮ

Một chiếc tủ với các ngăn đựng đồ được làm từ những can nhựa 10 lít, các thanh để nâng đỡ can nhựa được tận dụng từ những ống nước bỏ đi. Trên đầu tủ, thầy và trò tái chế bình nước 20 lít thành hồ cá và các chai nhựa nhỏ hơn sẽ làm thành thác nước và khi nước nhiễu từ các chai nhỏ xuống hồ sẽ cung cấp thêm oxi cho cá sống. Ấn tượng hơn là mô hình trái tim từ cây trầu bà được trồng kết hợp với hồ cá, vừa thêm mảng xanh, vừa lọc nước và lọc không khí trong lành hơn.

Hai bên hông của tủ, một bên là không gian trồng những giàn hoa mười giờ, một bên là các ngăn đa năng để đựng dụng cụ học tập như bút, thước…

“Mình muốn là tủ tái chế nhưng phải đa năng, vừa đựng được các dụng cụ học tập của học sinh, vừa có không gian thiên nhiên, cây cối để cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi giờ học”, anh Vinh bày tỏ.

Thầy và trò cùng đi xin chai nhựa

Theo anh Vinh, tủ đa năng này có thể chế tạo để đựng được các vật dụng ở trường cũng như ở nhà. Như có thể chế thành tủ đựng quần áo, tủ giày dép, tủ sách…

Anh Vinh còn cho biết hiện nay, ngoài mô hình tủ đa năng bảo vệ môi trường, thì ở trường của anh còn có mô hình thủy canh từ các chai nhựa để trồng rau và hoa.

Những ngăn đựng đồ bằng can nhựa

HOA NỮ

Không những thế, do được làm cùng thầy, rồi thấy thầy đụng gì cũng tái chế được, nên học trò trong trường, giờ cứ thấy rác thải nhựa là nghĩ ngay đến việc tái chế.

“Các em dường như đã thành thói quen rồi, nên bây giờ, ở trường không còn rác thải nhựa nữa mà thay vào đó là những mô hình tái chế rất độc đáo và thú vị. Có những khi không có đủ chai nhựa để tái chế, thầy và trò lại đi xin khắp nơi. Xin nhiều đến nỗi mà chủ các quán nước quen mặt thầy trò luôn (cười)”, anh Vinh kể.

Một bên của tủ có thể tận dụng để được nhiều vật dụng khác nhau

HOA NỮ

Tô Tiến Đạt, học sinh lớp 8A5 Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, hạnh phúc chia sẻ: “Từ ngày được thầy hướng dẫn cách để tái chế như thế này, tụi em rất vui. Vì em thấy rác thải nhựa ở trường em rất nhiều, tái chế như thế này tụi em học được cách để bảo vệ môi trường. Về nhà em cũng tự làm hộp đựng viết, hay trang trí góc học tập bằng các vật dụng tái chế từ rác thải nhựa”.

Không chỉ là người thầy yêu môi trường và cùng hướng dẫn học trò những cách thức để bảo vệ môi trường, anh Vinh còn được học sinh vô cùng yêu mến, bởi sự tận tâm trong việc dạy cũng như tình cảm mà anh dành cho học trò mình.

Mặt sau của tủ

HOA NỮ

Anh Vinh kể: “Ngày xưa mình nghĩ là mình không thích nghề giáo, vì mình có tâm hồn nghệ sĩ, thích chơi đàn, trước đây đã từng lập ban nhạc để được thỏa thích với việc chơi đàn. Nhưng khi đi dạy, tiếp xúc với các em, thấy nhiều em có những hoàn cảnh rất đáng thương. Như có em mồ côi cha, một mình mẹ gồng gánh nuôi 3 anh em ăn học, tự dưng thấy nhớ lại hoàn cảnh của mình ngày nhỏ. Từ đó đồng cảm và giúp đỡ các em, nếu trường hợp các em không có tiền để đóng học phí kịp thì mình dành dụm khoản tiền ít ỏi từ việc giữ bán trú buổi trưa (50-60.000 đồng một buổi) để nộp học phí cho các em”.

Anh Vinh còn kể nếu có quá nhiều trường hợp khó khăn, nhưng với đồng lương của những người thầy giáo thì thật sự không thể giúp được hết các em, những lúc đó anh lại đi vận động bạn bè, người quen.

Nhiều bạn nhỏ hứng thú với chiếc tủ đa năng ấn tượng này

HOA NỮ

“Vì có những người anh em xung quanh mình có điều kiện và có mong muốn giúp đỡ người khác nhưng họ lại không biết nơi nào để giúp đỡ thì mình tạo điều kiện để họ cho đúng chỗ, giúp đỡ đúng nơi. Mình luôn muốn các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết cố gắng, các em sẽ luôn có được cơ hội để phát triển”, anh Vinh tâm sự.

Câu chuyện truyền cảm hứng và thói quen tái chế chai nhựa để bảo vệ môi trường của thầy giáo 9X đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Và khi nghe được những chia sẻ của anh, chúng tôi càng ấn tượng hơn về thầy giáo trẻ và tận tâm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.