Thành phố thông minh của người trẻ

06/02/2019 18:17 GMT+7

Nhiều mô hình, sản phẩm phục vụ thành phố thông minh cho thấy những bất ngờ về khả năng sáng tạo vô biên của người trẻ.

Khi chìa khóa không chỉ để mở, đóng cửa

Với khao khát có một sản phẩm công nghệ Việt thật sự do chính người Việt tạo ra, cũng như để xây dựng thành phố thông minh từ những vật dụng thông minh nhất, nhóm bạn trẻ tại TP.HCM đã khởi nghiệp với sản phẩm khóa thông minh.
Theo Ngô Cự Mạnh (trưởng nhóm), khóa thông minh Atovi không những đầy đủ các tính năng của khóa thông thường mà còn có khả năng tạo ra mã khóa theo thời gian cho thuê ngay cả khi không cần wifi và quản lý tất cả trên ứng dụng của thiết bị thông minh. Đặc biệt còn kết hợp hệ sinh thái của thành phố thông minh như quản lý lịch sử đóng, mở cửa. Bên cạnh đó, khóa cũng có thể nhận diện thiết bị di động thông minh từ một khoảng cách nhất định (tùy theo cài đặt) để mở sẵn cửa, chào đón gia chủ về nhà.
“Hoạt động trên nền tảng IoT (vạn vật kết nối), sản phẩm này không chỉ là một chiếc khóa cửa, mà là một phần của hệ sinh thái công nghệ thông minh nhằm mang lại cho chúng ta trải nghiệm an toàn trong chính ngôi nhà của mình”, Mạnh cho biết.

Đồng hồ nước kết nối với điện thoại

Hai sinh viên Nguyễn Huy Dũng và Nguyễn Văn Kiên, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã sáng chế sản phẩm đồng hồ nước thông minh cho các hộ gia đình. Sản phẩm của nhóm cũng xuất sắc giành giải nhất cuộc thi IoT Startup 2018 do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
Nhóm tác giả bên sản phẩm đồng hồ nước thông minh Nữ Vương
“Hiện nay việc đọc và ghi chỉ số nước thủ công mất nhiều thời gian, công sức, chi phí, dễ sai sót trong việc tổng hợp và xử lý số liệu. Bên cạnh đó, các công ty mất đến 25% doanh thu để trả tiền lương cho người ghi nước, chi phí in hóa đơn, thu tiền nước. Chưa kể tình trạng rò rỉ, thất thoát mà người sử dụng không kiểm soát được…Đó là động lực để nhóm mình nghiên cứu sản phẩm”, Dũng lý giải.
Với đồng hồ nước thông minh, hệ thống sẽ tự đọc dữ liệu, cập nhật và gửi dữ liệu đọc được theo thời gian cài đặt về hệ thống mà không cần nhân viên. Hệ thống cũng tự tổng hợp số liệu tính toán giá thành (hóa đơn sử dụng nước) và gửi về khách hàng.
Sản phẩm này cũng làm tăng năng suất lao động. Cụ thể đối với đồng hồ cơ, để đọc được 1.000 đồng hồ nước, cần đến 5 nhân viên đọc số trong 1 ngày. Đối với đồng hồ nước thông minh, trong 1 ngày, 1 nhân viên có thể đọc hơn 3.000 địa chỉ khách hàng.
Hệ thống kết nối với từng điện thoại của người sử dụng để gửi thông tin hằng ngày, hằng giờ theo nhu cầu.

Nền tảng công nghệ phát triển ứng dụng IoT

Một nhóm sinh viên TP.HCM đã sáng chế ra nền tảng iNut Platform, nền tảng công nghệ dùng cho việc lập trình và phát triển các ứng dụng của IoT.
Nhóm tác giả và sản phẩm giải pháp công nghệ Inut Nữ Vương
“Với iNut Platform, tụi mình hướng tới việc xây dựng một cộng đồng IoT Developers làm ra các ứng dụng IoT một cách dễ dàng nhất, chỉ bằng việc cắm - chạy các thiết bị, lập trình kéo - thả các khối lệnh… để tạo môi trường thuận lợi cho các ứng dụng IoT ra đời”, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, thành viên nhóm, chia sẻ.
“iNut Platform giúp việc lập trình IoT trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Nền tảng thường sử dụng kết hợp với các thiết bị phần cứng và phần mềm để tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện...) điều khiển được trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính”, Khánh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.