Thắp sáng ước mơ hoàn lương

23/03/2013 17:05 GMT+7

(TNO) Chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương diễn ra sáng nay 23.3 tại phân trại số 3, trại giam Thanh Xuân (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) do Thành đoàn - Hội LHTN TP.Hà Nội và Huyện đoàn, Hội LHTN huyện Thanh Oai tổ chức.

Trong sáng nay, 150 phạm nhân phân trại số 3 đã được khám và cấp phát thuốc miễn phí bởi các y bác sĩ đến từ Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Hiệp sĩ công nghệ thông tin khiếm thị Khúc Hải Vân có mặt, giao lưu với các phạm nhân.

Muốn thành công phải biết giá trị của mình

trại giam
Hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân, thiếu úy Ma Thị Bích Phương - cán bộ trại giam, phạm nhân Trần Thị Nguyệt giao lưu tại chương trình - Ảnh: Thúy Hằng

Hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân đã khiến nhiều phạm nhân ngồi dưới ghế khán giả bật khóc, khi được nghe những câu chuyện về sự nỗ lực của bản thân Khúc Hải Vân. Vân là người khuyết tật nhưng vẫn trở thành một người rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin (Vân cùng một người bạn mở Trung tâm Tia Sáng năm 2005 để dạy tin học cho người khiếm thị; Vân đã góp phần tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hình ảnh; năm 2005, Vân được tạp chí Echip tôn vinh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin…).

Hiệp sĩ công nghệ thông tin mong muốn mỗi phạm nhân hãy nhận thức được giá trị của bản thân mình để không ngừng cải tạo tốt, sớm đến ngày được hòa nhập cùng cộng đồng.

Anh kể câu chuyện của mình để chia sẻ với các phạm nhân: “Ngày niên thiếu, tôi không nhìn thấy gì. Ai cũng xa lánh, sợ hãi. Nhưng tôi vẫn chạy đến bên họ, bằng sự chân thành, tôi lấy được tình cảm của mọi người. Tôi biết tôi có thể làm gì, có thể mang niềm vui gì đến cho mọi người. Sau này đã trưởng thành, tôi rút ra bài học, muốn thành công, phải biết được giá trị của mình trong cuộc sống”.

Thành công không đóng cửa với người biết nuôi dưỡng giấc mơ

Đó là lời chia sẻ của luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty luật sư Gia Phạm (Hà Nội) cùng 150 phạm nhân.

 trại giam
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty luật sư Gia Phạm (Hà Nội) giao lưu cùng 150 phạm nhân - Ảnh: Thúy Hằng

Luật sư Long vẽ lên các tờ giấy A1 trắng những chữ lớn: nhân - quả, biết ơn…, vẽ lên các hình con mắt, cặp kính… rồi diễn giảng với các phạm nhân về luật nhân quả, về giá trị của lòng biết ơn trong cuộc đời.

Khi các bạn bước chân ra khỏi cánh cửa kia, trút bỏ bộ quần áo kẻ sọc đen trắng ra và mặc vào những bộ cánh như chúng tôi đây, sẽ chẳng có gì khác biệt giữa các bạn và cộng đồng. Mặc cảm cướp đi của các bạn nhiều cơ hội thực hiện những ước mơ

Luật sư Phạm Thành Long
Theo anh Long, đơn giản nhất, mỗi người hãy biết ơn chính con mắt của mình, giúp mình có thể nhìn thấy vạn vật xung quanh. Khi biết ơn cuộc đời đã cho mình được sống trên đời, hãy cố gắng sống sao cho tốt.

“Nhiều người khi ra khỏi trại giam vẫn chưa thể hòa nhập nhanh với cộng đồng. Lúc nào cũng một mặc cảm về quá khứ tội lỗi. Chúng ta đừng hi vọng có thể kêu lên với mọi người rằng, hãy tha thứ cho tôi đi, hãy mở lòng với tôi đi, tôi không còn lầm lỗi nữa”.

“Chỉ có cha mẹ, anh em trong nhà ta là không bao giờ hết yêu thương ta. Muốn nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của những người khác trong xã hội, không còn cách nào khác, chúng ta cũng phải bao dung, chia sẻ lại. Hãy sống tốt với người trước khi mong người sống tốt với ta…”.

Luật sư Long vừa kết thúc, những tràng pháo tay vang lên không dứt dưới hội trường. Nhiều phạm nhân nữ đã khóc khi cho biết, mình rất nhớ chồng và con. Những ngày trong trại giam càng cho các chị thấm thía nỗi đau mất tự do, các chị đã biết mình phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm.

Phạm nhân Trần Thị Nguyệt (27 tuổi, quê Thanh Hóa, chịu án 3 năm), một phạm nhân được đánh giá có quá trình cải tạo rất tốt, nhiệt tình tham gia các hoạt động tăng gia, sản xuất trong trại giam may mắn được ngồi cùng bàn đại biểu với anh Khúc Hải Vân, thiếu úy Ma Thị Bích Phương - cán bộ trại giam, giao lưu với các phạm nhân khác.

Nguyệt suýt khóc khi nhận được tờ tiền 100.000 đồng của anh Khúc Hải Vân. Nguyệt bảo hôm nay là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời cô, khi ước mơ hoàn lương trong cô càng được thúc giục.

Trao đổi với Thanh Nien Online, Phó giám thị trại giam Thanh Xuân, đại tá Phan Trọng Hà cho biết trong thời gian qua, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên vào trại giam Thanh Xuân có xu hướng tăng về số lượng và nguy hiểm hơn về mức độ phạm tội.

Trại giam Thanh Xuân đã tổ chức nhiều lớp học văn hóa, các trung tâm dạy nghề thủ công, mỹ nghệ, may mặc, thêu thùa… để tạo điều kiện cho các phạm nhân học được một nghề nghiệp để sớm hòa nhập được với cộng đồng.

Đồng thời, theo đại tá Phan Trọng Hà, để thắp sáng ước mơ hoàn lương tốt nhất cho các phạm nhân các giám thị cũng phải là những cán bộ trại giam có nghệ thuật, vừa giáo dục, chỉ bảo, hướng dẫn, củng cố tâm lý cho các phạm nhân, để họ nhận ra sai lầm, sửa sai cho quãng đời còn dài phía trước.

Thắp sáng ước mơ hoàn lương là một trong chuỗi những hoạt động trọng tâm của Thành đoàn - Hội LHTN TP.Hà Nội trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Đây cũng là chương trình cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đoàn thành phố lần thứ XIV trong khâu đột phá “xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên thủ đô”.

Chương trình thể hiện trách nhiệm cán bộ Đoàn - Hội và tuổi trẻ toàn thành phố trong việc giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội, giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi pahmj pháp luật trong thanh niên. (Thúy Hằng)

Thúy Hằng - Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.