Thay đổi góc nhìn - tại sao không?

01/07/2006 21:47 GMT+7

Một sự vật, hiện tượng, câu chuyện khi nhìn ở góc độ này thì nó là như vậy, nhưng nhìn ở góc độ khác thì sự việc có thể thay đổi một cách bất ngờ. Chính việc mạnh dạn thay đổi góc nhìn, mà không ít những phát hiện, sáng kiến nảy sinh trong cuộc sống dẫn đến những cơ hội kinh doanh ít ai nghĩ đến. Việc thay đổi góc nhìn cũng đưa con người thoát ra khỏi những khuôn phép định sẵn.

Sản xuất dầu diesel từ mỡ cá!

Cá basa của Việt Nam từng làm "nổi đình, nổi đám" ở nước Mỹ qua vụ kiện bán phá giá. Ai cũng nghĩ giá trị của nó chỉ là phần thịt, còn các phần khác là đồ bỏ. Nhưng ngay chính quê hương của nó - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có những người lại muốn nhìn khác đi về giá trị của cá basa. Những người từng ăn cá basa đều biết, loài cá này có rất nhiều mỡ. Người ta ước tính lượng mỡ chiếm đến 15% trọng lượng con cá basa, chủ yếu tập trung ở phần bụng. Đối với ngành chế biến thủy sản, mỡ cá được xem là phế phẩm nên giá rất rẻ, chỉ khoảng 4.000 đồng/kg, bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Sản lượng cá tra, cá basa ở ĐBSCL vào năm 2005 ước tính là 400 ngàn tấn; năm 2006: 500 ngàn tấn; năm 2007 khoảng 700 ngàn tấn. Chỉ riêng ở Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, mỗi năm cho ra khoảng 10.000 tấn mỡ cá. Ông Hồ Xuân Thiên, Giám đốc công ty cho biết, làm tăng giá trị của lượng mỡ khổng lồ này là điều công ty luôn trăn trở. Tháng 1.2004, công ty bắt đầu triển khai nghiên cứu biến mỡ cá thành dầu diesel chạy động cơ (!). Mày mò mãi, cuối năm 2005 công ty cũng sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm dầu Basa bio diesel. Sản phẩm được Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, Tổng cục Dầu khí kiểm tra chất lượng trước khi đăng ký sản xuất. Ông Hồ Xuân Thiên cho biết: Điều đáng mừng là, dù chưa đi vào sản xuất, nhưng các công ty kinh doanh xăng dầu đã hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm độc đáo này. Gọi là sản phẩm độc đáo không chỉ vì dầu Basa bio diesel được giải thưởng "Sản phẩm độc đáo" do Ban tổ chức Hội chợ triển lãm Vietfish 2006 trao tặng, mà còn là sản phẩm dầu diesel đầu tiên trên thế giới được làm từ mỡ cá. 

Từ rác thành điện

Rác tưởng chừng là đồ bỏ đi. Nhưng từ rác, người ta còn làm ra... điện! Đó là công trường xử lý rác Gò Cát, do Công ty môi trường đô thị TP.HCM quản lý, thực hiện. Nếu có dịp đi trên quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc (Q.Bình Tân), chúng ta có thể nhìn thấy một núi rác cao ngất. Rác ở đây được xử lý bằng công nghệ chôn lấp vệ sinh, có tấm lót đáy, có hệ thống thu gom và xử lý nước rác, thu khí gas và xử lý thành điện năng. Một trạm phát điện có công suất 2.430 KW được xây dựng và cung cấp thiết bị bởi Công ty Ballast Nedam Việt Nam (Hà Lan). Từ 20.7.2005 cho đến nay, tổ máy đầu tiên trong 3 tổ máy của hệ thống đã vận hành liên tục, phát điện lên mạng lưới quốc gia 24/24 giờ. Với lượng gas thu được từ bãi rác hiện nay khoảng 400 Nm3/giờ, mỗi ngày trạm phát điện có thể sản xuất được 14.400 KW. 2 tổ máy nữa sẽ tiếp tục đi vào hoạt động thời gian tới.

Một kg mỡ cá giá 4.000 đồng, chế biến được 1,13 lít dầu, giá mỗi lít là 7.000 đồng (rẻ hơn 1.000 đồng so với dầu diesel thông thường). Không chỉ thế, dầu Basa bio diesel còn hơn dầu diesel thông thường ở chỗ giảm ô nhiễm môi trường (lượng khói thải giảm 60% so với dầu diesel, giảm 78,5% khí CO2, giảm 45% khí CO, ít hydrocacbon thơm và không có lưu huỳnh). Quý 4 năm nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang sẽ tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất dầu Basa bio diesel, công suất 10.000 tấn/năm, dự kiến cho ra sản phẩm vào năm 2007.

Bã mía biến thành ván ép

Bã mía, vỏ trấu, xơ bắp... chỉ là những thứ vứt đi. Nhưng ông Trần Phúc (ngụ tại 30 Ngô Quyền, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) lại suy nghĩ khác. Ông đi nhặt nhạnh, thu gom những thứ bỏ đi như vỏ cà phê, bã mía, lá thông khô, vỏ trấu, xơ bắp... rồi trộn đều, xay nhuyễn thành bột để ép thành ván dân dụng, mở ra nghề làm ván ép từ "rác". Một lần rong ruổi đi tìm đề tài sáng tác những bức tranh mỹ nghệ ở các tỉnh Tây Nguyên, ông Phúc dừng lại khá lâu trước những bãi rác vỏ cà phê chất cao như núi và suy nghĩ về một cách thức để tận dụng những chất thải này thành vật dụng có ích. Trở về Đà Lạt, ông Phúc cùng một người bạn kỹ sư bắt tay vào thực hành những phản ứng hóa học từ việc pha trộn nhiều thành phần, với mục đích tìm ra các loại sản phẩm keo khác nhau. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng thì một hợp chất keo mới của Trần Phúc và người đồng môn đã đáp ứng các thông số kỹ thuật chuẩn xác, cần thiết. Việc tiếp theo là phải "chế" ngay một cỗ máy ép bột keo, vỏ cà phê thành ván tấm. Ông Phúc huy động hết số tiền mặt trong gia đình được hơn 10 triệu đồng, tạm đủ mua những vật tư điện cơ chính yếu về lắp ráp. Không lâu sau, chiếc máy ép ván từ vỏ cà phê với 1,5 sức ngựa, động cơ chạy bằng mô-tơ điện ra đời. Chiếc máy vận hành thành công ngay từ mẻ ván ép đầu tiên. Một người bạn cho mượn thêm 40 triệu đồng, ông quyết định lắp ráp một cỗ máy lớn hơn. Dây chuyền này đạt công suất mỗi giờ cho ra 1 tấm ván ép (dài 10m, rộng 1m, dày 2 cm). Sau nguyên liệu vỏ cà phê, ông Phúc "nhặt" thêm bã mía, xơ bắp, vỏ trấu, lá thông khô... tất cả đều cho sản phẩm ván ép có chất lượng như nhau. Và tất cả sản phẩm ván ép từ rác này hoàn toàn có độ bền không thua kém các loại ván ép từ chất liệu gỗ trong nước hoặc nhập khẩu hiện có trên thị trường, giá loại ván ép này lại rẻ hơn 30% so với các loại khác trên thị trường.

Làm cho hạt cát kiêu sa hơn


Ông Hồ Xuân Thiên, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang với sản phẩm dầu Basa bio diesel sản xuất từ mỡ cá basa và cá tra. ảnh: M.V
Một lần Trần Trung Kiên cùng những người bạn về Cam Ranh (Khánh Hòa) chơi đã phải thán phục trước vẻ đẹp của những bãi cát, đụn cát trắng xóa ở đây. Mọi chuyện bắt đầu từ một câu đố rất tình cờ trong vô vàn những câu chuyện của những bạn trẻ với nhau: "Cát có mấy màu?". Trong đầu của Kiên, sinh viên Trường đại học Kinh tế; của Sơn, sinh viên Đại học Mỹ thuật lúc đó... nảy sinh một ý tưởng. Nghe nói đã có người làm tranh cát, các bạn trẻ bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu. Sau 2 năm các bạn đã biết cách làm cho những hạt cát vô tri có tiếng nói riêng của mình. Nhưng Kiên, Sơn và các bạn không chịu bằng lòng với những gì đã làm được. Họ quyết thay đổi góc độ để cho hạt cát lộng lẫy, kiêu sa hơn. Những người làm tranh cát trước đây chỉ sử dụng cát tự nhiên để làm. Điều này làm tăng tính độc đáo cho tranh cát nhưng có điểm hạn chế là không đủ màu sắc để thể hiện những bức tranh khó và không làm đa dạng các tác phẩm của loại hình nghệ thuật này được. Các bạn trẻ quyết định dùng màu nhuộm cát để thỏa mãn sức sáng tác của mình. Mặt khác, những bức tranh cát xuất hiện trước đây là trong chai, lọ... thì nay, Kiên và Sơn làm tranh cát của họ trông giống... tranh hơn vì được lồng trong khung kính.

Nhìn những bức tranh cát lồng trong khung kính treo tường thật khó đoán được chúng được tạo nên từ những hạt cát bé xíu. Kiên và Sơn phải mất bao công sức, kỳ công nghiên cứu bộ khung kính để đổ cát vào tạo hình. Bao nhiêu khung kính bị vỡ tan tành, hay bị bung ra vì keo không chịu nổi sức ép. Rồi các bạn cũng tìm được giải pháp và tiến thêm một bước là làm cho khung kính ngày một mỏng đi, thanh nhã hơn. Công ty Simbo đã được thành lập do Kiên làm giám đốc. Simbo quy tụ các bạn trẻ có niềm đam mê nghệ thuật và dĩ nhiên có kiến thức rất cơ bản về hội họa cùng thực hiện ước mơ chinh phục loại hình nghệ thuật này. "Một ngày nào đó, khách trên thế giới không chỉ biết đến loại hình nghệ thuật mới này mà còn đến đây để học giống như họ đến để học võ, học nghệ thuật nấu ăn của người Việt chúng ta", Kiên ao ước.

T.H - M.V - Q.T - T.B
(thực hiện)

*Chuyên mục phối hợp thông tin giữa Báo Thanh Niên và chương trình truyền hình Tại sao không? trên VTV1 do HauMy Cross-Media và VTV sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.