Thanh niên VN khó cao nếu không thay đổi ý thức

15/02/2019 07:13 GMT+7

Thanh niên VN được cho là lùn và còi nhất khu vực châu Á. Điều này cũng gây ra một phần thiệt thòi cho những bạn trẻ có 'chiều cao khiêm tốn', khi mà ngày càng có nhiều quy định, tiêu chí tuyển dụng ràng buộc về ngoại hình.

 

Thay đổi dinh dưỡng và vận động

Nói về chiều cao người VN, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu tại lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại VN và triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 31.1.2018: “Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên VN chỉ tăng thêm được 3 cm, hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. Chiều cao này thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á”. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt còn hạn chế có trên 50% là vai trò của dinh dưỡng và rèn luyện thể lực.

Trên thực tế, nước ta đã có những chính sách, chiến lược về phát triển thanh niên VN. Tuy nhiên chiều cao của thanh niên VN vẫn chưa đạt được chuẩn trung bình quốc tế. Về vấn đề này, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 14.2, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng VN, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết có một nhóm nguyên nhân.
Trong đó đầu tiên là yếu tố di truyền, kế đến là chế độ dinh dưỡng. Bà Diệp chỉ ra những chế độ ăn không phù hợp hoặc thiếu cân đối như trong thực đơn thiếu chất đạm, thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết cho việc hỗ trợ phát triển chiều cao. Hay thậm chí ăn quá nhiều chất béo, chất bột đường… dễ dẫn đến tình trạng béo phì thì sẽ không thể phát triển tối đa tiềm năng chiều cao của mỗi người. “Hậu quả của việc suy dinh dưỡng từ nhỏ như suy dinh dưỡng bào thai hay sinh non thì sẽ dẫn tới chiều cao không tốt lúc trưởng thành”, bà Diệp cho biết.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, chế độ vận động cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển tầm vóc và thể lực. Bà Diệp không đồng tình với “căn bệnh điểm 10” mà nhiều phụ huynh đang áp đặt cho con mình. “Cứ thích con được điểm 10. Rồi 9, 10 giờ đêm vẫn còn thấy những đứa trẻ mặc đồng phục, gặm bánh mì ngoài đường. Sáng ra lại gật gù sau lưng bố mẹ đến trường. Như thế thì lấy đâu ra thời gian mà vận động. Lại ngủ không đủ giấc thì làm sao chiều cao phát triển”, bà Diệp bức xúc.

Hình thành thói quen tập thể thao

Bàn về giải pháp tăng chiều cao, thạc sĩ Dương Văn Hiền, Trưởng bộ môn giáo dục thể chất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thanh niên VN khó cao nếu ý thức không thay đổi.
Theo ông Hiền, người trẻ có thời gian rảnh thì chơi game hay lao vào thế giới công nghệ hoặc vùi đầu vào sách vở vì áp lực học tập ngày càng nặng và xem nhẹ việc luyện tập thể dục thể thao.
Ông Phan Văn Hoàng, Trưởng bộ môn thể chất Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nói: “Mỗi tuần ở trường có 3 tiết học thể dục cho một lớp. Với số tiết học này thì không thể nói là đủ nhưng nếu tập trung tối đa vào các tiết học thì vẫn đảm bảo được nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên thực tế hiện nay sinh viên rất lơ là các tiết học thể dục hay thường chỉ học cho có”.
Ông Hiền cho biết con người đến 25 tuổi là hết tăng trưởng chiều cao, nên từ 5 - 20 tuổi là giai đoạn cần chú trọng đến vấn đề này. Các môn thể dục tác động mạnh đến chiều cao là thể dục dụng cụ, chạy bộ, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội…

Chế độ ăn cân bằng

Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, các nghiên cứu cho thấy 60 - 80% khác biệt về chiều cao là do yếu tố di truyền tác động, 20 - 40% còn lại liên quan đến yếu tố môi trường, trong đó dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Trẻ cần có chế độ ăn cân bằng: thấp về chất béo bão hòa, đường và natri; giàu các vitamin thiết yếu và khoáng chất. Canxi và sắt rất quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ và cần thiết cho sự phát triển xương, khớp. Các vitamin D và A cũng ảnh hưởng đến chiều cao.
“Ngay cả với chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhất cũng không thể thay đổi đặc tính chiều cao quy định bởi bộ gien, nghĩa là không giúp một người cao hơn mức được quy định trong bộ gien. Tuy nhiên chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng có thể cản trở một đứa trẻ đạt chiều cao tối đa”, bác sĩ Niên nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp thì khuyên phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng cá thể, từng đối tượng, độ tuổi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi hết tuổi trưởng thành. Trong chế độ dinh dưỡng, cần chú ý đến các chất dinh dưỡng hỗ trợ phát triển chiều cao, không sử dụng hoặc lạm dụng các loại thực phẩm thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi không có hướng dẫn, tư vấn, chỉ định của các chuyên môn về sức khỏe dinh dưỡng.
“Bên cạnh đó, để phát triển tối ưu chiều cao thì phải thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, tăng cường các hoạt động thể lực hằng ngày, không hoạt động thụ động quá 2 giờ một ngày, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động thể lực ngoài trời”, bà Diệp nói.
Ý kiến
Tầm vóc có thể thấp bé
Học hành phải cạnh tranh với nhau thì mới mong con mình tiến bộ được. Con người ta biết mà con mình không biết thì đâm ra thua thiệt. Tầm vóc thì có thể thấp bé một tí chứ trí tuệ thì tuyệt đối không.
Nguyễn Hữu Hậu 
(phụ huynh ở Q.3, TP.HCM)
Chú ý vấn đề quy hoạch đô thị
Ở VN, việc quy hoạch thành phố với nhà cửa hình ống san sát, không còn kẽ hở, đi lại bằng phương tiện cá nhân, lề đường bị chiếm dụng, làm hạn chế diện tích dành cho người đi bộ, cộng vào đó là thói quen ra đường là chạy xe máy. Trường học vẫn còn thiếu sân bóng, nhà trẻ, trường mẫu giáo thiếu đất sinh hoạt… Một cuộc sống thiếu vận động dẫn đến tình trạng béo phì bùng phát và chiều cao của thanh niên vì thế mà bị ảnh hưởng.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.